Theo kinh nghiệm thực tế của mình thì Có và Không.
Trước khi đến Úc, mình nghe rất nhiều người kể về sự kỳ thị của người Úc.
Hà, bạn mình, người Việt, kể nhỏ bạn nó sống ở Adelaide bị quăng bịch nước vô người khi đi ngoài đường. Tên bạn trai cũ của mình, Tom, người Ireland-Anh, sống ở Melbourne, nói dân Úc ghét dân Anh kinh khủng. Stewart, 1 anh bạn của Fraser, người Anh, đã từng du lịch khắp nước Úc khi còn trẻ, cũng nói chưa thấy cái dân nào kỳ thị người nước ngoài như cái dân Úc.
Bản thân mình khi đến Úc lần đầu năm 2015, chỉ đến Melbourne chơi với gia đình nhỏ bạn 3 tuần, cũng hơi sờ sợ khi nghĩ đến chuyện bị…khinh bỉ hay ghê hơn là bị bạo hành giữa đường. Đến khi qua Úc, với ấn tượng đó cộng với bị say xe, mình chỉ lủi thủi chơi với con bé con và 2 vợ chồng đứa bạn. Tiếng Anh của người Úc lại khá khó nghe, lúc đầu chưa quen mình càng ngại bắt chuyện với người lạ. Thành ra đi chơi ở cái nước vừa đẹp, vừa an toàn, văn minh mà mình không thấy vui như khi ở châu Á, dù chả ai làm gì mình hết.
Cho đến năm nay, khi mình cùng Fraser đạp xe đến Úc, sự tử tế và tốt bụng của người Úc làm mình thay đổi hẳn suy nghĩ.
Tụi mình bay từ Bali sang Cairns. Sân bay Cairns rất nhỏ nhưng nhân viên cực kỳ chuyên nghiệp và lịch sự. Qua bao nhiêu lượt kiểm tra, có cả chó cảnh sát đánh hơi tìm ma túy, mang theo 2 cái xe đạp cồng kềnh gói sơ sài, tụi mình cũng chỉ mất chừng hơn nửa tiếng khi ra tới cổng.
Sau khi ráp lại 2 chiếc xe đạp, Fraser đi toilet, mình đứng đó canh xe. 1 cô nhân viên an ninh ra ngoài hút thuốc bắt chuyện với mình hỏi về cái xe đạp.
1 lúc sau lại có 1 anh người Úc đến hỏi mình chuẩn bị đi đâu. Mình nói tụi mình muốn vô trung tâm để mua sim điện thoại. Ảnh nói ảnh vừa hết ca làm việc ở đây, chuẩn bị đi theo hướng đó. Tụi mình có thể đi theo ảnh để khỏi bị lạc đường. Vừa lúc đó Fraser đi ra. Thế là ảnh nói 1 lô các thứ tụi mình nên để ý khi ở Úc. Tránh đi gần mé sông rạch vì có cá sấu, dựng xe bên ngoài quán ăn thì chú ý mấy đứa con nít phá phách, vân vân và vân vân. Rất tận tình.
Trên đường tìm điểm cắm trại đã đặt chỗ trước, tụi mình đuối như trái chuối vì đi hoài mà không thấy hàng quán gì để mua đồ ăn. May có anh cảnh sát đi tuần tra, dừng lại hỏi thăm mình có bị lạc không. Tụi mình mới biết vô trong khu cắm trại đó thì hoàn toàn không có cái gì cả. Anh còn chỉ chỗ cho tụi mình cắm trại miễn phí ở gần đó. Đành đạp ngược ra trung tâm ăn tối rồi đến chỗ anh cảnh sát chỉ, dựng lều ngủ.
Anh cảnh sát tuần tra chỉ tụi mình chỗ cắm trại miễn phí
Queensland không chỉ rộng lớn mà còn hoang vu kinh khủng. Hầu hết đất đai là khu bảo tồn, rừng rậm hay trang trại trồng mía, chuối. Ngoài các thành phố lớn, thị trấn, đi mấy chục cây số mà không thấy gì là chuyện thường. Chỉ có cây là cây. Không nhà cửa, quán xá, cây xăng hay bất kỳ thứ gì. Đường đi cũng chỉ có 1 đường quốc lộ duy nhất là Bruce Highway. Muốn quẹo vô đâu thì phải đi chừng 20 cây số trở lên mới tới điểm đó. Muốn đi tiếp, phải quẹo ngược trở ra đường quốc lộ. Hiếm khi có đường nhỏ nối với nhau. Vắng vẻ, hoang sơ và chán phèo.
Chắc cũng vì vậy mà người Queensland cực kỳ thân thiện và hiếu khách. Dọc đường đi, hễ chỗ nào có người là thấy họ chào mình. Có khi là mấy công nhân làm đường la lên “How are ya?”. Hoặc 1 anh đang cắt cỏ, dừng lại giở nón lên, gật đầu cười chào. Những người điều khiển giao thông bịt mặt kín mít giơ bảng hiệu “Slow/Stop” vẫy tay. Tụi mình mà vô siêu thị mua đồ, thế nào cũng có 1 ông cụ nào đó đến bắt chuyện. Thường là hỏi đi đâu, người nước nào. Tám vài câu cho vui. Vậy thôi.
Với mặc cảm là người châu Á, Việt Nam, lúc đầu mình nghĩ chắc tại mình đi với Fraser nên mọi người mới thân thiện vậy. Fraser đi đâu cũng là siêu sao. Mọi người ai cũng thích ảnh, quý mến ảnh, muốn chụp hình với ảnh. Ngay cả đến sân bay Cairns, khi đi với ảnh, chả nhân viên an ninh nào tra hỏi mình như ở Melbourne. Cứ thế mà đi phăng phăng thôi.
Cho đến khi tụi mình dừng chân ở Cardwell để cắm trại. Trong lúc Fraser đi tắm, mình vô bếp nấu ăn. Bếp ở mấy chỗ cắm trại rất khác nhau. Có chỗ đầy đủ không thiếu thứ gì. Có chỗ, như chỗ này, thì có lò, bếp nhưng lại không có gì hết. Vậy là tụi mình không có nồi để nấu.
Mình hỏi một bà bác đang rửa chén ở đó là có phải dụng cụ nấu ăn ở đây là phải mang đồ cá nhân không. Bà nói đúng òi. Rồi thấy mình loay hoay, bà tự động đi ra xe lấy cho mình một cái xoòng có nắp đậy. Nói mình cứ xài đi. Mình tưởng bà cho mượn nên hỏi khi xài xong, mình làm sao biết để trả lại bà. Bà nói, xài xong thì mình cứ giữ đi. Cho luôn!
Rồi không biết mình nói sao mà bà tưởng mình không biết xài microwave (?!). Liền chỉ dẫn tận tình cách sử dụng luôn. Trong lúc chờ hâm nóng, bà mới hỏi mình người nước nào, đi đâu đây. Mình mới khai ra là mình người Việt Nam. Đang đi xe đạp từ Cairns, dự định đến Melbourne với bạn trai. Mình đang kể thì một đôi vợ chồng khác cũng nhập vào cuộc nói chuyện. Đến khi nấu ăn xong thì vây quanh mình là 2 cặp vợ chồng không quen biết đang hào hứng muốn nghe mình kể về chuyến đi.
Lúc đó Fraser mới xuất hiện.
Trong lúc nói chuyện, họ chỉ dẫn tụi mình rất nhiều thứ. Siêu thị nào rẻ, chỗ nào có thể dựng lều ngủ qua đêm, nơi nào nên ghé thăm,…Đến khi ăn xong, một bà bác còn cho mình “mượn” nước rửa chén để rửa nữa chứ. Mà mình còn chưa biết tên của bất kỳ ai trong số họ. Do cứ theo đà câu chuyện, nên chả ai tự giới thiệu hay hỏi tên mình là gì hết.
Sau khi 2 cặp vợ chồng kia đi ngủ, tụi mình vẫn còn ngồi nán lại 1 tí (để sạc pin điện thoại trong bếp). 1 anh nãy giờ ngồi bàn bên kia, mới bắt chuyện. Anh kể anh từng đến Việt Nam chơi rồi bị chặt chém thế nào :). Anh cũng từng làm 1 chuyến đạp xe đạp đến Darwin,…
Hóa ra anh từng là một luật sư người Úc rất thành công. Sinh ra ở Melbourne. Mở văn phòng luật từ năm 22 tuổi. Đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì bị một cơn đột quỵ ở tuổi 30. Thế là về hưu non. Bán công ty lại cho cộng sự. Đến Hamilton Island mở một công ty kinh doanh du lịch thuyền buồm chuyên cho du khách đến Whitsunday Islands.
Là một người Úc giàu có và thành đạt, từng trải về tuổi đời lại kinh doanh trong ngành du lịch, anh là kho từ điển sống cho chuyến đi của tụi mình ở Úc. Trong 5 ngày bị mắc kẹt lại ở Cardwell do mưa bão, không wifi, không 3G, ngày nào tụi mình cũng tám chuyện với anh về hàng trăm thứ. Có bữa không kịp mua đồ ăn vì siêu thị đóng cửa, anh cho tụi mình bánh mì, trái cây để ăn tối luôn. Nhờ những thông tin anh chia sẻ, tụi mình quyết định bán xe đạp, mua xe máy để tiếp tục đi dọc nước Úc. Anh tên là Andrew.
Cardwell Tourist Park, nơi đánh dấu thay đổi lớn trong hành trình xuyên Úc của tụi mình
Đã quyết định như vậy nên tụi mình đặt vé đi tàu hỏa từ Cardwell đến Townsville. Ở ngoài các thành phố lớn, phương tiện công cộng của Úc cũng không thuận tiện gì cho lắm. Vì Úc rộng lớn quá. Nguyên 1 chuyến tàu hỏa mà chỉ cho đúng 1 chiếc xe đạp lên. Không có chỗ cho chiếc thứ 2.
Anh luật sư về hưu biết chuyện, nói với ông bạn già bị điếc, thỉnh thoảng cũng ngồi ăn với tụi mình, cho tụi mình quá giang. Lionel, ông cụ chỉ mới nói chuyện với tụi mình vài câu, đồng ý ngay. Thế là hôm sau tụi mình khăn gói lên đường đến Townsville.
Dọc đường đi, ông cụ còn dừng lại ở ruộng khóm (thơm) chỉ cho tụi mình coi cách người ta trồng khóm. Rồi thấy 1 xe tải bán đồ nông sản, cũng dừng lại mua mấy trái thơm, đu đủ, mật ong. Rẻ hơn trong siêu thị rất nhiều mà ngon và tươi hơn. Xin nói thêm là ông cụ Lionel bị điếc nhưng biết cách đọc qua cử động của môi (lip reading) nên tụi mình vẫn giao tiếp bình thường. Nghe theo lời tư vấn của anh luật sư về hưu, tụi mình mua 1 thùng bia XXXX Gold làm quà cảm ơn đến ông cụ.
Ông cụ Lionel và Fraser ở cánh đồng trồng thơm
Đến Townsville, tụi mình ở Warmshower nhà 1 đôi vợ chồng người Úc, Jenny và Michael. Họ có 1 cửa hàng xe đạp tên The Bicycle Pedlar. Họ tiếp đón rất nhiều dân du lịch bằng xe đạp trên thế giới. Ngay cả khi tụi mình nói muốn bán xe đạp, mua xe máy, họ vẫn vui vẻ cho tụi mình ở lại. Dĩ nhiên hoàn toàn miễn phí. Sau hàng tháng trời ngủ lều, lần đầu tiên tụi mình được ngủ trong 1 căn phòng đàng hoàng.
Lúc mới đến mình không chắc là tụi mình có phòng riêng. Nhiều người có thể chỉ cho tụi mình dựng lều ở phía sau vườn nhà. Hoặc ngủ trên ghế salon trong phòng khách. Nhưng Jenny và Michael thì dành sẵn cho tụi mình một phòng ngủ riêng, to y chang phòng ngủ của họ. Toilet và nhà tắm kế bên, cũng dành riêng cho tụi mình. Nước nóng, khăn tắm, dầu gội, máy giặt,…không thiếu thứ gì. Nhà cửa mới toanh, sạch đẹp, sang trọng.
Jenny và Michael, chủ cửa hàng xe đạp The Bicycle Pedlar ở Townsville. 2 người Úc tốt bụng tiếp đón tụi mình nồng hậu trong 4 ngày.
Jenny còn nấu ăn tối cho tụi mình trong thời gian tụi mình ở đó. Cà ri rau củ, sườn cừu nướng, khoai tây trộn,…Mình ngại quá nên xung phong nấu một bữa phở bò Việt Nam. Lần đầu tiên nấu phở không như ý muốn nhưng ai cũng phải khen 🙂
Dù không bán đồ cũ, Michael và Jenny đồng ý bán dùm tụi mình 2 chiếc xe đạp. Tiền bán được họ chuyển khoản khi tụi mình đã đến Sydney.
Michael và mình chụp trước cửa tiệm khi chia tay
Trong 1 lần đang đi xe máy từ Byron Bay đến Port Macquarie, tụi mình gặp 1 anh cũng phi xe máy nhìn siêu hầm hố đi phía trước. Đến chỗ đèn xanh đèn đỏ, quay qua bắt chuyện với tụi mình. Xong tự động nói “Tui đi theo 2 người, đi đến đâu hay đến đó” (?!?). Vậy là tự nhiên tụi mình có bạn đồng hành.
Anh này làm ở vùng mỏ bên Perth. Anh nói bên đó trả lương rất cao, người Việt làm quá trời. Chỉ cần biết chạy xe, lau dọn là một tháng được 5-6 ngàn đô Úc. Làm 4 tuần, nghỉ 2 tuần. Mỗi lần nghỉ 2 tuần thì được chọn điểm đến. Anh vừa mua vé cho mấy người Việt làm chỗ anh qua Bali (Indonesia) chơi nè. Nghe xong mình chỉ muốn đến Perth làm lau dọn ngay lập tức!
Về sau tìm hiểu kỹ hơn 1 chút từ người quen thì mới biết công việc đó gọi là FIFO job. Muốn làm việc phải có bằng lái xe và working visa. Hơn nữa, chi phí ở Perth rất đắt đỏ do có ngành công nghiệp khai khoáng. Nên nghe rất lý tưởng nhưng chưa chắc đã là kèo thơm.
Anh motorist “đòi” đi chung với tụi mình 1 đoạn 🙂
Càng đi về phía nam, về phía các thành phố lớn, người dân cũng ít cởi mở hơn so với vùng phía bắc Úc. Tuy nhiên, có 1 điểm tụi mình nhận thấy ở xuyên suốt nước Úc đó là: 90% người lạ đi ngoài đường luôn gật đầu, cười, chào mình. “Hi”, “Hello”, “Morning”, “How are you?”
Trong 1 lần trò chuyện, mình có hỏi anh luật sư về hưu Andrew là “Người Úc có kỳ thị không?”.
Câu trả lời của anh là vầy.
“Tụi tui muốn tin là tụi tui không có kỳ thị. Tụi tui kỳ thị đó, nhưng mà nói đúng ra, tụi tui có cái lối nói chuyện và cư xử theo kiểu hài hước đen tối một chút (dark humour).
Ví dụ: nếu cô bước vô một quán bar, quán ăn hay nơi nào đó, tụi tui sẽ “nắn gân” cô ngay. Tụi tui sẽ nói “Ê, nhỏ kia đi lạc đâu đây?” chẳng hạn. Tùy theo cách cô phản ứng mà tụi tui sẽ đánh giá cô. Nếu cô tự ti, quê độ, cắm mặt không nói gì hay bỏ đi thì tụi tui sẽ coi thường cô lắm. Nhưng nếu cô biết cách đáp trả lại bằng một câu nói đùa. Hoặc chứng tỏ cô đủ tự tin, đủ bản lĩnh ở chỗ đông người, thì tụi tui sẽ rất vui vẻ mà nói chuyện làm quen với cô.
Hơn nữa, tụi tui chỉ kỳ thị những người sống ở Úc mà không nói tiếng Úc, không cố gắng thích nghi văn hóa của người Úc. Những người chỉ biết co cụm lại với nhau, nói tiếng bản xứ, chơi với dân bản xứ, sống ở khu vực riêng của họ mà không mở rộng quan hệ,…Những người đó, tụi tui rất kỳ thị.”
Mình kết bài này bằng một nhận xét khác của Eric, một ông cụ người Úc tụi mình gặp ở chỗ cắm trại Flying Fish Point:
“Mấy cô người Việt tui gặp lúc nào cũng mang giày cao gót, mặc đầm bó sát đi đỏng đảnh mà không biết nói tiếng Anh. Cô không có giống họ chút nào hết. Cho nên dù 2 người ăn chay, không ăn thịt, tui cũng thấy 2 người bình thường. Miễn cô nói được tiếng Anh thì cô không phải là người dị hợm.”
“As long as you can speak English, you are not a weirdo.”