Khóa thiền ở Suan Mokkh: Thưởng thức sự tĩnh lặng
Như đã dự định từ trước, cuối tháng 7 tụi mình đến Surat Thani để kịp dự khóa thiền tịnh khẩu 10 ngày bắt đầu vào tháng 8 ở thiền viện Suan Mokkh, Thái Lan.
Đây là phương pháp thiền Vipassana, khá nổi tiếng trên thế giới. Hiện nay có hơn 170 trung tâm ở cả 5 châu lục. Fraser đã từng tham dự 1 khóa ở Kathmandu, Nepal. Mình tham dự khóa này ở Thái là lần đầu tiên.
Nguyên tắc cơ bản của phương pháp thiền định này là biến đổi nhận thức thông qua sự tự quan sát và nhận thức của cá nhân. Nhờ đó đạt được sự tự do và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Điều kiện tham gia không có gì khó. Chỉ cần mình thực sự nghiêm túc và tuân theo các nội quy của khóa học. Nội quy cơ bản của khóa học là không được nói chuyện với bất kỳ ai trong suốt 10 ngày. Không thiết bị điện tử hoặc sách báo. Hoàn toàn tập trung vào thế giới nội tâm của bản thân mình.
Khóa học là một trong những trải nghiệm quý giá nhất mình từng có. Không dễ dàng nhưng giúp mình rất nhiều trong việc thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống.
Mình có ghi chú lại một vài quan sát và nhận xét về khóa học. Xin chia sẻ với mọi người từ quan điểm hoàn toàn cá nhân
I. NHỮNG PHÁT NGÔN HAY HO:
– Không khuyến khích bất kỳ ai ngồi thiền dưới gốc dừa trong thiền viện
– Chúng ta đến đây không phải để đạt được bất cứ điều gì mà để thả ra, buông bỏ, cho đi. Y như khi chúng ta đi toilet vậy (!?!)
– Con muỗi là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Ngay từ ngày đầu tiên bạn đến đây, tụi nó đã ở tư thế sẵn sàng rồi. Dù đã xức kem chống muỗi, tụi nó vẫn cố đấm ăn xôi vo ve xung quanh mình. Nhờ có muỗi, chúng ta có thể luyện tập lòng yêu thương, tính nhẫn nại và có thể làm từ thiện mà không tốn tiền (ngân hàng máu miễn phí!)
II. MỘT VÀI THỰC TẾ THÚ VỊ:
– Cách đây mấy năm, khi tham gia khóa thiền ở Kathmandu, Nepal, Fraser ngồi phía sau 1 anh chàng tính tình rất dễ thương nhưng khổ nỗi anh ấy “xì hơi” hôi kinh khủng! Khốn khổ cho Fraser phải chịu đựng suốt 10 ngày vì không ai được chuyển chỗ ngồi hết. Lần này, rút kinh nghiệm, ảnh xí chỗ ngồi đầu tiên, trên hàng đầu, ngay trung tâm của thiền đường, gần nhất với chỗ thầy giảng.
– Ở phần Hỏi và Đáp các thắc mắc về nội quy trong khóa học, một anh chàng giơ tay hỏi “Mình có thể uống sô cô la nóng mỗi ngày vào buổi chiều được không?”
– Tất cả nữ đều phải mặc xà rông khi đi tắm ở khu vực tập thể dành riêng. Không có phòng tắm. Sau 10 ngày vật lộn với việc làm sao để xối nước, xát xà bông, kỳ cọ, tắm lại cho sạch bằng 1 tay trong khi tay còn lại phải giữ cái xà rông, đám phụ nữ tụi mình vẫn không sao làm cho thuần thục được. Cho nên xài hao nước lắm.
– Đây là trung tâm duy nhất trên thế giới còn cung cấp gối nằm bằng gỗ cho học viên. Mình chỉ nằm đúng 1 đêm rồi sau đó bỏ ra luôn. Kẹt tóc tùm lum.
– Tất cả mọi người ở đây lúc nào cũng phải kè kè bên người chai kem chống muỗi Soffell. Ai cũng thơm lừng. Ở cái nơi thâm sơn cùng cốc con gì cũng có này, không có kem là mình bị muỗi nó “thui” liền.
– Khi thiền hành (thiền đi bộ), tất cả mọi người đều phải đi chân không. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, toàn bộ học viên tập trung đi xung quanh bờ hồ, trong đêm tối. Khi trời mưa thì đi xung quanh Thiền đường chứ không đi quanh hồ.
– Tất cả mọi người đều phải xung phong làm 1 việc công ích gì đó như quét sân, lau sàn,… Fraser và mình không hẹn mà cùng tự nguyện đăng ký cọ rửa toilet ký túc xá. Mình làm cho KTX nữ, ảnh làm cho KTX nam.
– Vì đây là mùa thấp điểm (mùa mưa), toàn khóa học chỉ có 80 người đăng ký. Trong đó có 2 người được thông báo là đã bỏ cuộc sau ngày thứ 2. Thông thường, 1 khóa học sẽ có cỡ 25% người bỏ dở.
– Hầu hết học viên từ Mỹ và Đức. Các quốc tịch khác bao gồm Argentina, Áo, Úc, Bỉ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Hồng Kông, Hà Lan, Ý, Ai Len, Nhật, Lào, Romania, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Scotland, Thái Lan và Việt Nam (là mình và một cô nữa đi với anh bạn trai người da đen)
– Đồ chay và thức uống phục vụ tụi mình ở thiền viện ngon kinh khủng!
Mỗi ngày họ nấu các món khác nhau và tụi mình không biết trước thực đơn. Đến giờ ăn thì họ để ra như buffet, ai ăn bao nhiêu thì tự múc. Mắc cười là họ phối hợp các loại rau củ quả nấu không theo công thức mình thường biết nên có khi nhìn vô nồi tưởng là khoai tây, múc về ăn rồi mới biết hóa ra là thơm; nhìn tưởng cà rốt hóa ra là khoai lang, ví dụ vậy. Nhờ có đồ ăn ngon, tụi mình sống sót tốt với ngày chỉ 2 bữa cơm và 1 bữa trà lúc 6 giờ tối. Nói là trà chứ mỗi ngày họ đổi thức uống khác nhau. Có nước gừng, nước sả, nước hoa atisô đỏ, sô cô la nóng, sữa đậu nành, trà thảo mộc,…nước nào cũng thơm ngon!
– Ở thiền viện có suối nước nóng tự nhiên (nam riêng, nữ riêng). Ai cũng có quyền tắm 2 lần/ngày sau khi ăn sáng và uống trà. Buổi trưa quá nóng tắm không tốt. Nữ đi đến suối nước nóng phải quấn xà rông và dùng khăn tắm che vai trên đường đến đó. Cực kỳ thư giãn! Mình ngày nào cũng tắm suối ít nhất 1 lần. Mỗi lần chỉ được ngâm mình 15 phút là tối đa để còn dành chỗ cho người khác xuống tắm.
– Khi đăng ký tham dự, mỗi người đóng phí 2,000 baht Thái (tương đương 1.4 triệu VND) và không phải trả thêm bất cứ một loại phí nào. Nếu tính tổng chi phí sinh hoạt 10 ngày đó, thiền viện chỉ có lỗ chứ không huề vốn được. Haizz.
III. MỘT SỐ QUAN SÁT & NHẬN XÉT KHÁC:
– Một vài khóa học được thiết kế để sàng lọc những người không nghiêm túc ngay từ những ngày đầu. Khóa học này lại khiến một số người bộc lộ sự bê bối của mình trong những ngày cuối. Chắc là khi sức mạnh ý chí không còn nữa…
– Mình thấy con người thật là phức tạp vì có những trường hợp:
+ 1 em thường xuyên mặc quần lót màu đen với quần dài mỏng xuyên thấu màu trắng bên ngoài lại là người xung phong luyện tập làm trưởng nhóm trong phần tụng kinh
+ em khascc thường xuyên bỏ các hoạt động nhóm, ở trong phòng KTX, trong ngày cuối lại đứng lên chia sẻ rằng khi nhìn thấy mọi người thiền, em về phòng để vẽ về những gì em quan sát được và đó là cách em thiền
+ đặc biệt, 1 em thường xuyên ngủ trong lớp tập yoga, trong thiền đường, nằm và thậm chí cắt móng chân trong lúc mọi người ngồi thiền lại làm việc hết sức nhiệt tình trong ngày cuối, buổi “thiền lao động”
– Hầu hết các bạn nữ khóa này đều rất trẻ và xinh. Nhờ nội quy tắm tập thể quấn xà rông mà mình thấy được em nào cũng có hình xăm. Khá nhiều em xỏ khuyên mũi nữa.
– Sau khóa học, tất cả tụi mình đều hiểu ý nghĩa của những từ như dukka, nibbana và anapanasati trong tiếng Pali
– Với mình, phần khó nhất của khóa học là ngồi thiền và để đầu óc không suy nghĩ gì hết
– Phần dễ nhất, thật không ngờ, là phần không nói chuyện. Thậm chí đến sáng ngày thứ 11 rồi, khi mọi người tập trung ở sảnh chính và nói chuyện như vỡ chợ, mình cũng chưa muốn mở miệng
– Một lần nữa, mình nhận ra rằng, thiền định hoàn toàn không liên quan gì đến tôn giáo. Tuy vậy, đạo Phật có vẻ như đã quán triệt lợi ích của thiền và áp dụng sâu rộng trong các tăng ni phật tử. Đạo Phật cũng đã tìm được các chân lý của vũ trụ và chuyển hóa thành lý thuyết cũng như thực hành trong nhà Phật. Nếu tìm hiểu kỹ, mọi người có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa đạo Phật và đạo Thiên Chúa giáo.
– Là 1 người Công giáo, mình cho rằng cầu nguyện cũng là thiền mà thiền cũng là cầu nguyện. Đôi khi trong khóa học, mình đọc kinh Kính Mừng để dẹp bỏ các tạp niệm trong đầu.
– Côn trùng ở khu vực thiền viện thực sự là điều gây bất tiện thậm chí nỗi kinh hoàng cho nhiều người!
Khi nhận chìa khóa phòng xong, vừa mở cửa ra mình thấy ngay 1 con tắc kè to đùng bám trên cửa sổ. Lần khác lại thấy 1 con cóc ngồi trong phòng. Khi ngồi thiền tối đầu tiên, mình bị 1 con rết cắn. Nhện, cuốn chiếu, bọ cạp, kiến,…có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào. Có điều, sau vài ngày ai cũng quen đi. Và vì không được sát sinh trong chùa, mỗi khi thấy mấy con đó, phải tìm cách mang nó ra ngoài sân, vườn, rừng xa xa thả nó đi. Muỗi cũng không được đập! Chỉ thoa kem chống thôi. Cho nên muỗi ở đây nó lộng hành lắm!
– Khun (cách gọi trang trọng của người Thái) Shoko là một phụ nữ nhỏ bé người Nhật. Khun đã lớn tuổi, làm giáo viên dạy yoga và trưởng nhóm bên nữ. Do tiếng Anh của Khun cũng chỉ đủ giao tiếp hay vì lần đầu dạy mà mỗi khi hướng dẫn tập, Khun lộn trái qua phải, lộn lên với xuống suốt. Vậy mà không hiểu sao cái nhiệt tình và nhỏ nhẹ của Khun làm mình cứ mong chờ mỗi sáng để được tập yoga với Khun.
Ngày cuối, trước khi chia tay, mọi người chụp 1 tấm hình chung và hứa hẹn sẽ post lên Facebook. Về, mình chả tìm ra được cái trang Facebook của Suan Mokkh nào có hình khóa tụi mình cả. Hận gì đâu.
Hiện tại, thiền viện chỉ cung cấp khóa học bằng tiếng Anh hoặc tiếng Thái, bắt đầu vào ngày 1 hàng tháng. Không nhận đăng ký trước qua email, điện thoại. Người học phải đích thân đến đăng ký vào ngày cuối của tháng trước, được phỏng vấn xem có phù hợp không, rồi mới được nhận vào. Bạn nào có nhu cầu tìm hiểu thêm về khoá học này ở Thái Lan có thể xem ở website chính thức bằng tiếng Anh
http://www.suanmokkh-idh.org/idh-registration.html
Địa chỉ: Suan Mokkh Moklaphalaram Garden
Lamet, Chaiya District, Surat Thani 84150, Thailand
Hay quá chị ơi. Nghe thật thích muốn tới đó ngay. Kì là em cũng thích khoảng ko nói chuyện. Nhưng mà c với F có nc với nhau ko?
Không em ơi, không được nói chuyện với ai hết trừ trường hợp khẩn cấp. Chùa có tổ chức vài giờ đặc biệt cho những người chịu không nổi muốn nói chuyện mà toàn nói chuyện với mấy sư. Tụi chị cũng có lúc yếu lòng nhưng mà cuối cùng qua được hết, không nói gì hết. Có dịp về VN chơi, em với J tranh thủ ghé Thái Lan làm 1 khóa luôn 🙂
Chúng ta đến đây không phải để đạt được bất cứ điều gì mà để thả ra, buông bỏ, cho đi. Y như khi chúng ta đi toilet vậy (!?!)
Hahaha…ừ, đó là phát ngôn của 1 thầy rất vui tính thường giảng cho tụi chị nghe, dạy tụi chị tụng kinh và thiền đi bộ. Tụi chị gọi thầy là Ajahn Medhi, người Thái mà dòm giống Ấn Độ lắm. Nói chuyện hài kinh khủng! 🙂
Thầy là người mặc cà sa màu sẫm hơn bên tay trái ở trong bức hình cuối á em.