Op Shop – Mua Đồ Giá Rẻ Ở Úc

Op Shop – Mua Đồ Giá Rẻ Ở Úc

Op Shop – Mua Đồ Giá Rẻ Ở Úc

Ở Úc có 1 hệ thống cửa hàng bán gần như mọi thứ với giá rất rẻ gọi là Op Shop. Đây là những cửa hàng hoạt động nhằm mục đích từ thiện. Họ nhận tất cả những đồ dùng đã qua sử dụng hoặc đồ không cần dùng tới của người dân địa phương, sắp xếp lại và bán với giá chỉ bằng 1/5 – 1/10 giá thị trường. Với mức sống siêu đắt đỏ, những cửa hàng này là thiên đường mua đồ giá rẻ ở Úc.

mua-do-gia-re-o-uc

1. THƯƠNG HIỆU:

“Op shop” là từ viết tắt của “Opportunity Shop”. Tên gọi này được dùng để chỉ những cửa hàng do các tổ chức từ thiện quản lý ở Úc và New Zealand.

mua_do_gia_re_o_uc

mua-do-gia-re-o-uc

Trên thực tế, rất ít cửa hàng đề bảng hiệu “Op Shop” dù dân Úc ai cũng gọi đó là Op shop. Những cửa hàng này dùng các thương hiệu như Vinnies, Salvos (The Salvation Army), Red Cross, Lifeline, Endeavour, Second Chances, Sacred Heart Mission,…để kinh doanh gây quỹ.

mua_do_gia_re_o_uc

mua_do_gia_re_o_uc

mua_do_gia_re_o_uc

mua_do_gia_re_o_uc

Với hàng trăm cửa hàng trên khắp nước Úc, cách tốt nhất để tìm ra các cửa hàng này là hỏi người dân hoặc tìm trên Google. Thương hiệu Vinnies, Salvos và Red Cross thường có giá rẻ hơn những cửa hàng còn lại.

mua_do_gia_re_o_uc

2. MẶT HÀNG:

Những cửa hàng này thu nhận tất cả đồ không cần dùng tới của người dân địa phương. Hầu hết là đồ đã qua sử dụng. Điều kiện tiên quyết là phải sạch sẽ, còn tốt và cho đi miễn phí.

Do nguồn không quá kén chọn, ở Op Shop, mọi người có thể tìm thấy gần như tất cả mọi thứ. Từ quần áo, giày dép,…

mua-do-gia-re-o-uc

đến sách vở, băng đĩa, đồ gia dụng, bàn ghế nội thất,…

mua-do-gia-re-o-uc

Ngay cả những đồ chuyên dụng như quần chạy xe đạp, áo khoác da thật (để đi xe máy), nón bảo hiểm, găng tay, đồ làm bánh,…cũng có thể tìm thấy.

Tuy vậy, nhiều Op shop cũng bán vài vật dụng còn mới tinh là do:

– Vài công ty thay vì thanh lý hàng tồn kho (phải tốn phí) thì họ mang cho các Op shop để làm từ thiện.

– Một số người mua đồ về, chưa xài, không thích nữa, mang cho Op shop.

– Các Op shop bán 1 số mặt hàng liên quan đến công tác từ thiện. Ví dụ: hàng thủ công do người khuyết tật làm,…

3. GIÁ CẢ:

Vì nhận nguồn hàng miễn phí và nhân viên là những người tình nguyện, chi phí kinh doanh các Op shop rất thấp. Do đó, giá bán các mặt hàng ở đây thường chỉ bằng 1/5 – 1/10 giá thị trường.

mua-do-gia-re-o-uc

Ví dụ:

– Mình mua được 1 cái áo khoác nhồi lông hiệu Abercrombie & Fitch mới tinh chỉ 25 AUD. Cái áo này bên ngoài cũng cỡ 250 AUD. Rồi 1 cái quần jeans chỉ 6 AUD. Vừa in.

– Tô chén dĩa trong Op shop giá chỉ 1 AUD/cái. Nhiều mẫu mã, kiểu dáng, tha hồ lựa chọn.

Tuy nhiên, ở các thành phố lớn như Sydney, Melbourne,…các Op shop lại được săn lùng như hàng vintage. Do đó, giá cả ở một số tiệm mắc như đồ mới. Các cô, các chị vào các op shop là cứ thử vài chục cái trở lên. Có những cái áo giá cũng đến cả trăm đô.

4. TIỆN ÍCH:

– Họ có phòng thử quần áo nên mình có thể thử thoải mái để chắc chắn chọn đồ vừa và ưng ý. Thử xong không mua cũng không sao. Không ai phàn nàn hết.

– Có đủ size cho mọi người, không chỉ vài size nhất định. Mình thường mặc size XS, Fraser mặc size M, mà tụi mình đều tìm được đồ vừa in cho cả 2 đứa.

– Không có nhân viên đi theo tò tò hỏi mình muốn mua gì. Tuy nhiên, nếu cần tìm món gì mình không thấy, hỏi thì nhân viên phục vụ rất nhiệt tình.

– Các Op shop thường có nhiều mặt hàng, vài shop to như cái siêu thị, nên có khi chỉ cần đi 1 nơi là có thể mua đủ các thứ cần thiết.

– Có thể trả bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.

5. VÌ SAO NÊN MUA ĐỒ Ở OP SHOP – ĐỒ CŨ ĐỂ XÀI?

Có nhiều lý do, trong đó:

– Rẻ.

– Đa dạng, độc đáo, ít “đụng hàng”.

– Bảo vệ môi trường. Tái sử dụng đồ cũ làm giảm thiểu lượng đồ thải ra, phí xử lý rác thải chôn xuống đất hoặc xuống biển.

– Ủng hộ các cửa hàng địa phương thay vì các tập đoàn đa quốc gia giàu có.

– An toàn. Theo các Tổ chức Bảo vệ Sức Khỏe Cộng Đồng, chỉ cần giặt quần áo cũ với nước nóng 1 lần là có thể giảm thiểu nguy cơ lây bệnh. An toàn để sử dụng.

– Tiền thu được từ các Op shop, sau khi trả tiền thuê mặt bằng, bảo trì,…sẽ được sử dụng vào mục đích từ thiện.

mua-do-gia-re-o-uc

LƯU Ý:

– Khi mua đồ xong thì mình tự mang về, không có bao ni lông hay túi giấy để đựng.

– Giờ bán hàng của mỗi cửa hàng rất khác nhau, không đồng nhất. Nên xem trước để biết giờ đi mua sắm.

– Nếu muốn mang cho đồ đến những cửa hàng này thì phải giặt/ rửa sạch sẽ. Sau đó mang đến trong giờ cửa hàng mở cửa và bỏ vào các thùng to nhận đồ quyên góp. Không được để đồ trước cửa hàng khi họ đóng cửa. Với họ, đó giống như là bỏ rác bậy, là phạm pháp. 1 số cửa hàng không nhận thiết bị điện, nệm cũ hoặc dụng cụ tập gym. Họ có quy định rất rõ từng nơi.

Những thông tin về các Op shop ở Úc có thể áp dụng cho ở New Zealand. Đặc biệt, giá quần áo ở New Zealand nhìn chung mắc và ít lựa chọn, ít thời trang hơn ở Úc rất nhiều.

mua-do-gia-re-o-uc

mua_do_gia_re_o_uc

mua-do-gia-re-o-uc

 

 

Kinh Nghiệm Ở Airbnb Ở Úc

Kinh Nghiệm Ở Airbnb Ở Úc

Kinh Nghiệm Ở Airbnb Ở Úc

Airbnb” là từ viết tắt của “Air Bed and Breakfast”. Đây là một website mà mọi người có thể cho thuê hoặc thuê, phòng, căn hộ, nhà ở, villa,…khắp nơi trên thế giới, online. Với đặc điểm cơ bản là tận dụng không gian ít sử dụng để cho thuê, phí ở những nơi này thường rất rẻ so với khách sạn theo kiểu truyền thống. Những người đi du lịch muốn tiết kiệm ít nhiều đều biết đến website này. Ở đây, mình chỉ kể về những trải nghiệm thực tế của tụi mình khi ở Airbnb ở Úc. Mà cụ thể là ở Sydney.

Từ Cairns đến New Castle, hơn 1 tháng tụi mình chủ yếu là cắm trại, ngủ lều. Khi đến Sydney, tụi mình quyết định thuê phòng qua Airbnb cho ấm áp. Rất may mắn thuê được 1 căn hộ ở Manly đăng trên Airbnb, nhưng lại qua một người bạn. Đây là căn hộ 1 phòng ngủ xinh xắn gần bãi biển, khu khá cao cấp ở Sydney. Thật ra tụi mình lúc đầu không hề biết Manly là khu cao cấp. Đến khi tất cả bạn bè ở Sydney hỏi, mình nói sẽ ở Manly, ai cũng tròn mắt nói ồ khu đó đẹp lắm. Bạn người Việt thì hỏi sao thuê khu đó chi cho mắc vậy. Tụi mình thiệt tình khai do quen biết thôi.

airbnb_o_uc

Manly Wharf – nơi bến phà từ Manly qua lại trung tâm thành phố Sydney

Simon, anh bạn thân của Fraser hỏi thăm bạn bè ở Sydney xem có ai cho share nhà vài tuần được không. May quá, Lynn – cô bạn chuẩn bị đi Anh chơi 3 tuần, căn hộ để trống. Vừa lúc tụi mình tới thì thuê ngay. Giá thuê thông thường 1 căn hộ như thế này, ngắn hạn qua Airbnb là 900 AUD/tuần. Vị chi 3.200 AUD/tháng. Thuê dài hạn như Lynn thì cô cũng phải trả 400 AUD/tuần rồi. Chẳng biết Simon nói thế nào mà cuối cùng tụi mình chỉ phải trả 300 AUD/tuần. Bao gồm điện nước internet và tất tần tật mọi thứ. Mừng phải nói là hết lớn. Tụi mình ở đúng 3 tuần đến khi Lynn về.

Airbnb_o_uc

Chỉ có 1 khuyết điểm nhỏ: trời mùa đông lạnh đông đá mà ở căn hộ này chỉ có 1 cái máy sưởi bé tí xíu như cái quạt. Phải đặt sát bên mới thấy ấm.

airbnb_o_uc

Thấy Sydney đẹp mà vẫn còn nhiều chỗ chưa đi, tụi mình quyết định ở thêm 1 tháng. Thế là tuần cuối, tụi mình lên Airbnb tìm nơi khác ở tiếp.

Tìm trước hơn 1 tuần mà không biết tụi mình xui hay dân Airbnb ở Úc/ Sydney có vấn đề. Tìm lần lượt được 4 nơi ưng ý, gửi tin nhắn (Request to book) thì:

– Victor ở Bondi trả lời phòng có người thuê rồi. (Vậy còn để tình trạng phòng mình là “Còn trống/Available” làm chi không biết?!?)

– Adelaide ở Bondi thì nói phòng nhỏ lắm nha, không phải là nguyên căn hộ đâu. Tụi mình nói tụi mình biết mà. Thế là xin lỗi, nói không nhận cặp đôi!

– Rolanas và Tom thì còn tệ hơn, không trả lời trả vốn gì luôn.

Loay hoay cả tuần, tin qua tin lại mà vẫn chưa tìm được chỗ ở mới. Cuối cùng, tụi mình tìm được một phòng ở Rose Bay, review chủ nhà rất tốt, thế là đặt 1 phòng luôn 6 ngày. Ngay ngày kế cuối, con bé Andrée đó dời booking lại 1 ngày. Nghĩa là, sau khi rời Manly, tụi mình phải ngủ ở đâu đó 1 đêm rồi mới đến Rose Bay được.

Nếu thông báo từ sớm ngay lúc đặt phòng, tụi mình có thể yêu cầu nó hủy rồi tìm nơi khác. Sát ngày thế này thì không dễ tìm được phòng. Nó còn lấy lý do là không hề thấy booking của tụi mình, hôm nay mới thấy. Rồi nói nó bị tai nạn xe máy, chân đi cà nhắc, đầu còn choáng váng nên không biết phải thế nào đây. Vân vân và vân vân. Chẳng biết nó nói thật hay giả, chỉ biết tụi mình thiệt là quá nản với cái kiểu đặt người ta vô thế đã rồi thế này.

Không còn vui vẻ với nhau, tụi mình lại đi tìm phòng khác trên Airbnb. May mắn gặp chị Fiona ở Bondi Junction có phòng trống, hứa sẽ giữ phòng cho tụi mình. Sau khi đã tìm được chỗ này, tụi mình mới yêu cầu Andrée hủy booking để hoàn tiền lại cho tụi mình.

Không cần book qua Airbnb ở Úc, Fiona nhận tụi mình luôn. Có điều, lúc giao phòng, nhận tiền mặt, chị thu 50 AUD/đêm thay vì 37 AUD như tụi mình nhớ giá. Chị nói chắc tụi mình nhớ lộn. Vì không muốn lằng nhằng sau khi đã nhận phòng, hơn nữa thấy chị cũng vui vẻ, tốt bụng, Fraser trả luôn.

Chị còn nói sáng nay cũng có người nhắn chị hỏi phòng. 2 người đó cũng đặt đâu đó từ trước, đến lúc xuất hiện trước cửa nhà thì bị chủ nhà đó hủy tại chỗ. Nghe mà hoảng hết cả hồn. Cứ tưởng chỉ tụi mình xui. Hóa ra nhiều người cũng bị như vậy. Tụi mình còn thấy không đến nỗi tuyệt vọng vì Simon, Joe và Vũ, bạn tụi mình ở Sydney sẵn sàng cho tụi mình ở nhà họ. Rộng rãi, thoải mái. Chỉ có điều, ở chơi 1-2 đêm thì được. Ở cả tuần cả tháng thì ngại quá.

Nhà Fiona chỉ có mền, hoàn toàn không có lò sưởi cũng chẳng có chăn điện. Cái không cần thiết nhất trong mùa đông là tủ lạnh thì lại có trong phòng. Sữa tươi (tụi mình rất hiếm khi uống). Trà, cà phê, 1 thanh sô cô la và 1 hộp ngũ cốc ăn sáng giảm giá dành riêng. Ở chung nhà còn có 1 cặp người Chilê.

Niềm hạnh phúc cuối cùng của mình là tắm nước nóng và trùm mền ngủ buổi tối. Do đó, thay vì ở lại Sydney thêm 1 tháng, tụi mình quyết định chỉ ở tiếp 1 tuần rồi thôi. Mua vé qua New Zealand luôn.

airbnb_o_uc_1

Lối đi dọc bãi biển Bondi

Cũng cần nói thêm, Sydney là thành phố đắt đỏ nhất nước Úc. Có lẽ vì vậy mà dân ở Sydney luôn tranh thủ rao phòng trống ở nhiều website. Dẫn đến tình trạng khách đặt trùng lắp. Và hễ thấy mối nào có lợi hơn là họ chọn ngay, không quan tâm đến uy tín hay phiền phức có thể gây ra cho người khác.

VÀI GHI CHÚ NHỎ:

– Do kiến trúc nhà ở Úc xây dựng từ thời xa xưa, hầu hết tất cả ngôi nhà đều chỉ có 1 phòng tắm và 1 phòng vệ sinh. Bất kể nhà có bao nhiêu phòng ngủ đi nữa. Do đó, ở Airbnb ở Úc thì gần như chắc chắn phải dùng chung phòng tắm và nhà vệ sinh với người khác.

– Tất cả những nhà Airbnb ở Úc tụi mình ở đều không có lò sưởi. Chỉ cho mình nhiều mền. Trong khi đó, nhà bạn bè tụi mình ở Úc đều có hệ thống sưởi rất ấm. Vài nhà còn có thể điều chỉnh nhiệt độ từng khu vực như máy lạnh.

– Mỗi khi ở nhà ai, khi dọn đi, tụi mình luôn quét, lau, dọn sạch sẽ toàn bộ căn phòng/nhà. Đổ rác. Thức ăn, đồ dùng còn xài được thì để lại trong tủ lạnh, ngăn kéo để chủ/ người đến sau xài. Có mượn đỡ đồ ăn, thức uống gì thì mua trả lại đúng loại. Không bao giờ sử dụng những thứ họ không cho phép. Không dòm ngó, tọc mạch đồ dùng cá nhân hoặc phòng riêng của họ dù họ để cửa mở. Nếu ở quá 4-5 ngày mà máy giặt xài tự do thì giặt giũ chăn mền ra gối. Nếu có sẵn bộ ra gối sạch thì thay mới trước khi đi. Thảm chùi chân trong phòng tắm cũng vậy. Trả nhà lại nguyên trạng.

Đó là cách tôn trọng tài sản của người khác và cũng là cách nhận được review tốt trên Airbnb của tụi mình.

Hiện nay Airbnb có chương trình tặng tiền cho những người sử dụng Airbnb lần đầu, qua bạn bè giới thiệu. Nếu mọi người chọn vào link này sẽ được tặng $34 cho booking ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tụi mình thì không mất gì cả :).

 

Người Úc Có Kỳ Thị Chủng Tộc Không?

Người Úc Có Kỳ Thị Chủng Tộc Không?

Người Úc Có Kỳ Thị Chủng Tộc Không?

Theo kinh nghiệm thực tế của mình thì Có và Không.

Trước khi đến Úc, mình nghe rất nhiều người kể về sự kỳ thị của người Úc.

Hà, bạn mình, người Việt, kể nhỏ bạn nó sống ở Adelaide bị quăng bịch nước vô người khi đi ngoài đường. Tên bạn trai cũ của mình, Tom, người Ireland-Anh, sống ở Melbourne, nói dân Úc ghét dân Anh kinh khủng. Stewart, 1 anh bạn của Fraser, người Anh, đã từng du lịch khắp nước Úc khi còn trẻ, cũng nói chưa thấy cái dân nào kỳ thị người nước ngoài như cái dân Úc.

Bản thân mình khi đến Úc lần đầu năm 2015, chỉ đến Melbourne chơi với gia đình nhỏ bạn 3 tuần, cũng hơi sờ sợ khi nghĩ đến chuyện bị…khinh bỉ hay ghê hơn là bị bạo hành giữa đường. Đến khi qua Úc, với ấn tượng đó cộng với bị say xe, mình chỉ lủi thủi chơi với con bé con và 2 vợ chồng đứa bạn. Tiếng Anh của người Úc lại khá khó nghe, lúc đầu chưa quen mình càng ngại bắt chuyện với người lạ. Thành ra đi chơi ở cái nước vừa đẹp, vừa an toàn, văn minh mà mình không thấy vui như khi ở châu Á, dù chả ai làm gì mình hết.

Cho đến năm nay, khi mình cùng Fraser đạp xe đến Úc, sự tử tế và tốt bụng của người Úc làm mình thay đổi hẳn suy nghĩ.

Tụi mình bay từ Bali sang Cairns. Sân bay Cairns rất nhỏ nhưng nhân viên cực kỳ chuyên nghiệp và lịch sự. Qua bao nhiêu lượt kiểm tra, có cả chó cảnh sát đánh hơi tìm ma túy, mang theo 2 cái xe đạp cồng kềnh gói sơ sài, tụi mình cũng chỉ mất chừng hơn nửa tiếng khi ra tới cổng.

Sau khi ráp lại 2 chiếc xe đạp, Fraser đi toilet, mình đứng đó canh xe. 1 cô nhân viên an ninh ra ngoài hút thuốc bắt chuyện với mình hỏi về cái xe đạp.

1 lúc sau lại có 1 anh người Úc đến hỏi mình chuẩn bị đi đâu. Mình nói tụi mình muốn vô trung tâm để mua sim điện thoại. Ảnh nói ảnh vừa hết ca làm việc ở đây, chuẩn bị đi theo hướng đó. Tụi mình có thể đi theo ảnh để khỏi bị lạc đường. Vừa lúc đó Fraser đi ra. Thế là ảnh nói 1 lô các thứ tụi mình nên để ý khi ở Úc. Tránh đi gần mé sông rạch vì có cá sấu, dựng xe bên ngoài quán ăn thì chú ý mấy đứa con nít phá phách, vân vân và vân vân. Rất tận tình.

Trên đường tìm điểm cắm trại đã đặt chỗ trước, tụi mình đuối như trái chuối vì đi hoài mà không thấy hàng quán gì để mua đồ ăn. May có anh cảnh sát đi tuần tra, dừng lại hỏi thăm mình có bị lạc không. Tụi mình mới biết vô trong khu cắm trại đó thì hoàn toàn không có cái gì cả. Anh còn chỉ chỗ cho tụi mình cắm trại miễn phí ở gần đó. Đành đạp ngược ra trung tâm ăn tối rồi đến chỗ anh cảnh sát chỉ, dựng lều ngủ.

nguoi_uc_co_ky_thi_khong

Anh cảnh sát tuần tra chỉ tụi mình chỗ cắm trại miễn phí

Queensland không chỉ rộng lớn mà còn hoang vu kinh khủng. Hầu hết đất đai là khu bảo tồn, rừng rậm hay trang trại trồng mía, chuối. Ngoài các thành phố lớn, thị trấn, đi mấy chục cây số mà không thấy gì là chuyện thường. Chỉ có cây là cây. Không nhà cửa, quán xá, cây xăng hay bất kỳ thứ gì. Đường đi cũng chỉ có 1 đường quốc lộ duy nhất là Bruce Highway. Muốn quẹo vô đâu thì phải đi chừng 20 cây số trở lên mới tới điểm đó. Muốn đi tiếp, phải quẹo ngược trở ra đường quốc lộ. Hiếm khi có đường nhỏ nối với nhau. Vắng vẻ, hoang sơ và chán phèo.

Chắc cũng vì vậy mà người Queensland cực kỳ thân thiện và hiếu khách. Dọc đường đi, hễ chỗ nào có người là thấy họ chào mình. Có khi là mấy công nhân làm đường la lên “How are ya?”. Hoặc 1 anh đang cắt cỏ, dừng lại giở nón lên, gật đầu cười chào. Những người điều khiển giao thông bịt mặt kín mít giơ bảng hiệu “Slow/Stop” vẫy tay. Tụi mình mà vô siêu thị mua đồ, thế nào cũng có 1 ông cụ nào đó đến bắt chuyện. Thường là hỏi đi đâu, người nước nào. Tám vài câu cho vui. Vậy thôi.

Với mặc cảm là người châu Á, Việt Nam, lúc đầu mình nghĩ chắc tại mình đi với Fraser nên mọi người mới thân thiện vậy. Fraser đi đâu cũng là siêu sao. Mọi người ai cũng thích ảnh, quý mến ảnh, muốn chụp hình với ảnh. Ngay cả đến sân bay Cairns, khi đi với ảnh, chả nhân viên an ninh nào tra hỏi mình như ở Melbourne. Cứ thế mà đi phăng phăng thôi.

Cho đến khi tụi mình dừng chân ở Cardwell để cắm trại. Trong lúc Fraser đi tắm, mình vô bếp nấu ăn. Bếp ở mấy chỗ cắm trại rất khác nhau. Có chỗ đầy đủ không thiếu thứ gì. Có chỗ, như chỗ này, thì có lò, bếp nhưng lại không có gì hết. Vậy là tụi mình không có nồi để nấu.

Mình hỏi một bà bác đang rửa chén ở đó là có phải dụng cụ nấu ăn ở đây là phải mang đồ cá nhân không. Bà nói đúng òi. Rồi thấy mình loay hoay, bà tự động đi ra xe lấy cho mình một cái xoòng có nắp đậy. Nói mình cứ xài đi. Mình tưởng bà cho mượn nên hỏi khi xài xong, mình làm sao biết để trả lại bà. Bà nói, xài xong thì mình cứ giữ đi. Cho luôn!

Rồi không biết mình nói sao mà bà tưởng mình không biết xài microwave (?!). Liền chỉ dẫn tận tình cách sử dụng luôn. Trong lúc chờ hâm nóng, bà mới hỏi mình người nước nào, đi đâu đây. Mình mới khai ra là mình người Việt Nam. Đang đi xe đạp từ Cairns, dự định đến Melbourne với bạn trai. Mình đang kể thì một đôi vợ chồng khác cũng nhập vào cuộc nói chuyện. Đến khi nấu ăn xong thì vây quanh mình là 2 cặp vợ chồng không quen biết đang hào hứng muốn nghe mình kể về chuyến đi.

Lúc đó Fraser mới xuất hiện.

Trong lúc nói chuyện, họ chỉ dẫn tụi mình rất nhiều thứ. Siêu thị nào rẻ, chỗ nào có thể dựng lều ngủ qua đêm, nơi nào nên ghé thăm,…Đến khi ăn xong, một bà bác còn cho mình “mượn” nước rửa chén để rửa nữa chứ. Mà mình còn chưa biết tên của bất kỳ ai trong số họ. Do cứ theo đà câu chuyện, nên chả ai tự giới thiệu hay hỏi tên mình là gì hết.

Sau khi 2 cặp vợ chồng kia đi ngủ, tụi mình vẫn còn ngồi nán lại 1 tí (để sạc pin điện thoại trong bếp). 1 anh nãy giờ ngồi bàn bên kia, mới bắt chuyện. Anh kể anh từng đến Việt Nam chơi rồi bị chặt chém thế nào :). Anh cũng từng làm 1 chuyến đạp xe đạp đến Darwin,…

Hóa ra anh từng là một luật sư người Úc rất thành công. Sinh ra ở Melbourne. Mở văn phòng luật từ năm 22 tuổi. Đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì bị một cơn đột quỵ ở tuổi 30. Thế là về hưu non. Bán công ty lại cho cộng sự. Đến Hamilton Island mở một công ty kinh doanh du lịch thuyền buồm chuyên cho du khách đến Whitsunday Islands.

Là một người Úc giàu có và thành đạt, từng trải về tuổi đời lại kinh doanh trong ngành du lịch, anh là kho từ điển sống cho chuyến đi của tụi mình ở Úc. Trong 5 ngày bị mắc kẹt lại ở Cardwell do mưa bão, không wifi, không 3G, ngày nào tụi mình cũng tám chuyện với anh về hàng trăm thứ. Có bữa không kịp mua đồ ăn vì siêu thị đóng cửa, anh cho tụi mình bánh mì, trái cây để ăn tối luôn. Nhờ những thông tin anh chia sẻ, tụi mình quyết định bán xe đạp, mua xe máy để tiếp tục đi dọc nước Úc. Anh tên là Andrew.

nguoi_uc_co_ky_thi_khong

Cardwell Tourist Park, nơi đánh dấu thay đổi lớn trong hành trình xuyên Úc của tụi mình

Đã quyết định như vậy nên tụi mình đặt vé đi tàu hỏa từ Cardwell đến Townsville. Ở ngoài các thành phố lớn, phương tiện công cộng của Úc cũng không thuận tiện gì cho lắm. Vì Úc rộng lớn quá. Nguyên 1 chuyến tàu hỏa mà chỉ cho đúng 1 chiếc xe đạp lên. Không có chỗ cho chiếc thứ 2.

Anh luật sư về hưu biết chuyện, nói với ông bạn già bị điếc, thỉnh thoảng cũng ngồi ăn với tụi mình, cho tụi mình quá giang. Lionel, ông cụ chỉ mới nói chuyện với tụi mình vài câu, đồng ý ngay. Thế là hôm sau tụi mình khăn gói lên đường đến Townsville.

Dọc đường đi, ông cụ còn dừng lại ở ruộng khóm (thơm) chỉ cho tụi mình coi cách người ta trồng khóm. Rồi thấy 1 xe tải bán đồ nông sản, cũng dừng lại mua mấy trái thơm, đu đủ, mật ong. Rẻ hơn trong siêu thị rất nhiều mà ngon và tươi hơn. Xin nói thêm là ông cụ Lionel bị điếc nhưng biết cách đọc qua cử động của môi (lip reading) nên tụi mình vẫn giao tiếp bình thường. Nghe theo lời tư vấn của anh luật sư về hưu, tụi mình mua 1 thùng bia XXXX Gold làm quà cảm ơn đến ông cụ.

nguoi_uc_co_ky_thi_khong_2

Ông cụ Lionel và Fraser ở cánh đồng trồng thơm

Đến Townsville, tụi mình ở Warmshower nhà 1 đôi vợ chồng người Úc, Jenny và Michael. Họ có 1 cửa hàng xe đạp tên The Bicycle Pedlar. Họ tiếp đón rất nhiều dân du lịch bằng xe đạp trên thế giới. Ngay cả khi tụi mình nói muốn bán xe đạp, mua xe máy, họ vẫn vui vẻ cho tụi mình ở lại. Dĩ nhiên hoàn toàn miễn phí. Sau hàng tháng trời ngủ lều, lần đầu tiên tụi mình được ngủ trong 1 căn phòng đàng hoàng.

nguoi_uc_co_ky_thi_khong_1

The Bicycle Pedlar Shop ở Townsville, Úc.

Lúc mới đến mình không chắc là tụi mình có phòng riêng. Nhiều người có thể chỉ cho tụi mình dựng lều ở phía sau vườn nhà. Hoặc ngủ trên ghế salon trong phòng khách. Nhưng Jenny và Michael thì dành sẵn cho tụi mình một phòng ngủ riêng, to y chang phòng ngủ của họ. Toilet và nhà tắm kế bên, cũng dành riêng cho tụi mình. Nước nóng, khăn tắm, dầu gội, máy giặt,…không thiếu thứ gì. Nhà cửa mới toanh, sạch đẹp, sang trọng.

nguoi_uc_co_ky_thi_khong_1

Jenny và Michael, chủ cửa hàng xe đạp The Bicycle Pedlar ở Townsville. 2 người Úc tốt bụng tiếp đón tụi mình nồng hậu trong 4 ngày.

Jenny còn nấu ăn tối cho tụi mình trong thời gian tụi mình ở đó. Cà ri rau củ, sườn cừu nướng, khoai tây trộn,…Mình ngại quá nên xung phong nấu một bữa phở bò Việt Nam. Lần đầu tiên nấu phở không như ý muốn nhưng ai cũng phải khen 🙂

Dù không bán đồ cũ, Michael và Jenny đồng ý bán dùm tụi mình 2 chiếc xe đạp. Tiền bán được họ chuyển khoản khi tụi mình đã đến Sydney.

nguoi_uc_co_ky_thi_khong_0

Michael và mình chụp trước cửa tiệm khi chia tay

 

nguoi_uc_co_ky_thi_khong_0

 

Trong 1 lần đang đi xe máy từ Byron Bay đến Port Macquarie, tụi mình gặp 1 anh cũng phi xe máy nhìn siêu hầm hố đi phía trước. Đến chỗ đèn xanh đèn đỏ, quay qua bắt chuyện với tụi mình. Xong tự động nói “Tui đi theo 2 người, đi đến đâu hay đến đó” (?!?). Vậy là tự nhiên tụi mình có bạn đồng hành.

Anh này làm ở vùng mỏ bên Perth. Anh nói bên đó trả lương rất cao, người Việt làm quá trời. Chỉ cần biết chạy xe, lau dọn là một tháng được 5-6 ngàn đô Úc. Làm 4 tuần, nghỉ 2 tuần. Mỗi lần nghỉ 2 tuần thì được chọn điểm đến. Anh vừa mua vé cho mấy người Việt làm chỗ anh qua Bali (Indonesia) chơi nè. Nghe xong mình chỉ muốn đến Perth làm lau dọn ngay lập tức!

Về sau tìm hiểu kỹ hơn 1 chút từ người quen thì mới biết công việc đó gọi là FIFO job. Muốn làm việc phải có bằng lái xe và working visa. Hơn nữa, chi phí ở Perth rất đắt đỏ do có ngành công nghiệp khai khoáng. Nên nghe rất lý tưởng nhưng chưa chắc đã là kèo thơm.

nguoi_uc_co_ky_thi_khong_3

Anh motorist “đòi” đi chung với tụi mình 1 đoạn 🙂

Càng đi về phía nam, về phía các thành phố lớn, người dân cũng ít cởi mở hơn so với vùng phía bắc Úc. Tuy nhiên, có 1 điểm tụi mình nhận thấy ở xuyên suốt nước Úc đó là: 90% người lạ đi ngoài đường luôn gật đầu, cười, chào mình. “Hi”, “Hello”, “Morning”, “How are you?”

Trong 1 lần trò chuyện, mình có hỏi anh luật sư về hưu Andrew là “Người Úc có kỳ thị không?”.

Câu trả lời của anh là vầy.

“Tụi tui muốn tin là tụi tui không có kỳ thị. Tụi tui kỳ thị đó, nhưng mà nói đúng ra, tụi tui có cái lối nói chuyện và cư xử theo kiểu hài hước đen tối một chút (dark humour).

Ví dụ: nếu cô bước vô một quán bar, quán ăn hay nơi nào đó, tụi tui sẽ “nắn gân” cô ngay. Tụi tui sẽ nói “Ê, nhỏ kia đi lạc đâu đây?” chẳng hạn. Tùy theo cách cô phản ứng mà tụi tui sẽ đánh giá cô. Nếu cô tự ti, quê độ, cắm mặt không nói gì hay bỏ đi thì tụi tui sẽ coi thường cô lắm. Nhưng nếu cô biết cách đáp trả lại bằng một câu nói đùa. Hoặc chứng tỏ cô đủ tự tin, đủ bản lĩnh ở chỗ đông người, thì tụi tui sẽ rất vui vẻ mà nói chuyện làm quen với cô.

Hơn nữa, tụi tui chỉ kỳ thị những người sống ở Úc mà không nói tiếng Úc, không cố gắng thích nghi văn hóa của người Úc. Những người chỉ biết co cụm lại với nhau, nói tiếng bản xứ, chơi với dân bản xứ, sống ở khu vực riêng của họ mà không mở rộng quan hệ,…Những người đó, tụi tui rất kỳ thị.”

Mình kết bài này bằng một nhận xét khác của Eric, một ông cụ người Úc tụi mình gặp ở chỗ cắm trại Flying Fish Point:

“Mấy cô người Việt tui gặp lúc nào cũng mang giày cao gót, mặc đầm bó sát đi đỏng đảnh mà không biết nói tiếng Anh. Cô không có giống họ chút nào hết. Cho nên dù 2 người ăn chay, không ăn thịt, tui cũng thấy 2 người bình thường. Miễn cô nói được tiếng Anh thì cô không phải là người dị hợm.”

“As long as you can speak English, you are not a weirdo.”

nguoi_uc_co_ky_thi_khong_4

 

 

Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Ở đây, mình chỉ xin chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc tự túc vào năm 2015 và 2016 tại văn phòng VFS Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích đi du lịch hay còn gọi là “Thị thực đi thăm Úc” – Diện thị thực 600.

Mình cũng link website chính thức của VFS với các hướng dẫn đầy đủ về visa Úc tại đây. Mọi người vui lòng đọc để có thông tin mới nhất rồi đối chiếu với kinh nghiệm của mình để nộp hồ sơ cho suôn sẻ.

 

* BƯỚC 1: CHUẨN BỊ NHỮNG GIẤY TỜ THEO YÊU CẦU

– 01 Đơn xin visa / Application For A Visitor Visa – Tourist Stream (Form 1419).
Điền đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh và VIẾT CHỮ IN HOA toàn bộ.
– 01 Đơn kê khai quan hệ trong gia đình – Details of Relatives Form.

THÔNG TIN CÁ NHÂN:
– 01 Giấy khai sinh (sao y bản chính).
– 01 Bản photo hộ chiếu gồm tất cả các trang có dấu và trang thông tin cá nhân (sao y bản chính). Nếu ai có nhiều hơn 1 hộ chiếu và đã từng đi du lịch nước ngoài thì photo các trang có đóng dấu của hộ chiếu cũ.
– 01 Bản photo CMND (sao y bản chính).
– 01 Bản photo TẤT CẢ CÁC TRANG sổ hộ khẩu (sao y bản chính).
– 01 Hình thẻ cỡ 3.5cm x 4.5cm (passport size), nền trắng, chụp không quá 6 tháng. Họ cũng chấp nhận hình thẻ 4cm x6cm.

CHỨNG MINH TÀI CHÍNH:
– Sổ tiết kiệm ngân hàng ít nhất từ 150.000.000 VND trở lên (sao y bản chính/bản in online).
– Bản sao kê giao dịch ngân hàng của 3 tháng gần nhất (nếu có)
– Chứng nhận sở hữu nhà cửa, đất đai, cửa hàng,…(nếu có) thì photo, sao y bản chính 1 bản.
– Giấy xác nhận của công ty về công việc hiện tại bao gồm các chi tiết: chức vụ, mức lương, địa chỉ công ty, số điện thoại công ty, người liên hệ. (Giấy này Phòng Nhân Sự của công ty sẽ cấp nếu bạn yêu cầu.)
– Giấy xác nhận nghỉ phép của công ty trùng khớp với thời gian bạn đi Úc. (Phòng Nhân Sự cũng sẽ cấp giấy này/ in ra từ hệ thống của công ty)

LỊCH TRÌNH ĐI CHƠI:
Dân du lịch tự túc luôn lên kế hoạch khá chi tiết về chuyến đi sắp tới của mình. Nhưng nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể tạm thời điền vào những nơi bạn muốn đi. Kinh phí dự trù cũng ước chừng. Bạn có thể tham khảo lịch trình mẫu gần 3 tuần ở Úc của mình ở đây “Lịch trình đi Úc”

* BƯỚC 2: CHUẨN BỊ TIỀN MẶT ĐỂ ĐÓNG PHÍ THỊ THỰC KHI NỘP ĐƠN

Phí thị thực: 140 AUD hoặc 2,470,000 VND/người + 482,000 VND phí dịch vụ VFS (bắt buộc) = 2,952,000 VND

Có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Tuy nhiên, để tránh phí phát sinh và những phiền phức có thể xảy ra, nên thanh toán bằng tiền VND, tiền mặt.

* BƯỚC 3: ĐẶT LỊCH HẸN

– Có thể đặt lịch hẹn trực tuyến tại đây
– Hoặc điện thoại theo số 1900565639
– Hoặc email đến info.auvi@vfshelpline.com

Thời gian nộp hồ sơ từ 8.30am – 15.00 pm. Từ thứ Hai – thứ Sáu.

* BƯỚC 4: NỘP HỒ SƠ

Địa chỉ nộp hồ sơ
* TP.HCM: Resco Tower (Lầu 5), 94-96 Nguyễn Du, Quận 1.
* Hà Nội: Gelex Tower (Lầu 3), 52 Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng.
* Đà Nẵng: ACB Tower, 218 Bạch Đằng, Quận Hải Châu.

– Đến sớm 10 phút. Lấy số thứ tự.
– Chỉ người nộp đơn được phép vào khu vực nộp đơn.
– Mang theo đồ gọn nhẹ vì họ không cho mang thiết bị điện tử, …vào khu vực nộp đơn. Chỉ có 1 hộc rất nhỏ để cất đồ cá nhân trước khi vào.
– Thời gian chờ đến phiên mình thường mất khoảng 30 phút – 1 tiếng. Họ không nghỉ trưa. Nhận hồ sơ liên tục từ 8.30 am – 15.00 pm. Theo lịch hẹn.
– Khi nộp đơn, Lãnh sự quán sẽ không giữ passport của bạn như các nước khác.
– Sau khi nộp đơn và đóng phí thị thực, ngồi chờ để chụp hình và lấy dấu vân tay (thu thập dữ liệu sinh trắc học).
– Nhận hóa đơn với các thông tin liên quan (ngày nộp hồ sơ, phí đã thu, VLN No…).

* BƯỚC 5: KIỂM TRA TÌNH TRẠNG HỒ SƠ

– Sau 3 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn, bạn có thể kiểm tra tình trạng hồ sơ của mình ở đây. Chỉ cần điền vào mã số tham chiếu hồ sơ (VLN No./Tracking ID) trên hóa đơn và Ngày tháng năm sinh (DOB).

– Khi visa được cấp, Lãnh sự quán sẽ gửi 1 lá thư chấp thuận qua email cho bạn (Visa Grant Notice). Đọc kỹ để kiểm tra lại thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, số passport,…) xem có sai sót gì không. Nếu tất cả đều chính xác thì chúc mừng bạn, bạn đã nhận được visa Úc.

– In lá thư Visa Grant Notice này ra, mang theo khi đi Úc. Điều này chỉ để phòng hờ vì visa không được dán trên passport. Tuy nhiên, tất cả thông tin đều được lưu trên hệ thống nên khi đến Úc, bạn không cần phải lo lắng gì cả.

 

VÀI GHI CHÚ KHÁC:

– Nộp đơn xin visa sớm nhất là 3 tháng, trễ nhất là 1 tháng trước ngày dự định đi. Mình thường nộp sớm trước khoảng 3 tháng.
– Thời gian tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ khoảng 4 tuần. Tuy nhiên, nếu hồ sơ đầy đủ điều kiện, họ sẽ cấp rất nhanh. Trong trường hợp của mình thì visa đi Úc lần đầu được cấp sau 3 ngày (single entry). Lần 2 được cấp sau 1 tuần (multiple entry) kể từ ngày nộp hồ sơ. Không cần bổ sung thêm giấy tờ gì hết.
– Tất cả các giấy tờ bằng tiếng Việt thì KHÔNG cần dịch sang tiếng Anh. Riêng các mẫu đơn bằng tiếng Anh thì phải điền bằng tiếng Anh.
– Visa được cấp sẽ có giá trị trong vòng 1 năm, kể từ ngày cấp.
– Xem kỹ ngày cuối cùng bạn được vào Úc (Last Date to Arrive). Biết ngày này để sắp xếp nếu có thay đổi kế hoạch đi chơi.

Ví dụ: Ngày cuối cùng đến Úc là 13/09/2018 thì bạn vẫn có thể bay đến Úc vào ngày 13/09/2018 (ngày cuối cùng visa còn hiệu lực) và ở lại 3 tháng sau đó ra khỏi Úc bình thường.

– Visa có hiệu lực ngay sau khi được cấp nên nếu muốn đến Úc sớm hơn dự định bạn cũng đi được.
– Nếu là visa 1 lần (single entry) thì sau khi đến và rời Úc, visa tự động hết hiệu lực (dù vẫn còn thời hạn trên giấy tờ).
– Nếu là visa nhiều lần (multiple entry) thì mỗi lần đến Úc, bạn được ở lại 3 tháng, sau đó phải rời Úc rồi mới được quay lại. Dĩ nhiên, vẫn phải trong thời hạn visa còn hiệu lực.

Như đã đề cập, mình chỉ chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc cho những bạn muốn xin tự túc với mục đích du lịch. Thông tin này chỉ áp dụng cho người mang quốc tịch Việt Nam, đang sống tại Việt Nam và nộp đơn xin visa Úc trong lãnh thổ Việt Nam. Những trường hợp khác thì xem thông tin hướng dẫn của VFS trên website của họ.

Mọi người có thể xem thêm VISITOR visa checklist. Version 010717 của Lãnh sự quán Úc tại Việt Nam ở đây.

 

 

Bạn muốn theo dõi hành trình của mình?

Đừng để lỡ bài viết mới nào nhé!

You have Successfully Subscribed!