Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

by Apr 24, 2017Indonesia, Tips

Tất cả những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình trải qua sau khi sống ở Indonesia (Java, Bali) hơn 8 tháng với người địa phương. Ở Java, tụi mình chỉ nhận xét từ sân bay Juanda (Surabaya) đến Banyuwangi (điểm cuối của đảo Java trước khi qua Bali). Về Bali, do tụi mình đã đi chơi vòng quanh đảo, những chia sẻ này có thể áp dụng cho toàn Bali.

I. ƯU ĐIỂM

1. Chi phí sinh hoạt rẻ:
– Tùy theo điểm đến mà giá sẽ chênh lệch khác nhau. Bali là đảo du lịch, đắt đỏ nhất Indonesia, đắt hơn Việt Nam. Các vùng còn lại, chi phí rẻ hơn Việt Nam.
– Khách sạn: ở Java, giá từ US$ 17/đêm/phòng 2 người. Ở Bali, giá từ US$ 10/đêm/phòng 2 người.
– Thức ăn: ở Java, giá từ US$ 0.5/món, ở Bali, giá từ US$ 1.5/món.
2. Khá an toàn, nạn cướp bóc, giật dọc trên đường phố không thấy.
3. Là nước Hồi giáo nhưng không câu nệ cách ăn mặc của phụ nữ. Rất nhiều phụ nữ trên đường không đội khăn hijab, mặc quần short, áo sát nách,…Mình chạy xe ở Java cũng mặc quần short mà từ già đến trẻ đều rất vui vẻ, thân thiện vẫy tay nói “hello” hoặc “take care”.
4. Người dân thân thiện, đằm tính.
5. Cảnh đẹp tự nhiên:
– Đa dạng: núi, núi lửa, biển, cao nguyên, hồ trên núi, hồ núi lửa, hồ axit, ruộng bậc thang, thác nước, hang động, rừng mưa nhiệt đới, thung lũng, đồng bằng,…
– Có nhiều loại bãi biển: cát trắng (Bandawa), cát đen (Amed, Lovina,…), cát vàng (Nusa Dua, Sanur,…), đá (Tulamben),…
– Rất nhiều đảo (ít nhất 13 ngàn cái đảo). Khung cảnh, văn hóa hoàn toàn khác nhau. Đảo Komodo với rồng komodo là nơi duy nhất trên thế giới loài vật này tồn tại.

sanur_beach_bali

Biển Sanur

tulamben_beach_bali

Biển Tulamben

lovina_beach_bali

Biển Lovina

6. Thiên đường lướt sóng và lặn biển (scuba diving và free diving).
7. Có vài ngôi đền nằm trong danh sách các ngôi đền đẹp và nổi tiếng nhất thế giới (Boroduru, Prambanan,…)
8. Thường xuyên có các lễ hội nho nhỏ diễn ra ở các ngôi đền, hàng tuần. Thậm chí những đền đông du khách, họ tổ chức hàng ngày. Những lễ hội lớn như Melasti, Nyepi, Galungan, Kuningan,…đầy màu sắc, nhiều nghi thức thú vị.

Galungan bali

Trang trí ngày lễ Galungan

9. Trái cây ngon, khá rẻ (đu đủ, thanh long đỏ và chanh dây siêu ngon,…)

10. Cá ở Bali rất tươi, ngon và rẻ. Phổ biến nhất là cá chuồn (mahi-mahi) và cá ngừ (tuna)

mahi_mahi_Jimbaran_bali

1 phần cá chuồn nướng ở Lila Cafe, Jimbaran (90 ngàn IDR + cơm+xà lách+3 loại nước chấm)

 

yellow_fin_tuna_salad_soul_in_the_bowl_sanur

Yellow fin tuna salad ở Soul in A Bowl, Sanur. Siêu ngon. 70 ngàn IDR.

11. Dễ dàng thuê xe máy với giá IDR 50 ngàn/ngày (khoảng 100 ngàn VND). Thuê tháng sẽ rẻ hơn, tùy nơi.
12. Giá xăng rẻ hơn Việt Nam một chút. Khoảng 8 ngàn IDR/lít (16 ngàn VND).
13. Miễn visa du lịch cho người Việt 30 ngày.

II. KHUYẾT ĐIỂM

1. Cơ sở hạ tầng kém:
– Đường sá tệ, ổ gà tùm lum.
– Không có lề đường cho người đi bộ.
– Không thấy nhà vệ sinh công cộng.
– Jakarta kẹt xe nổi tiếng thế giới. Ngập lụt có khi gần 1 tuần nước mới rút. Trẻ em phải nghỉ học ở nhà.
– Bali đường nhỏ, vòng vèo, xe hơi nhiều hơn xe máy nên cũng kẹt xe ở những khu vực đông khách du lịch.
2. Phương tiện giao thông công cộng gần như không có. Chỉ có Go-jek là OK.
– Taxi sân bay chặt chém, giành khách.
– Xe buýt rất ít tuyến.
– Phà đôi khi bị chìm.
– Cấm Uber, Grab ở nhiều điểm du lịch phổ biến.

3. Wifi không ổn định. Hầu hết các nơi wifi khá yếu. Nên mua sim 4G để dùng.
4. Đồ ăn địa phương dở.
– Các món phổ biến nhất là cơm chiên (nasi goreng), mì xào (mie goreng), miến gà (soto ayam), satay (thịt xiên que), mie bakso (mì bò viên), nasi campur (cơm trộn các loại), capcap (rau xào các loại),…
– Ở vùng có khách du lịch sẽ có nhiều lựa chọn hơn với các món ăn quốc tế.
– Ở Java và hầu hết Indonesia, không bán thịt heo vì là nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới.
– Ở Bali phần đông dân theo đạo Hindu nên có món heo sữa quay (babi guling) khá nổi tiếng. Ngoài ra cũng có thể tìm thấy thịt heo trên thực đơn ở Bali.
5. Dịch vụ cho du khách ở Java rất kém. Không có nhiều lựa chọn và không đáng tiền.

Có lần tụi mình đến 1 resort dòm bên ngoài khá đẹp, có cả hồ bơi. Lúc đó không định viết blog nên không ghi lại tên hay chụp hình gì cả. Sau khi trả 200 ngàn IDR (khoảng 400 ngàn đồng) để ngủ lại 1 đêm xong thì được đưa lên phòng. Cái phòng này máy lạnh gắn âm tường cũ kỹ như từ 50 năm trước, kêu rầm rầm. Phòng tắm vòi sen hư, vòi nước hư, bồn nước trống trơn, bẩn thỉu. Cơ bản là cái phòng tắm mà không thể lấy ra được 1 giọt nước nào! Khi tụi mình yêu cầu đổi phòng thì họ không đổi mà cho người đến sửa…vòi sen. Sửa mãi không xong mà cứ bắt tụi mình chờ.

Mình điên quá nói không ở nữa, đi tìm nơi khác. Khi tụi mình đi ra lấy lại tiền thì họ nói phải trừ phí hủy phòng là 50%! Fraser giận quá làm cho họ 1 trận, lấy đủ tiền lại rồi tụi mình đi nơi khác.

Còn về vụ ăn uống ở Java thì tụi mình bị lừa suốt. Để tiết kiệm, ở những nước khác, tụi mình thường tìm những quán nhỏ, quán cóc ngoài đường để dừng chân. Đói bụng quá thì mới thấy quán nào cũng tấp vô thôi. Theo thói quen ở Thái, tụi mình không hỏi giá trước. Hơn nữa, ở Java chẳng mấy người nói được tiếng Anh. 9/10 quán cóc dọc đường lấy giá cao hơn các quán ăn to, lịch sự. Thật ra, giá vẫn rẻ chứ không phải chặt chém như kiểu 1 dĩa cơm chiên nửa triệu đồng. Nhưng mà vẫn gấp đôi, gấp 3 giá thực tế.

Ví dụ:
– 1 chai nước Fruit Tea Sosro (giống Trà xanh 0 độ của VN mình), trong siêu thị bán 5 ngàn IDR. Ở các quán cóc bán cho mình 10 ngàn IDR. Các quán ăn sang trọng lấy mình 6 ngàn IDR

– Nhều khách sạn ở Java đòi phải có giấy đăng ký kết hôn mới cho thuê phòng nam nữ ở chung.

6. Dịch vụ ở Bali làm khá tốt.
Tuy nhiên, ở trước những ngôi đền nổi tiếng, những điểm nhiều khách du lịch đến thăm, có 1 đội ngũ chuyên làm tiền du khách.

Ví dụ:
– Khi đến đền Besakih, cách đền chừng 1 cây số đã có 1 cái gác thu tiền vé vào cửa (người và xe). Sau đó, đến cổng chào sẽ thấy 1 nhóm người yêu cầu mình dừng lại để xe. Thường dân du lịch hay mặc quần short đi chơi, nhóm này sẽ yêu cầu thuê xà rông, nếu không họ không cho mình đi lên đền. Những người này cực kỳ hung hăng và nói được tiếng Anh nên rất mệt. Nếu mình biết, cứ chạy tiếp (hơn 500m) thì tới đền.

besakih_temple_bali

Dọc đường lên đền rất nhiều tiệm bán quần áo, đồ lưu niệm.
Do đó, nên mặc quần dài, áo có tay khi đến thăm các ngôi đền để tránh phiền phức.

– Khi đến gần núi Agung, ngọn núi cao nhất ở Bali, sẽ có vài người ra hỏi mình leo núi Agung hả? Nếu nói ừ, họ sẽ nhất định bắt mình thuê hướng dẫn lên núi, vì lý do an toàn (?!?). Thật ra, đó chỉ là 1 cách khác để làm tiền du khách. Những người này cũng siêu hung hăng nên mọi người cần mềm mỏng khi chạm trán họ.

– Ở ruộng bậc thang Tegalalang Rice Terrace, Ubud: đi vô 1 chút sẽ gặp 1 người chặn lại xin “ủng hộ” (donation), nhiêu cũng được. Người đó nhìn như ăn mày, có cái cây tre chặn mình lại như kiểu chặn qua cổng thu phí, kế bên thùng tiền “ủng hộ”.

Đi đến hơn nửa đoạn đường sẽ gặp tiếp 1 người cũng chặn lại, xin tiền “ủng hộ”. Bao nhiêu cũng được. Tụi mình đi đến đoạn này thì cương quyết không ủng hộ gì hết.

– Có vài người bạn nhờ mình thiết kế tour Bali. Hỏi thăm vài người Indo quen ở đây để thuê xe và tài xế. Sau khi đưa lịch trình, hơn 3 ngày chẳng thấy trả lời. Nhắc hỏi thì nói bận quá, đợi khoảng 1 tuần nữa mới báo giá!?!

– Dịch vụ giặt ủi: mới đầu họ tưởng mình người Indo, lấy 6 ngàn IDR/kg đồ (không ủi). Mình trả tiền trước, lấy biên nhận. Đến lúc lấy đồ, Fraser đi lấy bị bắt trả tiền thêm lần nữa vì trong biên nhận không ghi đã thanh toán. Đi tiệm khác, giá bên ngoài ghi 4 ngàn/kg nhưng đòi thu 10 ngàn/kg. Fraser hỏi sao bảng hiệu ghi 4 ngàn? Cuối cùng thống nhất là 6 ngàn/ kg!

– Khi đổ xăng ở các cây xăng, luôn luôn phải nhìn đồng hồ xem có trở về số 0 chưa. Khi trả tiền, dòm tổng số tiền. Khi lấy lại tiền thối, phải đếm cho đủ. Nhân viên cây xăng ở nhiều nơi có rất nhiều chiêu y như cây xăng ở Việt Nam.

– Đổi tiền ở các quầy đổi tiền càng hết sức cẩn thận. Rút tiền ở cây ATM cũng vậy.

7. Hệ thống hành chính rườm rà, bất hợp lý. Luật lệ không thống nhất và thay đổi liên tục. Ví dụ:

– Lúc đến sân bay Juanda (Surabaya, Java), tụi mình không phải điền bất cứ cái form nhập cảnh hay giấy tờ gì hết. Ở sân bay Ngurah Rai (Denpasar, Bali) thì phải điền form hải quan.
– Xin social visa ở lãnh sự quán Indo ở Singapore sẽ được cấp thời hạn 2 tháng, sau đó gia hạn thêm 4 lần. Tổng cộng được 6 tháng.
– Xin ở lãnh sự quán Indo ở Malaysia chỉ được cấp thời hạn 1 tháng, sau đó gia hạn thêm 4 lần. Tổng cộng được 5 tháng.
– Nếu xin ở lãnh sự quán Indo tại Bangkok sẽ không được cấp social visa lần 2. Tốn tiền bay ra khỏi Indo mà không xin được visa gì hết.
8. Cảnh sát giao thông thường xuyên chặn lại hỏi giấy tờ xe không có lý do.
9. Hệ thống y tế kém hơn Việt Nam.
Vô mấy nhà thuốc ở Bali, khai bệnh gì họ cũng đưa cho 1 đống thứ thuốc đắt tiền và gần như vô dụng hoặc có hại. Ví dụ:
– Khi mình bị đau mắt đỏ, hôm đầu tiên mình muốn mua 1 chai nước nhỏ mắt Natri Clorid 0.9% để rửa sạch mắt xem tình hình thế nào rồi mới uống thuốc. Họ chỉ bán các chai thuốc hiệu V-Rohto và dành cho mắt khô,…mắc khủng khiếp. Cuối cùng mình phải đi bệnh viện mắt.
– Mình bị té xe máy, đầu gối trầy sâu, trông hơi sợ. Fraser cuống cuồng đi mua thuốc và đồ băng bó về cho mình. Vô tiệm giải thích rồi hỏi cần mua gì. Họ đưa cho 2 vĩ thuốc Amox, 1 cuộn băng keo Đức, 1 chai kem Tea Tree của Úc dùng để xức ngoài da và 1 chai cồn alcohol 70%!

Chai kem Tea Tree hơn 500 ngàn đồng/chai, mà chỉ để xức khi da bị ngứa, tuyệt đối không dành cho vết thương hở! Mình phải nói Fraser đi mua lại betadine và băng gạc y tế tiệt trùng để về rửa vết thương với nước muối. Thề không bao giờ tin cái tụi nhà thuốc ở Bali.

– Còn nghe 1 anh bạn người Ireland kể: có bác sĩ ở bệnh viện công bán nước ép măng cụt cho bệnh nhân với giá US$ 20/chai và nói có đủ thứ công dụng tốt cho sức khỏe!

– Một em Ireland khác thì kể khi đi phòng khám tư ở Bali, em cũng trả giá bác sĩ nữa!

10. Hầu hết các ngôi đền không cho vào khu vực chính nếu mình không mặc đồ truyền thống của người Bali, ngay cả khi mình mặc đồ dài tay lịch sự. Nếu mặc đồ ngắn, áo sát nách thì dĩ nhiên không cho vào cửa.

TÓM LẠI:

Để tránh những điều bất tiện:
– Hỏi giá trước khi ăn, uống, ở.
– Kiểm tra kỹ hóa đơn tính tiền, tiền thối. Luôn cẩn thận tiền bạc.
– Mua hàng ở những nơi có giá, có cân và đừng ngại trả giá ở những nơi không ghi giá.
– Nếu phát hiện tiền thối thiếu, hóa đơn tính tiền sai,…cứ hỏi lại. Tụi mình lần nào cũng lấy lại được đủ tiền hết.

Khoảng cách giàu nghèo ở Indonesia khá lớn. Hầu hết người dân vẫn còn rất nghèo. Do đó, khi thấy khách du lịch (=người giàu), họ sẽ không ngần ngại kiếm thêm chút tiền đi chợ ngày hôm đó. Ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng vậy. Khách du lịch lúc nào cũng là con mồi béo bở cho người kinh doanh địa phương. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu, người đàng hoàng, người cơ hội.

Dù vậy, tụi mình vẫn gặp người tốt nhiều hơn người không tốt ở Indonesia.

Bác chủ nhà nghỉ Sanur Bagoes Guesthouse nơi tụi mình ở siêu dễ thương và đàng hoàng. Giá căn studio rộng rãi, đẹp đẽ, sạch sẽ, đầy đủ nội thất và bao gồm tất tần tật điện nước, lau dọn 2 lần/tuần mà chỉ có US$ 270/tháng.

Một tiệm tạp hóa mình hay mua đồ hàng ngày nấu ăn, lúc nào cũng bán đúng giá cho mình. Bất kể mặt hàng gì, rau củ, gia vị, hoa,…Tiệm trái cây ở gần nhà cũng vậy, luôn cân đúng ký, bán đúng giá. Trái cây nào không tươi còn không muốn bán cho mình dù mình thích ăn trái cây hơi chín quá 1 chút.

Cảnh sát giao thông gọi tụi mình vô 4 lần/6 tháng để kiểm tra giấy tờ xe. Dù không có bằng lái Indonesia và không đưa tiền đút lót, họ vẫn để tụi mình đi, không làm khó gì hết. Còn kêu lái xe cẩn thận.

Hôm mình bị té xe giữa 1 cái làng gần núi, chả quen biết ai, còn gần 80 cây số mới về tới nhà, mặt mũi, tay chân máu chảy ròng ròng. Những người địa phương xa lạ ở đó đã ra giúp mình. Lấy nước rửa vết thương, mang thuốc betadine tới xức. Khi mình đề nghị trả tiền thuốc, họ cương quyết không lấy.

Khi mình quyết định chạy tiếp về nhà, dọc đường đi, rất nhiều người chạy theo hoặc dừng lại hỏi (khi mình dừng xem bản đồ) xem mình có sao không? Có cần đi bệnh viện không?…

KẾT LUẬN: Những chỗ nhiều khách du lịch sẽ xô bồ, bon chen, phức tạp. Những nơi bình thường khác, người dân và cuộc sống ở Indonesia rất vui vẻ, thân thiện, thoải mái.

Nơi nào, quốc gia nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Tùy vào suy nghĩ và thái độ của mình mà con người và vùng đất đó sẽ tiếp đãi mình như thế nào. Mình luôn tin rằng “thái độ tích cực sẽ thu hút những điều tích cực”. Và mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, một cơ hội học hỏi, khám phá nhiều điều mới.

Mong mọi người có nhiều kỷ niệm vui khi đi du lịch Indonesia.

 

 

?

Các Bài Viết Về Indonesia

Bali – Đảo Thiên Đường

Bali - Đảo Thiên Đường (Paradise Island)   Bali là vùng đất rất thanh bình, người dân thân thiện, mức sống vẫn còn đang phát triển nên chi phí sinh hoạt thấp. Đặc biệt Bali rất an toàn. Nhiều nơi nhà ở không cần khóa cửa. Xe để ngoài đường không cần khóa cổ. Bali...

A glimpse of East Java, Indonesia – Vài Hình Ảnh ở đảo Java, Indonesia

A GLIMPSE OF EAST JAVA, INDONESIA - VÀI HÌNH ẢNH Ở ĐẢO JAVA, INDONESIA With a population of over 141 million (the island itself) as of 2015 Census released in December 2015, Java is home to 56.7 percent of the Indonesian population and is the most populous island on...

Temples In Bali – Những Ngôi Đền Ở Bali, Indonesia

TEMPLES IN BALI - NHỮNG NGÔI ĐỀN Ở BALI 1. Tanah Lot Address: Beraban, Kediri, Tabanan Regency, Bali, Indonesia. Open hours: 7AM - 7PM Entrance fee: 70.000 IDR/person 2. Pura Besakih Address: Desa Besakih, Rendang, Besakih, Rendang, Kabupaten Karangasem, Bali 80863,...

10 Quán Ăn Ngon Ở Sanur

Sau khi đi chơi 1 vòng quanh đảo với gia đình, tụi mình may mắn thuê được 1 căn hộ dạng studio rất thoải mái ở Sanur. Bác chủ nhà siêu dễ thương, giá thuê quá tốt, vị trí lại cực kỳ thuận lợi để đi bất cứ đâu. Thế nên tụi mình chỉ ở chỗ đó cho đến ngày rời Bali. Do...

5 Quán Ăn Ngon Ở Ubud

Ubud có vô số các quán ăn ngon. Tuy nhiên, với tiêu chí ngon và giá hợp lý, đáng tiền. Tụi mình lọc lại 5 quán ưa thích sau ở Ubud, Bali, Indonesia. 1. WARUNG IGELANCA Địa chỉ: Jl. Raya Ubud, Padangtegal Kaja, Ubud, Gianyar, Kabupaten Gianyar, Bali 80571. +62 361...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Tất cả những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình trải qua sau khi sống ở Indonesia (Java, Bali) hơn 8 tháng với người địa phương. Ở Java, tụi mình chỉ nhận xét từ sân bay Juanda (Surabaya) đến Banyuwangi (điểm cuối của đảo Java trước khi qua Bali). Về Bali, do tụi...

Balinese Offerings – Nghi Thức Thờ Cúng Của Người Bali

BALINESE OFFERINGS - NGHI THỨC THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI BALI Balinese Offerings (Canang sari) are offered every day as a form of thanking for the peace given to the world. It is the simplest daily household offering. Canang sari will be seen in the Balinese temples (pura),...

Nyepi – Tết Bali với lễ hội đón mừng năm mới Melasti & Bhuta Yajana

Tụi mình may mắn vẫn ở Bali vào thời điểm Tết cổ truyền của họ năm nay. Đây là ngày tết mừng năm mới rất đặc biệt. Không giống như các nơi khác trên thế giới, mọi người thường vui chơi, hội hè với các hoạt động náo nhiệt; Nyepi ở Bali là ngày tất cả mọi người trên đảo...

Balinese Doors – Những Cánh Cổng Ở Bali, Indonesia (2)

BALINESE DOORS - NHỮNG CÁNH CỔNG Ở BALI (2) Beautiful Balinese doors I've captured on the trip around this island (updated). Những cánh cổng ở khắp đảo Bali mình chụp được trên đường đi chơi vòng quanh đảo (tt). facebook Instagram...

Balinese Doors – Những Cánh Cổng Ở Bali, Indonesia

BALINESE DOORS - NHỮNG CÁNH CỔNG Ở BALI, INDONESIA Beautiful Balinese doors I've captured on the trip around this island. Những cánh cổng đẹp ở Bali mình chụp trên đường đi chơi vòng quanh đảo. DENPASAR SANUR SEMINYAK UBUD AMED GEROKGAK - LOVINA GILIMANUK facebook...

Bạn muốn theo dõi hành trình của mình?

Đừng để lỡ bài viết mới nào nhé!

You have Successfully Subscribed!