Nyepi – Tết Bali với lễ hội đón mừng năm mới Melasti & Bhuta Yajana
Tụi mình may mắn vẫn ở Bali vào thời điểm Tết cổ truyền của họ năm nay. Đây là ngày tết mừng năm mới rất đặc biệt. Không giống như các nơi khác trên thế giới, mọi người thường vui chơi, hội hè với các hoạt động náo nhiệt; Nyepi ở Bali là ngày tất cả mọi người trên đảo Bali…hoàn toàn không làm gì cả. Kể cả bật đèn.
Tuy vậy, để bù lại, họ có các lễ hội quan trọng và rất độc đáo trước Năm Mới như sau:
1. LỄ HỘI MELASTI (THE MELASTI RITUAL)
Được tổ chức 3-4 ngày trước ngày Nyepi.
Đây là nghi thức thiêng liêng nhất, thú vị nhất, nhiều màu sắc nhất để chào mừng năm mới. Mục đích nhằm tẩy rửa tội lỗi và nghiệp chướng bằng hành động biểu tượng lấy nước thánh. Do đó họ thường tổ chức ở ngôi đền gần biển để tẩy uế và lấy nước thánh từ biển. Nghi thức này cũng nhằm tôn vinh vị thần Sanghyang Widhi Wasa (vị thần tối cao theo tín ngưỡng Bali).
Đáng tiếc là hình mình chụp không đẹp vì chói sáng, vì quá tối,… trong khi lễ hội này cực đẹp. Do đó, toàn bộ hình ảnh trong nghi lễ này mình lấy từ blog của anh Dominik Vanyi http://dominik-photography.com để minh họa. Anh là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sống ở Bali đã hơn 12 năm.
Tùy từng làng, từng địa phương họ có thể bắt đầu nghi lễ Melasti khi mặt trời mọc hoặc thậm chí khi mặt trời lặn. Nghi lễ được tổ chức ở khắp đảo Bali trong vòng mấy ngày này trước Nyepi.
Mọi người mặc bộ đồ truyền thống đẹp nhất của mình. Con trai/đàn ông vấn khăn đội đầu đồng phục rất đẹp. Những món đồ cúng được chuẩn bị trang trọng đầy màu sắc, từng khay từng khay to. Mỗi gia đình đều mang đến một đền thờ nho nhỏ và phần cúng của riêng mình, xếp dọc theo bờ biển.
Những vật thánh trong đền thờ sẽ được mang ra biển để làm lễ. Đặc biệt là những vị thần bảo vệ đền, bảo vệ làng (Barong langdung) rất cao, to (landung có nghĩa là cao), đôi khi đến 2-3 mét.
Những người phụ nữ dâng đồ cúng từ đền thờ ra biển
Những vật thờ thần linh và đồ cúng này sẽ được một nhóm người mang lên thuyền ra biển hoặc khiêng ra biển để tẩy uế và cúng tế.
Trong lúc đó những người còn lại chờ đợi và cầu nguyện, mặt hướng ra biển.
Nhóm người trên thuyền/làm lễ cầu nguyện, sau đó lấy nước thánh để Thầy cúng mang phân phát cho mọi người.
Mọi người chia nhau nước thánh và rẩy lên đền thờ nhỏ mang theo của gia đình mình cũng như những vật linh thiêng không thể mang ra biển được.
Trong lúc buổi lễ cử hành, họ bật nhạc truyền thống thường chơi bằng chiêng cồng Bali (Gamelan music). Các thầy cúng tụng kinh. Nhang trầm được đốt lên thơm nức.
Vài người có thể rơi vào trạng thái xuất thần, nhảy nhót hoặc tự đâm mình bằng một cây kiếm truyền thống Bali (nhưng không nghiêm trọng lắm!)
Đây là nghi lễ bắt buộc hàng năm, tất cả người dân Bali phải tham dự. Ở một số nơi, người không tham dự còn bị phạt tiền.
Mọi người đến tham dự thường tập trung đi chung trên 1 xe tải nhỏ. Ngoài ra cũng có gia đình đến bằng xe hơi, xe máy nên ngày này kẹt xe kinh khủng.
*Ghi chú: Nghi thức Melasti không chỉ được tổ chức vào dịp trước Năm Mới mà còn có thể tổ chức vào những dịp cần thanh tẩy khác. Ví dụ, kỷ niệm thành lập các ngôi đền. Và họ có thể tổ chức ở biển, sông, hồ hay bất cứ nguồn nước nào gần đó sẵn có.
Những nơi tổ chức trọng thể và dễ quan sát nhất là ở Nusa Dua, Canggu, Cemgai, Seseh, Pererenan.
2. NGHI LỄ BHUTA YAJNA (THE BHUTA YAJNA RITUAL)
Tổ chức trong đêm giao thừa, ngay trước ngày Nyepi. Thông thường các nơi bắt đầu nghi lễ từ 6 hoặc 8pm ở các ngã tư lớn. Xe cộ bị chặn lại không cho di chuyển khi bắt đầu lễ.
Nghi thức được tổ chức nhằm xua đuổi tà ma, xui xẻo cũng như tìm sự cân bằng giữa thánh thần, con người và tự nhiên. Người dân ở các làng/ khu vực làm những hình nộm bằng mút xốp với vẻ mặt hung dữ tượng trưng cho ma quỷ gọi là ogoh-ogoh.
Mục đích thật sự của việc làm ogoh-ogoh là để làm trong sạch môi trường tự nhiên bị làm ô uế từ các hoạt động của con người. Ngoài việc là biểu tượng của Bhuta-Kala, ogoh-ogoh còn được xem là biểu tượng của những linh hồn độc ác, thường được làm dựa vào các nhân vật trong truyền thuyết của Bali. Tuy nhiên, bây giờ họ làm cả hình nộm của những người nổi tiếng.
Giới trẻ của mỗi làng sẽ làm 1 con ogoh-ogoh. Những nhóm trẻ con cũng có thể làm 1 con nhỏ hơn. Nhiều nhà điêu khắc, nghệ sĩ đôi khi cũng làm ogoh-ogoh. Họ bắt đầu làm ogoh-ogoh từ trước Nyepi cả tháng hoặc cả tuần. Những hình nộm này rất to, cao, có con cao đến 2-3 mét.
Sau đó họ khiêng những hình nộm này đi khắp làng/khắp khu vực trên các khung bằng tre. Mấy con này nhẹ nhưng chắc cồng kềnh nên cần đến khoảng 8 người lớn hoặc con nít khiêng. Khi đi diễu hành, con nít cũng cầm đuốc đi theo như một nghi thức. Mỗi khi đi qua 1 ngã tư, họ sẽ quay con ogoh-ogoh 3 lần ngược chiều kim đồng hồ. Mục đích để cho ma quỷ trong các hình nộm này chóng mặt, bối rối sẽ đi nơi khác mà không làm hại con người :))
Cuối cùng là thực hiện nghi thức Ngrupuk, đập/đốt các hình nộm này thành tro.
Mấy đứa trẻ con ngồi dọc theo các hình nộm bên lề đường, tám chuyện, cười đùa vui vẻ. Rồi lại thức đêm để khiêng đi vòng vòng. Đây cũng là cuộc thi xem hình ogoh-ogoh của làng nào/khu vực nào đẹp nhất. Làng thắng giải được nhận một cái cúp.
Ở Sanur, nghi thức này được tổ chức ở gần tiệm McDonald’s, ngay ngã tư vào trung tâm Sanur.
Mình canh khoảng gần 6 giờ đi ra xem. Trên đường đi thấy trước nhà 2 bên đường nhà nào cũng dựng lên một cái nhà chòi nhỏ xíu với đầy đồ cúng. Ngay bên dưới chân nhà chòi cũng có đồ cúng bày trí rất đẹp. Bên cạnh đồ cúng là nhang trầm thơm lừng cả xóm.
3. NGÀY NYEPI – NGÀY TẾT BALI (THE DAY OF SILENCE – THE NYEPI RITUAL)
Ngày này thay đổi hàng năm theo lịch saka của người Bali hay còn gọi là theo mỗi Isakawarsa (năm Saka). Năm nay rơi vào Thứ Ba 28/3/2017. Tết này là tết của người Bali, tổ chức trên đảo Bali, hoàn toàn tách biệt so với phần còn lại của Indonesia.
Trong ngày này, tất cả mọi người đều tuân theo 4 KHÔNG
– Không ánh sáng (Amati Geni): không đốt lửa, không bật đèn. Tất cả mọi nhà đều tối om như mực.
– Không làm việc (Amati Karya): toàn bộ đảo Bali đều đóng cửa không hoạt động, kể cả sân bay. Vì lý do an toàn, chỉ có bộ phận cấp cứu của bệnh viện và 1 số vị trí đồn cảnh sát mở cửa.
– Không di chuyển (Amati Lelunganan): không ai ra khỏi phòng, khỏi nhà. Tất cả ngồi yên lặng, tĩnh tâm, thiền định, suy ngẫm về bản thân mình trong năm cũ.
– Không vui chơi, giải trí và giữ chay tịnh/nhịn ăn hoàn toàn (Amati Lelanguan)
Tuy ngày lễ này là lễ truyền thống của đạo Hindu nhưng du khách và người ngoại đạo đến Bali đều phải tuân thủ. Không ai được phép ra khỏi nhà/ khách sạn, ra ngoài đường hay ngoài biển. Có hẳn 1 lực lượng người dân địa phương canh gác ngoài đường để bảo đảm lệnh cấm được thực hiện. Những người này gọi là Pecalang.
Chuyện này chỉ nghe nói, không tận mắt thấy vì tụi mình cũng không dám thò mặt ra khỏi phòng để tôn trọng truyền thống của họ. Tối vì Fraser phải làm việc trên máy tính nên tụi mình có bật cái đèn ở góc phòng để thấy đường. Mình thỉnh thoảng cũng hé rèm cửa dòm ra ngoài thì chỉ thấy một màu tối đen như mực. Cả ngày chỉ nghe tiếng chim chóc và tiếng chó sủa. Mọi người ở chung nhà nghỉ tuân thủ hết sức triệt để. Tuy vậy, đến lần hé rèm cửa lần thứ 2 mình thấy 1 anh áo thun trắng lấp ló đi ra ngoài sân, không biết để dạo mát trong sân hay lén đi ra ngoài.
Trước ngày Nyepi, mọi người đổ xô đi siêu thị mua đồ ăn để trữ. Tâm lý con người thiệt lạ, chỉ có 1 ngày mà cứ làm như cả tháng, ai cũng đi mua quá trời đồ. Làm mình cũng mua, vì sợ đói. Xe cộ ngoài đường thì tấp nập, làm mình chạnh lòng nhớ đến đêm 30 của Tết mình.
Nhưng mọi việc gián đoạn, im lặng cũng chỉ có 1 ngày. Đến sáng hôm sau, ra đường, lại thấy mọi thứ bình thường trở lại như cũ.
Bắt đầu một năm mới ở Bali.
Nếu có dịp đến Bali vào dịp tết Nyepi, mọi người nên dành thời gian tham gia lễ hội của họ. Cực kỳ đặc biệt và đáng để trải nghiệm một lần trong đời.
Van hoa cua ho cung la qua ha.
Ở Bali có nhiều cái lạ lắm chị 🙂