Những Điều Cần Biết Trước Khi đến Thái Lan

by Dec 15, 2016Thái Lan, Tips

1. Visa:
– Người Việt được miễn thị thực (visa) đến Thái Lan trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng trở lên và còn trang trắng để đóng dấu nhập, xuất cảnh.
– Nếu bạn muốn ở lâu hơn 30 ngày, có thể xin visa du lịch ở được 60 ngày, thời hạn 3 tháng (với điều kiện có người bảo lãnh). Sau đó nếu muốn ở lâu hơn phải gia hạn visa thêm 30 ngày với phí là 1.900 THB.

2. Chọn điểm đến
– Bangkok: thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Thái Lan. Đầy đủ các hoạt động vui chơi, giải trí và các địa điểm thu hút khách du lịch. Khu Khao San Road là khu tây ba lô. Nhìn chung, chi phí ở Bangkok đắt đỏ hơn so với các thành phố khác.
– Ayuthaya: là cố đô của Thái Lan trước khi dời về Bangkok. Với 3 cung điện, hơn 400 đền đài và dân số khoảng 1 triệu người, đây là nơi thu hút khách du lịch với các phế tích khá ấn tượng. Cách Bangkok chừng 80 km.
– Chiang Mai: được bao bọc bởi các ngọn núi ở miền Bắc Thái Lan, Chiang Mai là thành phố có cả nét hiện đại và truyền thống của kiến trúc và văn hóa Thái. Nổi tiếng với các ngôi chùa như Wat Chedi Luang và sản phẩm làm bằng thủ công.
– Ko Samui: thuộc tỉnh Surat Thani, là đảo thu hút nhiều khách du lịch nhất sau Phu Ket. Nổi tiếng với các resort cao cấp, bãi biển xanh trong và chùa Phật khổng lồ. Ngoài ra họ cũng thường tổ chức lễ hội chọi trâu và triathlon (thi 3 môn phối hợp chạy bộ, bơi, đi xe đạp).
– Phuket: đảo nổi tiếng nhất Thái Lan với các bãi biển lặng, ngắm san hô, các resort sang trọng và lối sống về đêm sôi động. Ở đây khách du lịch nhiều hơn người dân địa phương.
– Pattaya: Nơi nổi tiếng về các tụ điểm gái làng chơi nhưng cứ ngó lơ họ đi thì mình dễ dàng tìm được khách sạn rẻ và đồ ăn rất ngon, rẻ. Các nhà hàng Pizza kiểu Ý nướng bằng lò củi rất nhiều ở Pattaya, ngon kinh khủng và giá cực kỳ hợp lý.

1 nhà hàng pizza ở Pattaya, Thái Lan. Ngon và rẻ!

– Hua Hin: là 1 thị trấn nhỏ xinh xắn, khá phát triển về du lịch với bãi biển, sân golf và các đền chùa. Cung điện mùa hè của hoàng gia cũng ở đây.
– Krabi: ngay tại thị trấn không đẹp và không có gì đặc sắc nhưng từ đó có thể đi ra các đảo khác  như Ko Phi Phi, Railay, Ko Lanta,… với tour trong ngày. Các đảo đều có biển xanh trong vắt, cát trắng, có thể lặn biển hoặc ngắm cá, san hô. Chi phí ở thị trấn tương đối rẻ với các quán ăn bình dân, giá hợp lý
– Kotao: thánh địa dành cho dân lặn biển
– Ko Phangan: nổi tiếng với các spa và các trung tâm thiền, yoga. Là điểm du lịch mới nổi, gần Ko Samui.
– Pai: một ngôi làng yên tĩnh nằm ngay chân núi giữa Chiang Mai và Mae Hong Son. Dành cho ai thích leo núi, đồi. Ngoài ra ngay bìa làng còn có suối nước nóng, các thác nước và các trại voi.
– Railay (Rai Leh): thu hút dân leo núi từ khắp nơi trên thế giới nhưng cũng có bãi biển cực đẹp. Là 1 bán đảo nhỏ chỉ đến được bằng thuyền với các resort tuyệt đẹp dọc bờ biển

3. Khách sạn
– Đặt trực tiếp tại khách sạn rẻ hơn đặt online. Tốt nhất là đến nơi đó, đi vòng vòng hỏi thăm hoặc thấy khách sạn nào dòm được thì ghé vào hỏi. Các website đặt phòng thì tiện nhất là agoda.com vì agoda của Thái. Tuy nhiên, vào mùa cao điểm, nên đặt trước khi đi để chắc chắn có phòng.
– Không hiểu mọi người thì sao chứ mình thì thấy mấy cái love hotel ở Thái rất đẹp. Phòng ốc sạch sẽ, có chỗ để xe riêng ngay trước cửa phòng và giá lại rẻ :). Nhất là khi đến những vùng sâu vùng xa.

Trong phòng ở 1 love hotel ở Chonthaburi, Thái Lan

4. Tiền
Vào thời điểm này, 1 THB = 640 VND nhưng trước khi đến Thái hoặc trước khi đổi tiền, luôn luôn kiểm tra tỷ giá hiện thời để biết tỷ giá chỗ mình đổi có tốt không.
– Khi đến Thái nên mang theo USD, thẻ tín dụng và thẻ rút tiền quốc tế (ví dụ: Visa debit) nhưng không khuyến khích rút tiền mặt từ cây ATM ở Thái Lan vì ngân hàng Thái Lan tính phí rút tiền mặt (tùy ngân hàng, trung bình 3 USD/lần) chưa kể các loại phí từ phía ngân hàng Việt Nam (phí 2 đầu).
– Có thể đổi USD sang THB ngay tại sân bay vì tỷ giá khá tốt. LUÔN LUÔN MANG THEO PASSPORT KHI ĐỔI TIỀN.
– Thẻ Visa và Master được chấp nhận rộng rãi ở Thái nhưng vài nơi mình phải trả thêm phí 3%. Tiền mặt họ chỉ nhận tiền THB, không nhận các ngoại tệ khác.
– Có thể rút tiền ở các cây ATM ở các ngân hàng hoặc ở các tiệm tiện lợi, cây xăng.

5. Thời tiết, khí hậu
Thái Lan nóng ẩm quanh năm, giống miền Nam Việt Nam mặc dù chính thức, họ có 3 mùa:
– Mùa nắng: từ tháng 3 – tháng 6. Nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C, nhất là vùng Đông Bắc Thái và Bangkok. Tết người Thái (Songkran) diễn ra vào tháng 4 là tháng nóng nhất trong năm do đó họ có nghi thức tạt nước vào nhau trong 3 ngày lễ hội. Tuy nhiên, nếu đến Thái Lan vào tháng này, sẽ có dịp tham gia Tết của họ, đồng thời giá vé, khách sạn cũng rất rẻ do là mùa thấp điểm.
– Mùa mưa: từ tháng 7 – tháng 10, thường mưa vào sáng sớm hoặc chiều tối
Mùa mát: từ tháng 11 – tháng 2, là thời điểm thích hợp nhất để du lịch Thái Lan. Tuy nhiên, đó cũng là mùa cao điểm khách du lịch, mọi thứ đều tăng giá và phòng khách sạn nên đặt trước nếu không sẽ không còn phòng.

Nên mặc đồ gọn nhẹ, mát mẻ để thoải mái khi đi chơi. Thậm chí không cần mang nhiều đồ vì có thể dễ dàng mua đồ ở Thái Lan với giá rất rẻ mà lại đẹp và tốt. Tuy nhiên, là xứ sở có nhiều đền chùa, nên mang theo quần dài, áo dài tay mặc khi thăm những chỗ đó để tôn trọng văn hóa của họ và để được cho vô cửa.

Nên mang dép kẹp để đi cho thoải mái và khỏi tháo giày khi ra vô các đền chùa cũng như nhiều cửa hàng.

6. Giao thông, phương tiện vận chuyển
Thái Lan theo luật chạy xe bên lề trái. Người dân Thái cực kỳ lịch sự, ôn hòa, luôn luôn nhường đường cho tụi mình (khi tụi mình đi xe đạp). Đi xe máy thì bình thường

Xe tuk tuk có ở khắp nơi. Ngoài Bangkok không cần trả giá. Tại Bangkok nhớ trả giá kịch liệt và chỉ đi 1 lần cho biết. Sau đó đi BTS (xe điện ngầm), MRT (tàu điện trên không), xe buýt, xe songthaew,  taxi, hay thậm chí đi tàu trên sông,…rẻ và tiện hơn rất nhiều, đồng thời đến được rất nhiều nơi khác nhau. Nếu tranh thủ đi nhiều nơi trong 1 ngày, có thể mua vé One day pass của BTS hoặc MRT để tiết kiệm chi phí.

Songthaew rất rẻ và có thể đi được quãng đường khá xa, cách tính giá giống xe buýt Việt Nam mình. Ở Hat Yai, tụi mình lên ngay bến và xuống bến cuối ở Songkhla khoảng 30 km mà chỉ trả có 10 TBH/người! Còn ở Chon Buri, tụi mình đi thì xa nhưng về gần hơn (vì đi bộ dạo mát) mà cuối cùng cũng trả tiền y chang, 10 TBH/người. Muốn xuống xe thì nhấn cái chuông ở trên nóc xe và ra phía trước trả tiền tài xế khi xuống.

1 chiếc xe songthaew ở Songkhla, Thái Lan

Nếu muốn thuê xe máy, giá dao động từ 180 – 200 THB/ngày. Nhớ đòi cho bằng được 2 nón bảo hiểm nếu đi 2 người, không thôi công an thổi phạt. Ai không đội nón mặc kệ họ.

Nếu muốn đi nhiều nơi ở Thái Lan, có thể bay để tiết kiệm thời gian vì Thái Lan có hơn 20 sân bay nội địa. Air Asia, Nok Air và One-to-go là các hãng máy bay giá rẻ, đi và đến từ sân bay quốc tế Don Muang, không phải từ sân bay Suvarnabhumi.

xe buýt miễn phí đi lại giữa 2 sân bay này từ 5:00 am – nửa đêm 24:00 am
Từ Suvarnabhumi – Don Muang: đón ở lầu 2, cổng số 3; thả khách xuống ở lầu 1
Từ Don Muang – Suvarnabhumi: đón ở lầu 1; thả khách xuống ở lầu 4, cổng số 5

7. Wifi & Simcard:
– Wifi miễn phí khá phổ biến tại Thái Lan, tốc độ khá tốt.
– Nếu muốn mua simcard điện thoại, loại cơ bản nhất là gói xài trong 7 ngày nghe gọi với 100 THB trong tài khoản và internet không giới hạn của DTAC Tourist SIM giá 299 THB tiện lợi và đơn giản, dù không phải là loại rẻ nhất. Ngoài ra còn có gói 15, 30 ngày. Còn có loại khuyến mãi “Whatssapp hoặc Wechat không giới hạn”.

– Ở Thái có 3 nhà cung cấp: DTAC là nhà cung cấp đầu tiên cung cấp dịch vụ cho du khách; AIS phủ sóng nhiều vùng hơn và tốc độ tốt hơn; True Move có giá tương ứng với dịch vụ nhất.

– Ngay cửa ra sân bay có các kiốt của 3 nhà cung cấp này hoặc các tiệm Family Mart ngay sân bay có bán sim và thẻ nạp tiền. Trung tâm mua sắm MBK có nguyên 1 tầng chuyên bán điện thoại và các dịch vụ liên quan, có thể mua sim ở đây. Nhưng tiện lợi nhất vẫn là mua sim và thẻ nạp tiền ở bất kỳ tiệm 7-11 nào. Có hơn 7.000 tiệm 7-11 trên toàn Thái Lan. Thẻ nạp tiền gọi là top up, refill, recharge, add minutes và mình muốn nạp tiền bao nhiêu tùy mình.
– LUÔN LUÔN MANG THEO PASSPORT KHI MUA SIM ĐỂ ĐĂNG KÝ
– Các buồng điện thoại công cộng khá phổ biến, chấp nhận thẻ tín dụng và thẻ gọi (mua tại 7-11)
– Điện ở Thái Lan là điện 220 Volts, 50 Hz, lỗ cắm 2 chấu như Việt Nam

8. Đồ ăn, thức uống:
– Đồ ăn Thái ở Thái không giống đồ Thái ở Việt Nam. Ví dụ: gỏi đu đủ thường có thêm cua đồng sống trộn vô, mùi rất nặng; pad thái bên đó ăn nhạt nhẽo không ngon như của mình :). Cà ri lại rất ngon, xanh hay đỏ đều được. Nhiều món cà ri ghi trong thực đơn là đồ xào, không phải súp. Họ cũng hay bỏ ớt tươi vào thức ăn, nên thường rất cay. Nhưng nói chung đồ ăn Thái ngon và rẻ.

1 hàng bán bánh hẹ ở Prachuap Khiri Khan

– Ở tỉnh/thành phố nào cũng có chợ đêm bán thức ăn đủ loại và những đồ lặt vặt khác như quần áo, đĩa CD,…Đi những chợ này vừa ngon, vừa rẻ, nhiều lựa chọn lại rất thú vị

1 sạp trái cây ở chợ đêm, Surat Thani, Thái Lan

– Trái cây Thái thường thấy ở Việt Nam lại ít thấy ở Thái (me thái, xoài thái, sầu riêng thái) trừ khu du lịch. Mây thái rất ngon nhưng mắc y chang mua ở Việt Nam, 100 THB/kg. Nếu vô các chợ địa phương ở các thành phố tỉnh lẻ, hoặc quán tạp hóa nhỏ trên đường đi, mây thái rất rẻ, chỉ chừng 35 THB/kg.

Mấy thái ở Thái Lan

9. Ngôn ngữ & múi giờ & tôn giáo/văn hóa:
– Giờ ở Thái bằng giờ Việt Nam
Người Thái không nói tiếng Anh phổ biến như mình nghĩ, kể cả ngay tại Bangkok. Ngoại trừ những khu vực nhiều khách du lịch. Dù vậy các bảng chỉ đường rất rõ ràng và chủ yếu bằng tiếng Anh.

Bảng chỉ đường ở Thái Lan. Rất rõ ràng, bên đường, trên đường đi,…

Trừ một vài thành phố gần biên giới Malaysia chỉ có bảng hiệu tiếng Thái. Ngoài ra, do người Việt dòm giống họ, phản ứng đầu tiên là họ sẽ nói tiếng Thái với mình vì tưởng mình là người Thái. Ngay cả khi mình trả lời bằng tiếng Anh.

Một vài câu, từ cơ bản:
– Sawadika (nếu bạn là nữ)/ Sawadikap (nếu bạn là nam): xin chào
– Kop khun kha (nếu bạn là nữ)/ Kop khun krub (nếu bạn là nam): cám ơn

– Phật giáo là tôn giáo chính ở Thái Lan do đó ở Thái có rất nhiều chùa chiền, đền tháp và chỉ có vài nhà thờ.

1 ngôi chùa trên đường đi từ Hua Sai đến Sathing Phra

10. Hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, tiện ích:
– Mua sắm ở Thái Lan vừa rẻ, vừa đẹp, vừa chất lượng. Đặc biệt là ở chợ cuối tuần Chatuchak, Bangkok. Tuy nhiên, do càng ngày càng có nhiều khách du lịch đến thăm, khi mua đồ ở đây phải trả giá kỹ hơn.

1 ban nhạc chơi trước 1 quầy hàng ở chợ cuối tuần Chatuchak, Bangkok, Thái Lan

– Nhớ đi massage ít nhất 1 lần vì Thái Lan nổi tiếng nhất thế giới về dịch vụ này với giá rất hợp lý. Massage Thái toàn thân khoảng 600 THB/60 phút ở Bangkok.
– Thái Lan còn nổi tiếng với các khóa thiền ở nhiều địa điểm. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham gia hàng tháng từ hàng chục năm nay. Phí tham gia rẻ như cho. Nhận tiền đóng góp nhưng không bắt buộc.
– Thái Lan cũng nổi tiếng với các sex show nhưng mình chưa xem bao giờ. Nếu đến Pattaya, nhớ đi xem Tiffany Show, là show biểu diễn của người chuyển giới, rất đáng đồng tiền. Nếu ở các thành phố khác có thể xem các show tương tự, cũng rất hoành tráng.
– Muay Thái (Thai Boxing) rất khác biệt với Boxing thông thường, nổi tiếng ở Bangkok (Lumpinee Stadium) và Chiang Mai (Thapae Stadium)
– Tùy theo điểm đến bạn chọn mà có các nơi khác nhau để đi thăm. Tuy nhiên, chợ nổi, chợ đêm, các đền chùa, công viên quốc gia, đặc biệt các đảo…nếu có thời gian và điều kiện đều nên đi vài nơi cho biết.
– Các trung tâm mua sắm lớn thường mở cửa từ 10:00 am – 20:00 pm hoặc 22:00 pm.
– Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7/11 (giống như Circle K hay Family mart ở Việt Nam) cực kỳ phổ biến ở Thái. Như đã nói, toàn Thái Lan có hơn 7.000 cửa hàng, khắp hang cùng ngõ hẻm, rất tiện ích. Giá thường cao hơn tiệm tạp hóa địa phương 1 chút. Tesco Lotus và Big C là các siêu thị lớn thường thấy dù ít địa điểm hơn.
– Dọc đường quốc lộ xuyên suốt Thái Lan có những căn nhà chòi để mọi người nghỉ chân, tránh mưa, tránh nắng. Có cái làm bằng gỗ, cái đúc bằng xi măng, xây bằng gạch,…kích thước cũng khác nhau. Rất tiện lợi và hoàn toàn miễn phí, ai dùng cũng được.

1 cái nhà chòi trên đường ở Thái Lan

– Ở tất cả các cây xăng đều có nhà vệ sinh miễn phí và quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, phổ biến nhất là 7-11, Amazon Cafe và các quầy bán thức ăn. Đi chừng 5-10km là có 1 cây xăng như vậy ở dọc 2 bên đường.
– Chi phí sinh hoạt ở Thái Lan, nếu tiết kiệm, có thể rẻ hơn Việt Nam mặc dù mức sống của họ cao hơn.

11. Các ngày lễ hội:
Người Thái có khá nhiều ngày lễ hội, hầu hết theo dương lịch mà mình vẫn dùng. Tuy nhiên, những ngày nghỉ lễ tôn giáo lại theo lịch của người Thái (giống như lịch âm của Việt Nam mình) nên thường không cố định. Lịch lễ hội sau đây mình tổng hợp từ nhiều nguồn, chỉ có giá trị tham khảo. Ngày thực tế có thể thay đổi.

– 01 Tháng 1: Tết Tây
– Giữa tháng 1: Lễ hội Dù Bor Sang
– Cuối tháng 1/ đầu tháng 2: Tết cổ truyền người Hoa (ngày đầu tiên lịch Âm)
– Đầu tháng 2: Lễ hội Hoa ở Chiang Mai
– Rằm tháng 3: Lễ Makha Bucha
– 06 Tháng 4: Lễ Chakri
– 13 – 15 Tháng 4: Tết cổ truyền người Thái/ Lễ hội Songkran
– 01 Tháng 5: Quốc tế Lao động
– 05 Tháng 5: Lễ Coronation/ Lễ đăng quang
– Tháng 5: Nghi lễ cày hoàng gia/ Ngày nông dân
– Cuối tuần thứ 2 tháng 5: Lễ hội tên lửa, thường có cuộc thi giữa Thái Lan với các nước láng giềng như Nhật, Hàn Quốc, Lào và Việt Nam
– Rằm tháng 6: Visaka Bucha
– 12 tháng 6 (lịch Thái): Lễ hội Inthakin tổ chức ở đền Wat Chedi Luang, Chiang Mai
– Cuối tuần đầu tiên sau rằm tháng 6: Lễ hội ma Phi Ta Khon ở Dan Sai, Loei
– Rằm tháng 7: Lễ hội giết trâu Pu Sae Ya Sae, Chiang Mai
– Rằm tháng 7 (lịch Trung Quốc): lễ cúng cô hồn
– 12 Tháng 8: Ngày của Mẹ
– Rằm tháng 8: Tết Trung thu
– Ngày thứ 9 tháng 8 (lịch Thái): Lễ hội cúng người chết, là lễ hội truyền thống của người Thái, được tổ chức nhiều hơn ở phía Nam, đặc biệt là ở Nakhon Si Thammarat
– 4-14 tháng 10: Lễ hội ăn chay
– 23 Tháng 10: Lễ tưởng nhớ Vua Chulalongkorn (Rama V)
– Ngày đầu tiên sau rằm tháng 11: Lễ hội Thod Kathin
– 05 Tháng 12: Ngày của Cha
– 10 Tháng 12: Lễ Hiến Pháp
– Rằm tháng 12: Lễ hội thả đèn trởi (Loy Krathong/Yee Peng), là lễ hội đẹp nhất trong năm của Thái Lan và được tổ chức rất lớn ở Chiang Mai
– 25 Tháng 12: : Giáng Sinh
– 31 Tháng 12: Giao thừa

12. Độ an toàn:
– Nhìn chung, với tụi mình, Thái Lan an toàn và người Thái cực kỳ lịch sự, ôn hòa.
– Mại dâm là bất hợp pháp nhưng luật không quá khắt khe. Mua bán, tàng trữ ma túy có thể bị tử hình
– Các khu vực tập trung nhiều khách du lịch đã từng bị đánh bom vài lần. Chính phủ Thái cũng khuyến cáo nên cẩn trọng ở 3 tỉnh phía Nam gần biên giới Malaysia (Yala, Pattani và Narathiwat) vì chính trị bất ổn do vẫn có các cuộc tranh chấp đất đai giữa 2 nước. Lúc tụi mình đi ngang qua vùng này, các chốt kiểm soát với bảo an cầm súng gác khắp nơi; bao cát, kẽm gai, chó cảnh sát, pháo đài quan sát,…cũng ở khắp nơi. Người dân ở các tỉnh này cũng bày tỏ khá công khai quan điểm không muốn sát nhập với Thái Lan.

2 anh bảo an ở 1 chốt chặn trên đường đi từ Pattani đến Narathiwat, Thái Lan

– Ngoài ra, nhiều khách du lịch cũng phàn nàn đã từng bị mất tiền khi để trong balô trên xe buýt (?!?). Tiền và các giấy tờ quan trọng lúc nào cũng phải mang trong người, không rời.
Chó nhà, chó hoang ở Thái Lan là một trong những nơi mình thấy thuộc loại nhiều và hung hãn nhất, hay sủa và dí theo người ta nhất ở Đông Nam Á! Đi đến đâu cũng thấy chó, trừ Bangkok. Chó là nỗi kinh hoàng cho người du lịch bằng xe đạp như mình. Có điều, nếu mình cứ lơ tụi nó đi, giữ nguyên tốc độ di chuyển thì tụi nó cũng thôi.

13. Khẩn cấp
– Cảnh sát du lịch: 1155 (nói tiếng Anh, Pháp và Đức)
– Trung tâm dịch vụ du lịch: 1672
– Cảnh sát xa lộ: 1193
– Quản lý du lịch: 1672 (bấm số 9 để nghe tiếng Anh)
– Quản lý xuất nhập cảnh: +66(0)2 287 3101-10
– Sân bay quốc tế Suvarnabhumi: +66(0)2 132 1888
– Bangkok Taxi Call center: 1681, 1661, +66(0)2 424 2222
– Cứu hỏa: 199
– Cấp cứu: 1554
– Hỗ trợ danh bạ điện thoại: 1133
– Trang Vàng Thái Lan: 1188
– Đường dây nóng quốc tế ở Bumrungrad: +66 (0)2 667 2999
– Đường dây nóng cấp cứu của Samitivej Sukhumvit: +66 (0)2 712 7007
– Phòng cấp cứu bệnh viện Bangkok: +66 (0)2 310 3102

GHI CHÚ CHUNG KHI DU LỊCH ĐẾN BẤT KỲ NƠI NÀO TRÊN THẾ GIỚI:
– Luôn cầm theo danh thiếp của khách sạn trước khi ra ngoài, phòng hờ bị lạc đường.
– Học cách xem bản đồ Google Map, Nokia Map,…vì hệ thống địa chỉ ở nước ngoài dù có rõ ràng nhưng mình không quen sẽ khó tìm. Phối hợp địa chỉ và bản đồ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
– Khi vừa đến nước ngoài, thường bạn sẽ nhận được tin nhắn của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại địa phương hoặc của Việt Nam (Mobiphone,…) thông báo mình ở trong vùng sử dụng dịch vụ roaming. Về cơ bản, nhận tin nhắn là miễn phí, chỉ có nhận cuộc gọi đến và gọi đi thì tốn phí roaming, phí này cực kỳ mắc. Tuy nhiên, cần chú ý có thể bạn sẽ phải trả phí roaming dữ liệu (data) nếu điện thoại bạn đang ở chế độ dùng 3G ở Việt Nam. Tốt nhất là chuyển điện thoại sang chế độ “Máy bay”/ “Airplane” mode để không phải trả loại cước cắt cổ này.
– Tôn trọng văn hóa của địa phương nơi mình đến, dù có khác biệt đến thế nào hoặc mình không thích đến thế nào đi chăng nữa. Người dân luôn có thể nhận biết sự khác nhau giữa sự vô tình hay cố ý vi phạm thuần phong mỹ tục của nước họ.
– Nếu gặp điều không vừa ý, giải thích ôn tồn, đừng tức giận.
– Luôn tin vào trực giác của mình. Nếu đi đến chỗ nào có cảm giác không an toàn, linh tính mách bảo có gì đó không ổn, lập tức đi ra khỏi nơi đó.

?

Các Bài Viết về Thái Lan

Amazing Thailand, Always Amaze You

AMAZING THAILAND, ALWAYS AMAZE YOU A Photo Gallery of Thailand along our 2-month-cycling-through journey. Most of the places we have visited are in the middle of nowhere. Our highlight was reaching Surat Thani for the10-day silent retreat in Suan Mokkh. Thailand’s...

Time – Chart Korbjitti

I. TIME (THỜI GIAN) Toàn bộ câu chuyện là một vở kịch trên sân khấu và dòng suy nghĩ của một khán giả ngồi xem. Câu chuyện về một bệnh viện chăm sóc người già, những người mà con cái không thể, không cần hoặc không muốn họ ở chung nữa. Chủ đề không lạ, nhưng cách tác...

Những Điều Cần Biết Trước Khi đến Thái Lan

1. Visa: - Người Việt được miễn thị thực (visa) đến Thái Lan trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng trở lên và còn trang trắng để đóng dấu nhập, xuất cảnh. - Nếu bạn muốn ở lâu hơn 30...

Khóa thiền ở Suan Mokkh: Thưởng thức sự tĩnh lặng

Như đã dự định từ trước, cuối tháng 7 tụi mình đến Surat Thani để kịp dự khóa thiền tịnh khẩu 10 ngày bắt đầu vào tháng 8 ở thiền viện Suan Mokkh, Thái Lan. Đây là phương pháp thiền Vipassana, khá nổi tiếng trên thế giới. Hiện nay có hơn 170 trung tâm ở cả 5 châu lục....

Bạn muốn theo dõi hành trình của mình?

Đừng để lỡ bài viết mới nào nhé!

You have Successfully Subscribed!