Nỗi Buồn Chiến Tranh – Bảo Ninh
I. NỖI BUỒN CHIẾN TRANH (THE SORROW OF WAR)
Là người sinh ra và lớn lên trong thời bình, mình chỉ biết về những cuộc chiến đã qua trên đất nước nhờ sách báo, phim ảnh và những lời kể của người thân trong gia đình. Khi tiếp xúc với bạn bè thế giới, mình cũng chưa ý thức được rằng Việt Nam nổi tiếng là nhờ chiến tranh. Có lẽ vì chiến tranh là điều gì đó khá quen thuộc với mình. Từ các bài học lịch sử, những lần viếng bảo tàng do trường sắp xếp, những thước phim tài liệu…
Cho đến khi người bạn trai đầu tiên của mình gia nhập Thủy quân lục chiến Mỹ. Khi mình xót xa nghe về các đợt huấn nhục của anh trong trại lính, và khi ảnh nói như giải thích với mình “Người Việt mình nổi tiếng với bề dày chiến tranh nên người Mỹ họ cũng thích chọn”, mình mới lờ mờ nhận ra rằng, thế giới biết đến Việt Nam là do chiến tranh.
Nhưng chỉ khi đọc cuốn “Nỗi Buồn Chiến Tranh”, mình mới thực sự cảm nhận được sự tàn phá và khốc liệt của chiến tranh trên quê hương mình.
Không chỉ là những luồng cảm xúc, cuốn sách lột tả sự thật trần trụi về những điều người lính ở cả 2 chiến tuyến phải đối mặt trong thực tế. Những suy sụp về tinh thần và cách mỗi người ứng phó. Là những câu chuyện về tình yêu và sự bế tắc. Trên hết, là những suy ngẫm về chiến tranh và về thân phận con người.
Câu chuyện là những mảnh hồi ức đan xen với hiện tại đau đớn của Kiên, một cựu trinh sát và là một nhà văn thời hậu chiến. Mối tình đầu giữa anh và Phương, hai người trẻ yêu nhau. Do chiến tranh, lại trở thành nỗi day dứt đầy ám ảnh cho cả 2 số phận. Những người phải cô đơn mãi mãi.
Những gương mặt, cái tên hiện ra trên trang viết là những con người khác nhau với những cảnh đời khác nhau. Nhưng đâu đó vẫn toát ra nỗi niềm chung của sự u uẩn, của một nỗi buồn về thời cuộc.
Đó là Lan, người phụ nữ sống lặng lẽ, một mình trên ngọn đồi nơi chôn mẹ và con trai cô. Chồng cô đã không bao giờ trở về nữa. Là Sinh nằm thoi thóp liệt giường chờ chết trong đống chăn chiếu hôi thối, tởm lợm và sự miệt thị chán nản của người chị dâu. Đó là người đàn bà câm trên gác xép mà chỉ khi uống say đến cùng cực, Kiên mới tìm đến chị như một sự giải thoát. Và Phương. Một người con gái đẹp và tài hoa, yêu hết mình và sống hết mình, lại trượt dài trên những vũng lầy do chính mình tạo ra. Chỉ để chạy trốn một thực tại mà cô không thể nào đương đầu nổi.
Chiến tranh trong cái nhìn của một người lính đã từng chiến đấu, từng vào sinh ra tử, từng thấy máu chảy bom rơi, từng giết người để giành giật sự sống cho chính mình và đồng đội, không chỉ là nỗi buồn đau đáu về thời cuộc, mà còn là nỗi buồn đau mênh mang trọn kiếp người suốt phần đời còn lại. Vì một lẽ, những người đã trải qua cuộc chiến sẽ không thể nào sống lại một cuộc đời bình thường.
Họ trở thành những người mang “một nhân cách lạc điệu”.
Số trang: 283
“Nỗi Buồn Chiến Tranh” : tác phẩm để đời của nhà văn Bảo Ninh. Một cuốn sách thể hiện đỉnh cao, sự đa dạng và phong phú của nền văn học Việt Nam khi nhìn về chiến tranh một cách trực diện và đầy nhân tính.
Được in lần đầu năm 1987 với tên “Thân Phận Của Tình Yêu“.
Tác phẩm được tặng giải
– Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991
– Giải Sách Hay năm 2011
– Giải Nikkei của Nhật 2011
– Giải Best Foreign Book 1994 của tờ The Independent (tờ báo của Anh)
Được đánh giá là tiểu thuyết về thời hậu chiến hay nhất của văn học Việt Nam đến nay. Sách được Frank Palmos và Phan Thanh Hảo dịch sang tiếng Anh, xuất bản năm 1994 với tên “The Sorrow of War” và gây được tiếng vang với bạn bè quốc tế. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không hề lên án phía bên kia. Sách được một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh.
Tác phẩm sau đó được dịch sang 14 thứ tiếng khác bao gồm tiếng Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan…
Đặc biệt, Giáo sư văn chương kiêm dịch giả người Đức Günter Giesenfeld đánh giá “Nỗi Buồn Chiến Tranh” thậm chí còn hay hơn cả cuốn “Phía Tây Không Có Gì Lạ” của Erich Maria Remarque.
Theo ông, quan điểm của “Phía Tây Không Có Gì Lạ” xem tất cả các cuộc chiến đều xấu và cần phải phản đối. Ông cho rằng góc nhìn này có phần hạn chế. Vì sự thật là, có những cuộc chiến cần thiết để đấu tranh vì lợi ích sinh tồn của con người, ví dụ chiến tranh giải phóng dân tộc.
“Nỗi Buồn Chiến Tranh” đặc sắc kép. Nó cùng lúc mô tả chân thực một cuộc chiến đặc biệt của Việt Nam, lại cho thấy bản chất của bạo lực nói chung. Khi đọc truyện, người đọc thậm chí không tìm nổi câu trả lời cho câu hỏi phe nào tốt, phe nào xấu. Bảo Ninh đứng trên tất cả để mô tả đầy đủ những hậu quả của bạo lực. Chiến trường, nơi người ta phải giết nhau để tự vệ, là nơi dạy con người giết nhau mà không hiểu vì sao phải sát hại đồng loại. Thậm chí chiến tranh làm ngay cả con người ở hậu phương cũng tồi tệ về nhân cách.
Và ông kết luận: Tiểu thuyết của Bảo Ninh thuộc hàng kinh điển thế giới ở dòng văn chiến tranh. (Nguồn: VnExpress)
Bản dịch tiếng Đức của “Nỗi Buồn Chiến Tranh” có tựa là Die Leiden des Krieges
II. TÁC GIẢ – BẢO NINH (Việt Nam)
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh ngày 18/10/1952 tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông là con trai của Giáo sư Hoàng Tuệ (1922 – 1999), nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976-1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986 học khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.
Bảo Ninh còn viết một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh, trong đó truyện “Khắc dấu mạn thuyền” đã được dựng thành phim. Truyện ngắn “Bội phản” trong tập truyện “Văn Mới” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản, cũng đã được ông gửi gắm nhiều tình cảm và suy nghĩ vào trong các nhân vật.
(Nguồn: Wikipedia)