Op Shop – Mua Đồ Giá Rẻ Ở Úc
Ở Úc có 1 hệ thống cửa hàng bán gần như mọi thứ với giá rất rẻ gọi là Op Shop. Đây là những cửa hàng hoạt động nhằm mục đích từ thiện. Họ nhận tất cả những đồ dùng đã qua sử dụng hoặc đồ không cần dùng tới của người dân địa phương, sắp xếp lại và bán với giá chỉ bằng 1/5 – 1/10 giá thị trường. Với mức sống siêu đắt đỏ, những cửa hàng này là thiên đường mua đồ giá rẻ ở Úc.
1. THƯƠNG HIỆU:
“Op shop” là từ viết tắt của “Opportunity Shop”. Tên gọi này được dùng để chỉ những cửa hàng do các tổ chức từ thiện quản lý ở Úc và New Zealand.
Trên thực tế, rất ít cửa hàng đề bảng hiệu “Op Shop” dù dân Úc ai cũng gọi đó là Op shop. Những cửa hàng này dùng các thương hiệu như Vinnies, Salvos (The Salvation Army), Red Cross, Lifeline, Endeavour, Second Chances, Sacred Heart Mission,…để kinh doanh gây quỹ.
Với hàng trăm cửa hàng trên khắp nước Úc, cách tốt nhất để tìm ra các cửa hàng này là hỏi người dân hoặc tìm trên Google. Thương hiệu Vinnies, Salvos và Red Cross thường có giá rẻ hơn những cửa hàng còn lại.
2. MẶT HÀNG:
Những cửa hàng này thu nhận tất cả đồ không cần dùng tới của người dân địa phương. Hầu hết là đồ đã qua sử dụng. Điều kiện tiên quyết là phải sạch sẽ, còn tốt và cho đi miễn phí.
Do nguồn không quá kén chọn, ở Op Shop, mọi người có thể tìm thấy gần như tất cả mọi thứ. Từ quần áo, giày dép,…
đến sách vở, băng đĩa, đồ gia dụng, bàn ghế nội thất,…
Ngay cả những đồ chuyên dụng như quần chạy xe đạp, áo khoác da thật (để đi xe máy), nón bảo hiểm, găng tay, đồ làm bánh,…cũng có thể tìm thấy.
Tuy vậy, nhiều Op shop cũng bán vài vật dụng còn mới tinh là do:
– Vài công ty thay vì thanh lý hàng tồn kho (phải tốn phí) thì họ mang cho các Op shop để làm từ thiện.
– Một số người mua đồ về, chưa xài, không thích nữa, mang cho Op shop.
– Các Op shop bán 1 số mặt hàng liên quan đến công tác từ thiện. Ví dụ: hàng thủ công do người khuyết tật làm,…
3. GIÁ CẢ:
Vì nhận nguồn hàng miễn phí và nhân viên là những người tình nguyện, chi phí kinh doanh các Op shop rất thấp. Do đó, giá bán các mặt hàng ở đây thường chỉ bằng 1/5 – 1/10 giá thị trường.
Ví dụ:
– Mình mua được 1 cái áo khoác nhồi lông hiệu Abercrombie & Fitch mới tinh chỉ 25 AUD. Cái áo này bên ngoài cũng cỡ 250 AUD. Rồi 1 cái quần jeans chỉ 6 AUD. Vừa in.
– Tô chén dĩa trong Op shop giá chỉ 1 AUD/cái. Nhiều mẫu mã, kiểu dáng, tha hồ lựa chọn.
Tuy nhiên, ở các thành phố lớn như Sydney, Melbourne,…các Op shop lại được săn lùng như hàng vintage. Do đó, giá cả ở một số tiệm mắc như đồ mới. Các cô, các chị vào các op shop là cứ thử vài chục cái trở lên. Có những cái áo giá cũng đến cả trăm đô.
4. TIỆN ÍCH:
– Họ có phòng thử quần áo nên mình có thể thử thoải mái để chắc chắn chọn đồ vừa và ưng ý. Thử xong không mua cũng không sao. Không ai phàn nàn hết.
– Có đủ size cho mọi người, không chỉ vài size nhất định. Mình thường mặc size XS, Fraser mặc size M, mà tụi mình đều tìm được đồ vừa in cho cả 2 đứa.
– Không có nhân viên đi theo tò tò hỏi mình muốn mua gì. Tuy nhiên, nếu cần tìm món gì mình không thấy, hỏi thì nhân viên phục vụ rất nhiệt tình.
– Các Op shop thường có nhiều mặt hàng, vài shop to như cái siêu thị, nên có khi chỉ cần đi 1 nơi là có thể mua đủ các thứ cần thiết.
– Có thể trả bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.
5. VÌ SAO NÊN MUA ĐỒ Ở OP SHOP – ĐỒ CŨ ĐỂ XÀI?
Có nhiều lý do, trong đó:
– Rẻ.
– Đa dạng, độc đáo, ít “đụng hàng”.
– Bảo vệ môi trường. Tái sử dụng đồ cũ làm giảm thiểu lượng đồ thải ra, phí xử lý rác thải chôn xuống đất hoặc xuống biển.
– Ủng hộ các cửa hàng địa phương thay vì các tập đoàn đa quốc gia giàu có.
– An toàn. Theo các Tổ chức Bảo vệ Sức Khỏe Cộng Đồng, chỉ cần giặt quần áo cũ với nước nóng 1 lần là có thể giảm thiểu nguy cơ lây bệnh. An toàn để sử dụng.
– Tiền thu được từ các Op shop, sau khi trả tiền thuê mặt bằng, bảo trì,…sẽ được sử dụng vào mục đích từ thiện.
LƯU Ý:
– Khi mua đồ xong thì mình tự mang về, không có bao ni lông hay túi giấy để đựng.
– Giờ bán hàng của mỗi cửa hàng rất khác nhau, không đồng nhất. Nên xem trước để biết giờ đi mua sắm.
– Nếu muốn mang cho đồ đến những cửa hàng này thì phải giặt/ rửa sạch sẽ. Sau đó mang đến trong giờ cửa hàng mở cửa và bỏ vào các thùng to nhận đồ quyên góp. Không được để đồ trước cửa hàng khi họ đóng cửa. Với họ, đó giống như là bỏ rác bậy, là phạm pháp. 1 số cửa hàng không nhận thiết bị điện, nệm cũ hoặc dụng cụ tập gym. Họ có quy định rất rõ từng nơi.
Những thông tin về các Op shop ở Úc có thể áp dụng cho ở New Zealand. Đặc biệt, giá quần áo ở New Zealand nhìn chung mắc và ít lựa chọn, ít thời trang hơn ở Úc rất nhiều.