Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Ở đây, mình chỉ xin chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc tự túc vào năm 2015 và 2016 tại văn phòng VFS Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích đi du lịch hay còn gọi là “Thị thực đi thăm Úc” – Diện thị thực 600.

Mình cũng link website chính thức của VFS với các hướng dẫn đầy đủ về visa Úc tại đây. Mọi người vui lòng đọc để có thông tin mới nhất rồi đối chiếu với kinh nghiệm của mình để nộp hồ sơ cho suôn sẻ.

 

* BƯỚC 1: CHUẨN BỊ NHỮNG GIẤY TỜ THEO YÊU CẦU

– 01 Đơn xin visa / Application For A Visitor Visa – Tourist Stream (Form 1419).
Điền đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh và VIẾT CHỮ IN HOA toàn bộ.
– 01 Đơn kê khai quan hệ trong gia đình – Details of Relatives Form.

THÔNG TIN CÁ NHÂN:
– 01 Giấy khai sinh (sao y bản chính).
– 01 Bản photo hộ chiếu gồm tất cả các trang có dấu và trang thông tin cá nhân (sao y bản chính). Nếu ai có nhiều hơn 1 hộ chiếu và đã từng đi du lịch nước ngoài thì photo các trang có đóng dấu của hộ chiếu cũ.
– 01 Bản photo CMND (sao y bản chính).
– 01 Bản photo TẤT CẢ CÁC TRANG sổ hộ khẩu (sao y bản chính).
– 01 Hình thẻ cỡ 3.5cm x 4.5cm (passport size), nền trắng, chụp không quá 6 tháng. Họ cũng chấp nhận hình thẻ 4cm x6cm.

CHỨNG MINH TÀI CHÍNH:
– Sổ tiết kiệm ngân hàng ít nhất từ 150.000.000 VND trở lên (sao y bản chính/bản in online).
– Bản sao kê giao dịch ngân hàng của 3 tháng gần nhất (nếu có)
– Chứng nhận sở hữu nhà cửa, đất đai, cửa hàng,…(nếu có) thì photo, sao y bản chính 1 bản.
– Giấy xác nhận của công ty về công việc hiện tại bao gồm các chi tiết: chức vụ, mức lương, địa chỉ công ty, số điện thoại công ty, người liên hệ. (Giấy này Phòng Nhân Sự của công ty sẽ cấp nếu bạn yêu cầu.)
– Giấy xác nhận nghỉ phép của công ty trùng khớp với thời gian bạn đi Úc. (Phòng Nhân Sự cũng sẽ cấp giấy này/ in ra từ hệ thống của công ty)

LỊCH TRÌNH ĐI CHƠI:
Dân du lịch tự túc luôn lên kế hoạch khá chi tiết về chuyến đi sắp tới của mình. Nhưng nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể tạm thời điền vào những nơi bạn muốn đi. Kinh phí dự trù cũng ước chừng. Bạn có thể tham khảo lịch trình mẫu gần 3 tuần ở Úc của mình ở đây “Lịch trình đi Úc”

* BƯỚC 2: CHUẨN BỊ TIỀN MẶT ĐỂ ĐÓNG PHÍ THỊ THỰC KHI NỘP ĐƠN

Phí thị thực: 140 AUD hoặc 2,470,000 VND/người + 482,000 VND phí dịch vụ VFS (bắt buộc) = 2,952,000 VND

Có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Tuy nhiên, để tránh phí phát sinh và những phiền phức có thể xảy ra, nên thanh toán bằng tiền VND, tiền mặt.

* BƯỚC 3: ĐẶT LỊCH HẸN

– Có thể đặt lịch hẹn trực tuyến tại đây
– Hoặc điện thoại theo số 1900565639
– Hoặc email đến info.auvi@vfshelpline.com

Thời gian nộp hồ sơ từ 8.30am – 15.00 pm. Từ thứ Hai – thứ Sáu.

* BƯỚC 4: NỘP HỒ SƠ

Địa chỉ nộp hồ sơ
* TP.HCM: Resco Tower (Lầu 5), 94-96 Nguyễn Du, Quận 1.
* Hà Nội: Gelex Tower (Lầu 3), 52 Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng.
* Đà Nẵng: ACB Tower, 218 Bạch Đằng, Quận Hải Châu.

– Đến sớm 10 phút. Lấy số thứ tự.
– Chỉ người nộp đơn được phép vào khu vực nộp đơn.
– Mang theo đồ gọn nhẹ vì họ không cho mang thiết bị điện tử, …vào khu vực nộp đơn. Chỉ có 1 hộc rất nhỏ để cất đồ cá nhân trước khi vào.
– Thời gian chờ đến phiên mình thường mất khoảng 30 phút – 1 tiếng. Họ không nghỉ trưa. Nhận hồ sơ liên tục từ 8.30 am – 15.00 pm. Theo lịch hẹn.
– Khi nộp đơn, Lãnh sự quán sẽ không giữ passport của bạn như các nước khác.
– Sau khi nộp đơn và đóng phí thị thực, ngồi chờ để chụp hình và lấy dấu vân tay (thu thập dữ liệu sinh trắc học).
– Nhận hóa đơn với các thông tin liên quan (ngày nộp hồ sơ, phí đã thu, VLN No…).

* BƯỚC 5: KIỂM TRA TÌNH TRẠNG HỒ SƠ

– Sau 3 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn, bạn có thể kiểm tra tình trạng hồ sơ của mình ở đây. Chỉ cần điền vào mã số tham chiếu hồ sơ (VLN No./Tracking ID) trên hóa đơn và Ngày tháng năm sinh (DOB).

– Khi visa được cấp, Lãnh sự quán sẽ gửi 1 lá thư chấp thuận qua email cho bạn (Visa Grant Notice). Đọc kỹ để kiểm tra lại thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, số passport,…) xem có sai sót gì không. Nếu tất cả đều chính xác thì chúc mừng bạn, bạn đã nhận được visa Úc.

– In lá thư Visa Grant Notice này ra, mang theo khi đi Úc. Điều này chỉ để phòng hờ vì visa không được dán trên passport. Tuy nhiên, tất cả thông tin đều được lưu trên hệ thống nên khi đến Úc, bạn không cần phải lo lắng gì cả.

 

VÀI GHI CHÚ KHÁC:

– Nộp đơn xin visa sớm nhất là 3 tháng, trễ nhất là 1 tháng trước ngày dự định đi. Mình thường nộp sớm trước khoảng 3 tháng.
– Thời gian tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ khoảng 4 tuần. Tuy nhiên, nếu hồ sơ đầy đủ điều kiện, họ sẽ cấp rất nhanh. Trong trường hợp của mình thì visa đi Úc lần đầu được cấp sau 3 ngày (single entry). Lần 2 được cấp sau 1 tuần (multiple entry) kể từ ngày nộp hồ sơ. Không cần bổ sung thêm giấy tờ gì hết.
– Tất cả các giấy tờ bằng tiếng Việt thì KHÔNG cần dịch sang tiếng Anh. Riêng các mẫu đơn bằng tiếng Anh thì phải điền bằng tiếng Anh.
– Visa được cấp sẽ có giá trị trong vòng 1 năm, kể từ ngày cấp.
– Xem kỹ ngày cuối cùng bạn được vào Úc (Last Date to Arrive). Biết ngày này để sắp xếp nếu có thay đổi kế hoạch đi chơi.

Ví dụ: Ngày cuối cùng đến Úc là 13/09/2018 thì bạn vẫn có thể bay đến Úc vào ngày 13/09/2018 (ngày cuối cùng visa còn hiệu lực) và ở lại 3 tháng sau đó ra khỏi Úc bình thường.

– Visa có hiệu lực ngay sau khi được cấp nên nếu muốn đến Úc sớm hơn dự định bạn cũng đi được.
– Nếu là visa 1 lần (single entry) thì sau khi đến và rời Úc, visa tự động hết hiệu lực (dù vẫn còn thời hạn trên giấy tờ).
– Nếu là visa nhiều lần (multiple entry) thì mỗi lần đến Úc, bạn được ở lại 3 tháng, sau đó phải rời Úc rồi mới được quay lại. Dĩ nhiên, vẫn phải trong thời hạn visa còn hiệu lực.

Như đã đề cập, mình chỉ chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc cho những bạn muốn xin tự túc với mục đích du lịch. Thông tin này chỉ áp dụng cho người mang quốc tịch Việt Nam, đang sống tại Việt Nam và nộp đơn xin visa Úc trong lãnh thổ Việt Nam. Những trường hợp khác thì xem thông tin hướng dẫn của VFS trên website của họ.

Mọi người có thể xem thêm VISITOR visa checklist. Version 010717 của Lãnh sự quán Úc tại Việt Nam ở đây.

 

 

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Tất cả những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình trải qua sau khi sống ở Indonesia (Java, Bali) hơn 8 tháng với người địa phương. Ở Java, tụi mình chỉ nhận xét từ sân bay Juanda (Surabaya) đến Banyuwangi (điểm cuối của đảo Java trước khi qua Bali). Về Bali, do tụi mình đã đi chơi vòng quanh đảo, những chia sẻ này có thể áp dụng cho toàn Bali.

I. ƯU ĐIỂM

1. Chi phí sinh hoạt rẻ:
– Tùy theo điểm đến mà giá sẽ chênh lệch khác nhau. Bali là đảo du lịch, đắt đỏ nhất Indonesia, đắt hơn Việt Nam. Các vùng còn lại, chi phí rẻ hơn Việt Nam.
– Khách sạn: ở Java, giá từ US$ 17/đêm/phòng 2 người. Ở Bali, giá từ US$ 10/đêm/phòng 2 người.
– Thức ăn: ở Java, giá từ US$ 0.5/món, ở Bali, giá từ US$ 1.5/món.
2. Khá an toàn, nạn cướp bóc, giật dọc trên đường phố không thấy.
3. Là nước Hồi giáo nhưng không câu nệ cách ăn mặc của phụ nữ. Rất nhiều phụ nữ trên đường không đội khăn hijab, mặc quần short, áo sát nách,…Mình chạy xe ở Java cũng mặc quần short mà từ già đến trẻ đều rất vui vẻ, thân thiện vẫy tay nói “hello” hoặc “take care”.
4. Người dân thân thiện, đằm tính.
5. Cảnh đẹp tự nhiên:
– Đa dạng: núi, núi lửa, biển, cao nguyên, hồ trên núi, hồ núi lửa, hồ axit, ruộng bậc thang, thác nước, hang động, rừng mưa nhiệt đới, thung lũng, đồng bằng,…
– Có nhiều loại bãi biển: cát trắng (Bandawa), cát đen (Amed, Lovina,…), cát vàng (Nusa Dua, Sanur,…), đá (Tulamben),…
– Rất nhiều đảo (ít nhất 13 ngàn cái đảo). Khung cảnh, văn hóa hoàn toàn khác nhau. Đảo Komodo với rồng komodo là nơi duy nhất trên thế giới loài vật này tồn tại.

sanur_beach_bali

Biển Sanur

tulamben_beach_bali

Biển Tulamben

lovina_beach_bali

Biển Lovina

6. Thiên đường lướt sóng và lặn biển (scuba diving và free diving).
7. Có vài ngôi đền nằm trong danh sách các ngôi đền đẹp và nổi tiếng nhất thế giới (Boroduru, Prambanan,…)
8. Thường xuyên có các lễ hội nho nhỏ diễn ra ở các ngôi đền, hàng tuần. Thậm chí những đền đông du khách, họ tổ chức hàng ngày. Những lễ hội lớn như Melasti, Nyepi, Galungan, Kuningan,…đầy màu sắc, nhiều nghi thức thú vị.

Galungan bali

Trang trí ngày lễ Galungan

9. Trái cây ngon, khá rẻ (đu đủ, thanh long đỏ và chanh dây siêu ngon,…)

10. Cá ở Bali rất tươi, ngon và rẻ. Phổ biến nhất là cá chuồn (mahi-mahi) và cá ngừ (tuna)

mahi_mahi_Jimbaran_bali

1 phần cá chuồn nướng ở Lila Cafe, Jimbaran (90 ngàn IDR + cơm+xà lách+3 loại nước chấm)

 

yellow_fin_tuna_salad_soul_in_the_bowl_sanur

Yellow fin tuna salad ở Soul in A Bowl, Sanur. Siêu ngon. 70 ngàn IDR.

11. Dễ dàng thuê xe máy với giá IDR 50 ngàn/ngày (khoảng 100 ngàn VND). Thuê tháng sẽ rẻ hơn, tùy nơi.
12. Giá xăng rẻ hơn Việt Nam một chút. Khoảng 8 ngàn IDR/lít (16 ngàn VND).
13. Miễn visa du lịch cho người Việt 30 ngày.

II. KHUYẾT ĐIỂM

1. Cơ sở hạ tầng kém:
– Đường sá tệ, ổ gà tùm lum.
– Không có lề đường cho người đi bộ.
– Không thấy nhà vệ sinh công cộng.
– Jakarta kẹt xe nổi tiếng thế giới. Ngập lụt có khi gần 1 tuần nước mới rút. Trẻ em phải nghỉ học ở nhà.
– Bali đường nhỏ, vòng vèo, xe hơi nhiều hơn xe máy nên cũng kẹt xe ở những khu vực đông khách du lịch.
2. Phương tiện giao thông công cộng gần như không có. Chỉ có Go-jek là OK.
– Taxi sân bay chặt chém, giành khách.
– Xe buýt rất ít tuyến.
– Phà đôi khi bị chìm.
– Cấm Uber, Grab ở nhiều điểm du lịch phổ biến.

3. Wifi không ổn định. Hầu hết các nơi wifi khá yếu. Nên mua sim 4G để dùng.
4. Đồ ăn địa phương dở.
– Các món phổ biến nhất là cơm chiên (nasi goreng), mì xào (mie goreng), miến gà (soto ayam), satay (thịt xiên que), mie bakso (mì bò viên), nasi campur (cơm trộn các loại), capcap (rau xào các loại),…
– Ở vùng có khách du lịch sẽ có nhiều lựa chọn hơn với các món ăn quốc tế.
– Ở Java và hầu hết Indonesia, không bán thịt heo vì là nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới.
– Ở Bali phần đông dân theo đạo Hindu nên có món heo sữa quay (babi guling) khá nổi tiếng. Ngoài ra cũng có thể tìm thấy thịt heo trên thực đơn ở Bali.
5. Dịch vụ cho du khách ở Java rất kém. Không có nhiều lựa chọn và không đáng tiền.

Có lần tụi mình đến 1 resort dòm bên ngoài khá đẹp, có cả hồ bơi. Lúc đó không định viết blog nên không ghi lại tên hay chụp hình gì cả. Sau khi trả 200 ngàn IDR (khoảng 400 ngàn đồng) để ngủ lại 1 đêm xong thì được đưa lên phòng. Cái phòng này máy lạnh gắn âm tường cũ kỹ như từ 50 năm trước, kêu rầm rầm. Phòng tắm vòi sen hư, vòi nước hư, bồn nước trống trơn, bẩn thỉu. Cơ bản là cái phòng tắm mà không thể lấy ra được 1 giọt nước nào! Khi tụi mình yêu cầu đổi phòng thì họ không đổi mà cho người đến sửa…vòi sen. Sửa mãi không xong mà cứ bắt tụi mình chờ.

Mình điên quá nói không ở nữa, đi tìm nơi khác. Khi tụi mình đi ra lấy lại tiền thì họ nói phải trừ phí hủy phòng là 50%! Fraser giận quá làm cho họ 1 trận, lấy đủ tiền lại rồi tụi mình đi nơi khác.

Còn về vụ ăn uống ở Java thì tụi mình bị lừa suốt. Để tiết kiệm, ở những nước khác, tụi mình thường tìm những quán nhỏ, quán cóc ngoài đường để dừng chân. Đói bụng quá thì mới thấy quán nào cũng tấp vô thôi. Theo thói quen ở Thái, tụi mình không hỏi giá trước. Hơn nữa, ở Java chẳng mấy người nói được tiếng Anh. 9/10 quán cóc dọc đường lấy giá cao hơn các quán ăn to, lịch sự. Thật ra, giá vẫn rẻ chứ không phải chặt chém như kiểu 1 dĩa cơm chiên nửa triệu đồng. Nhưng mà vẫn gấp đôi, gấp 3 giá thực tế.

Ví dụ:
– 1 chai nước Fruit Tea Sosro (giống Trà xanh 0 độ của VN mình), trong siêu thị bán 5 ngàn IDR. Ở các quán cóc bán cho mình 10 ngàn IDR. Các quán ăn sang trọng lấy mình 6 ngàn IDR

– Nhều khách sạn ở Java đòi phải có giấy đăng ký kết hôn mới cho thuê phòng nam nữ ở chung.

6. Dịch vụ ở Bali làm khá tốt.
Tuy nhiên, ở trước những ngôi đền nổi tiếng, những điểm nhiều khách du lịch đến thăm, có 1 đội ngũ chuyên làm tiền du khách.

Ví dụ:
– Khi đến đền Besakih, cách đền chừng 1 cây số đã có 1 cái gác thu tiền vé vào cửa (người và xe). Sau đó, đến cổng chào sẽ thấy 1 nhóm người yêu cầu mình dừng lại để xe. Thường dân du lịch hay mặc quần short đi chơi, nhóm này sẽ yêu cầu thuê xà rông, nếu không họ không cho mình đi lên đền. Những người này cực kỳ hung hăng và nói được tiếng Anh nên rất mệt. Nếu mình biết, cứ chạy tiếp (hơn 500m) thì tới đền.

besakih_temple_bali

Dọc đường lên đền rất nhiều tiệm bán quần áo, đồ lưu niệm.
Do đó, nên mặc quần dài, áo có tay khi đến thăm các ngôi đền để tránh phiền phức.

– Khi đến gần núi Agung, ngọn núi cao nhất ở Bali, sẽ có vài người ra hỏi mình leo núi Agung hả? Nếu nói ừ, họ sẽ nhất định bắt mình thuê hướng dẫn lên núi, vì lý do an toàn (?!?). Thật ra, đó chỉ là 1 cách khác để làm tiền du khách. Những người này cũng siêu hung hăng nên mọi người cần mềm mỏng khi chạm trán họ.

– Ở ruộng bậc thang Tegalalang Rice Terrace, Ubud: đi vô 1 chút sẽ gặp 1 người chặn lại xin “ủng hộ” (donation), nhiêu cũng được. Người đó nhìn như ăn mày, có cái cây tre chặn mình lại như kiểu chặn qua cổng thu phí, kế bên thùng tiền “ủng hộ”.

Đi đến hơn nửa đoạn đường sẽ gặp tiếp 1 người cũng chặn lại, xin tiền “ủng hộ”. Bao nhiêu cũng được. Tụi mình đi đến đoạn này thì cương quyết không ủng hộ gì hết.

– Có vài người bạn nhờ mình thiết kế tour Bali. Hỏi thăm vài người Indo quen ở đây để thuê xe và tài xế. Sau khi đưa lịch trình, hơn 3 ngày chẳng thấy trả lời. Nhắc hỏi thì nói bận quá, đợi khoảng 1 tuần nữa mới báo giá!?!

– Dịch vụ giặt ủi: mới đầu họ tưởng mình người Indo, lấy 6 ngàn IDR/kg đồ (không ủi). Mình trả tiền trước, lấy biên nhận. Đến lúc lấy đồ, Fraser đi lấy bị bắt trả tiền thêm lần nữa vì trong biên nhận không ghi đã thanh toán. Đi tiệm khác, giá bên ngoài ghi 4 ngàn/kg nhưng đòi thu 10 ngàn/kg. Fraser hỏi sao bảng hiệu ghi 4 ngàn? Cuối cùng thống nhất là 6 ngàn/ kg!

– Khi đổ xăng ở các cây xăng, luôn luôn phải nhìn đồng hồ xem có trở về số 0 chưa. Khi trả tiền, dòm tổng số tiền. Khi lấy lại tiền thối, phải đếm cho đủ. Nhân viên cây xăng ở nhiều nơi có rất nhiều chiêu y như cây xăng ở Việt Nam.

– Đổi tiền ở các quầy đổi tiền càng hết sức cẩn thận. Rút tiền ở cây ATM cũng vậy.

7. Hệ thống hành chính rườm rà, bất hợp lý. Luật lệ không thống nhất và thay đổi liên tục. Ví dụ:

– Lúc đến sân bay Juanda (Surabaya, Java), tụi mình không phải điền bất cứ cái form nhập cảnh hay giấy tờ gì hết. Ở sân bay Ngurah Rai (Denpasar, Bali) thì phải điền form hải quan.
– Xin social visa ở lãnh sự quán Indo ở Singapore sẽ được cấp thời hạn 2 tháng, sau đó gia hạn thêm 4 lần. Tổng cộng được 6 tháng.
– Xin ở lãnh sự quán Indo ở Malaysia chỉ được cấp thời hạn 1 tháng, sau đó gia hạn thêm 4 lần. Tổng cộng được 5 tháng.
– Nếu xin ở lãnh sự quán Indo tại Bangkok sẽ không được cấp social visa lần 2. Tốn tiền bay ra khỏi Indo mà không xin được visa gì hết.
8. Cảnh sát giao thông thường xuyên chặn lại hỏi giấy tờ xe không có lý do.
9. Hệ thống y tế kém hơn Việt Nam.
Vô mấy nhà thuốc ở Bali, khai bệnh gì họ cũng đưa cho 1 đống thứ thuốc đắt tiền và gần như vô dụng hoặc có hại. Ví dụ:
– Khi mình bị đau mắt đỏ, hôm đầu tiên mình muốn mua 1 chai nước nhỏ mắt Natri Clorid 0.9% để rửa sạch mắt xem tình hình thế nào rồi mới uống thuốc. Họ chỉ bán các chai thuốc hiệu V-Rohto và dành cho mắt khô,…mắc khủng khiếp. Cuối cùng mình phải đi bệnh viện mắt.
– Mình bị té xe máy, đầu gối trầy sâu, trông hơi sợ. Fraser cuống cuồng đi mua thuốc và đồ băng bó về cho mình. Vô tiệm giải thích rồi hỏi cần mua gì. Họ đưa cho 2 vĩ thuốc Amox, 1 cuộn băng keo Đức, 1 chai kem Tea Tree của Úc dùng để xức ngoài da và 1 chai cồn alcohol 70%!

Chai kem Tea Tree hơn 500 ngàn đồng/chai, mà chỉ để xức khi da bị ngứa, tuyệt đối không dành cho vết thương hở! Mình phải nói Fraser đi mua lại betadine và băng gạc y tế tiệt trùng để về rửa vết thương với nước muối. Thề không bao giờ tin cái tụi nhà thuốc ở Bali.

– Còn nghe 1 anh bạn người Ireland kể: có bác sĩ ở bệnh viện công bán nước ép măng cụt cho bệnh nhân với giá US$ 20/chai và nói có đủ thứ công dụng tốt cho sức khỏe!

– Một em Ireland khác thì kể khi đi phòng khám tư ở Bali, em cũng trả giá bác sĩ nữa!

10. Hầu hết các ngôi đền không cho vào khu vực chính nếu mình không mặc đồ truyền thống của người Bali, ngay cả khi mình mặc đồ dài tay lịch sự. Nếu mặc đồ ngắn, áo sát nách thì dĩ nhiên không cho vào cửa.

TÓM LẠI:

Để tránh những điều bất tiện:
– Hỏi giá trước khi ăn, uống, ở.
– Kiểm tra kỹ hóa đơn tính tiền, tiền thối. Luôn cẩn thận tiền bạc.
– Mua hàng ở những nơi có giá, có cân và đừng ngại trả giá ở những nơi không ghi giá.
– Nếu phát hiện tiền thối thiếu, hóa đơn tính tiền sai,…cứ hỏi lại. Tụi mình lần nào cũng lấy lại được đủ tiền hết.

Khoảng cách giàu nghèo ở Indonesia khá lớn. Hầu hết người dân vẫn còn rất nghèo. Do đó, khi thấy khách du lịch (=người giàu), họ sẽ không ngần ngại kiếm thêm chút tiền đi chợ ngày hôm đó. Ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng vậy. Khách du lịch lúc nào cũng là con mồi béo bở cho người kinh doanh địa phương. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu, người đàng hoàng, người cơ hội.

Dù vậy, tụi mình vẫn gặp người tốt nhiều hơn người không tốt ở Indonesia.

Bác chủ nhà nghỉ Sanur Bagoes Guesthouse nơi tụi mình ở siêu dễ thương và đàng hoàng. Giá căn studio rộng rãi, đẹp đẽ, sạch sẽ, đầy đủ nội thất và bao gồm tất tần tật điện nước, lau dọn 2 lần/tuần mà chỉ có US$ 270/tháng.

Một tiệm tạp hóa mình hay mua đồ hàng ngày nấu ăn, lúc nào cũng bán đúng giá cho mình. Bất kể mặt hàng gì, rau củ, gia vị, hoa,…Tiệm trái cây ở gần nhà cũng vậy, luôn cân đúng ký, bán đúng giá. Trái cây nào không tươi còn không muốn bán cho mình dù mình thích ăn trái cây hơi chín quá 1 chút.

Cảnh sát giao thông gọi tụi mình vô 4 lần/6 tháng để kiểm tra giấy tờ xe. Dù không có bằng lái Indonesia và không đưa tiền đút lót, họ vẫn để tụi mình đi, không làm khó gì hết. Còn kêu lái xe cẩn thận.

Hôm mình bị té xe giữa 1 cái làng gần núi, chả quen biết ai, còn gần 80 cây số mới về tới nhà, mặt mũi, tay chân máu chảy ròng ròng. Những người địa phương xa lạ ở đó đã ra giúp mình. Lấy nước rửa vết thương, mang thuốc betadine tới xức. Khi mình đề nghị trả tiền thuốc, họ cương quyết không lấy.

Khi mình quyết định chạy tiếp về nhà, dọc đường đi, rất nhiều người chạy theo hoặc dừng lại hỏi (khi mình dừng xem bản đồ) xem mình có sao không? Có cần đi bệnh viện không?…

KẾT LUẬN: Những chỗ nhiều khách du lịch sẽ xô bồ, bon chen, phức tạp. Những nơi bình thường khác, người dân và cuộc sống ở Indonesia rất vui vẻ, thân thiện, thoải mái.

Nơi nào, quốc gia nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Tùy vào suy nghĩ và thái độ của mình mà con người và vùng đất đó sẽ tiếp đãi mình như thế nào. Mình luôn tin rằng “thái độ tích cực sẽ thu hút những điều tích cực”. Và mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, một cơ hội học hỏi, khám phá nhiều điều mới.

Mong mọi người có nhiều kỷ niệm vui khi đi du lịch Indonesia.

 

 

?

Các Bài Viết Về Indonesia

Bali – Đảo Thiên Đường

Bali - Đảo Thiên Đường (Paradise Island)   Bali là vùng đất rất thanh bình, người dân thân thiện, mức sống vẫn còn đang phát triển nên chi phí sinh hoạt thấp. Đặc biệt Bali rất an toàn. Nhiều nơi nhà ở không cần khóa cửa. Xe để ngoài đường không cần khóa cổ. Bali...

A glimpse of East Java, Indonesia – Vài Hình Ảnh ở đảo Java, Indonesia

A GLIMPSE OF EAST JAVA, INDONESIA - VÀI HÌNH ẢNH Ở ĐẢO JAVA, INDONESIA With a population of over 141 million (the island itself) as of 2015 Census released in December 2015, Java is home to 56.7 percent of the Indonesian population and is the most populous island on...

Temples In Bali – Những Ngôi Đền Ở Bali, Indonesia

TEMPLES IN BALI - NHỮNG NGÔI ĐỀN Ở BALI 1. Tanah Lot Address: Beraban, Kediri, Tabanan Regency, Bali, Indonesia. Open hours: 7AM - 7PM Entrance fee: 70.000 IDR/person 2. Pura Besakih Address: Desa Besakih, Rendang, Besakih, Rendang, Kabupaten Karangasem, Bali 80863,...

10 Quán Ăn Ngon Ở Sanur

Sau khi đi chơi 1 vòng quanh đảo với gia đình, tụi mình may mắn thuê được 1 căn hộ dạng studio rất thoải mái ở Sanur. Bác chủ nhà siêu dễ thương, giá thuê quá tốt, vị trí lại cực kỳ thuận lợi để đi bất cứ đâu. Thế nên tụi mình chỉ ở chỗ đó cho đến ngày rời Bali. Do...

5 Quán Ăn Ngon Ở Ubud

Ubud có vô số các quán ăn ngon. Tuy nhiên, với tiêu chí ngon và giá hợp lý, đáng tiền. Tụi mình lọc lại 5 quán ưa thích sau ở Ubud, Bali, Indonesia. 1. WARUNG IGELANCA Địa chỉ: Jl. Raya Ubud, Padangtegal Kaja, Ubud, Gianyar, Kabupaten Gianyar, Bali 80571. +62 361...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Tất cả những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình trải qua sau khi sống ở Indonesia (Java, Bali) hơn 8 tháng với người địa phương. Ở Java, tụi mình chỉ nhận xét từ sân bay Juanda (Surabaya) đến Banyuwangi (điểm cuối của đảo Java trước khi qua Bali). Về Bali, do tụi...

Balinese Offerings – Nghi Thức Thờ Cúng Của Người Bali

BALINESE OFFERINGS - NGHI THỨC THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI BALI Balinese Offerings (Canang sari) are offered every day as a form of thanking for the peace given to the world. It is the simplest daily household offering. Canang sari will be seen in the Balinese temples (pura),...

Nyepi – Tết Bali với lễ hội đón mừng năm mới Melasti & Bhuta Yajana

Tụi mình may mắn vẫn ở Bali vào thời điểm Tết cổ truyền của họ năm nay. Đây là ngày tết mừng năm mới rất đặc biệt. Không giống như các nơi khác trên thế giới, mọi người thường vui chơi, hội hè với các hoạt động náo nhiệt; Nyepi ở Bali là ngày tất cả mọi người trên đảo...

Balinese Doors – Những Cánh Cổng Ở Bali, Indonesia (2)

BALINESE DOORS - NHỮNG CÁNH CỔNG Ở BALI (2) Beautiful Balinese doors I've captured on the trip around this island (updated). Những cánh cổng ở khắp đảo Bali mình chụp được trên đường đi chơi vòng quanh đảo (tt). facebook Instagram...

Balinese Doors – Những Cánh Cổng Ở Bali, Indonesia

BALINESE DOORS - NHỮNG CÁNH CỔNG Ở BALI, INDONESIA Beautiful Balinese doors I've captured on the trip around this island. Những cánh cổng đẹp ở Bali mình chụp trên đường đi chơi vòng quanh đảo. DENPASAR SANUR SEMINYAK UBUD AMED GEROKGAK - LOVINA GILIMANUK facebook...

Review 4 Nước Đông Nam Á: Campuchia, Thái Lan, Malaysia & Singapore

Review 4 Nước Đông Nam Á: Campuchia, Thái Lan, Malaysia & Singapore

Review 4 Nước Đông Nam Á: Campuchia, Thái Lan, Malaysia & Singapore

Sắp ra khỏi châu Á rồi mới ngồi nhìn lại những cái thích và không thích ở những nước đã đạp xe qua. Những ưu, khuyết điểm này chỉ được nhìn nhận dưới góc độ du lịch bụi, chi phí tiết kiệm và đánh giá sau khi đi qua nhiều vùng, thành phố trong cả nước đó (hầu hết là vùng sâu, vùng xa). Bài này chỉ xin nói đến 4 quốc gia: Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

I. CAMPUCHIA

ƯU
1. Chi phí rất rẻ: rẻ hơn Sài Gòn & Hà Nội.
– Khách sạn: giá từ US$ 5/đêm/phòng 2 người.
– Thức ăn: giá từ US$ 1/món.
2. Người dân địa phương hiền lành, lịch sự. Nói được tiếng Anh khá phổ biến.
3. Có thể sử dụng cả tiền Riel hoặc tiền USD ở khắp Campuchia.
4. Mua sim 4G rẻ và dễ. Khoảng US$ 3/sim, nạp thêm tiền tùy ý.
5. Có những điểm du lịch rất đáng đến thăm: Angkor Wat (Siem Reap), cánh đồng chết (Choeung Ek Genocidal Center, Phnom Penh), nhà tù S21 (Tuol Sleng Genocide Museum, Phnom Penh), Kampot,…
6. Có thể đi về trong cuối tuần.
7. Miễn visa du lịch cho người Việt 30 ngày.

KHUYẾT
1. Nhân viên cửa khẩu đường bộ hay làm tiền khi nhập cảnh. Lần cuối cùng tụi mình vượt biên giới Xà Xía (Hà Tiên) – Prak Chark (Kampot), mình phải đưa 50 ngàn VND mới đóng dấu cho mình. Fraser phải trả thêm US$ 5 khi lấy visa on arrival, giá chính thức chỉ là US$ 30.
2. Đồ ăn địa phương khá dở và ít lựa chọn, trừ các khu du lịch.
3. Phải trả giá các dịch vụ, kể cả khách sạn.
4. Phương tiện giao thông công cộng hầu như không có.
5. Wifi không ổn định. Nhiều nơi không có.
6. Nhà vệ sinh công cộng ít thấy và thường không sạch sẽ tí nào.

 

II. THÁI LAN

ƯU
1. Người dân văn minh, lịch sự, đằm tính.
2. Cơ sở hạ tầng rất tốt và thuận tiện:
– Đường sá rộng rãi, chất lượng cao.

bang_chi_duong_thailan

– Nhà vệ sinh miễn phí có ở gần như tất cả các cây xăng, khá sạch sẽ.
– Các cửa hàng tiện lợi, nhất là 7-11, ở khắp hang cùng ngõ hẻm.
– Có các trạm dừng chân miễn phí dọc đường.

tram_nghi_doc_duong_thailand

3. Đồ ăn:
– Ngon, nhiều lựa chọn, dễ ăn, gần giống khẩu vị người Việt.
– Trái cây ngon (mây thái, xoài,…), rẻ, dễ mua, ở khắp nơi.

May_thai_salak

4. Chi phí rất rẻ: ở hầu hết các nơi, ngang bằng hoặc rẻ hơn Sài Gòn & Hà Nội.
– Khách sạn: giá từ US$ 8/đêm/phòng 2 người.
– Thức ăn: giá từ US$ 1/món.
5. Phương tiện giao thông công cộng khá tốt, rẻ và dễ sử dụng:
– Xe buýt, xe songthiew, tàu thủy trên sông, tàu lửa, xe ôm, xe điện BTS, MRT (subway, skytrain),…

Songtheow_thailan

1 chiếc xe songtheow ở Songkhla, Thái Lan

– Có thể dễ dàng thuê xe máy. Giá khoảng 120 THB/ngày (khoảng 80 ngàn VND/ngày)
6. Wifi khá phổ biến và mạnh.
7. Thiên đường mua sắm cho các sản phẩm địa phương giá rẻ, chất lượng khá tốt (Chợ cuối tuần Chatuchak, các siêu thị lớn,…)

Cho_Chatuchak_thailan

1 băng nhạc chơi ở chợ cuối tuần Chatuchak

8. Nhiều điểm du lịch đẹp: Chiang Mai, các đảo Ko Samui, Ko Phi Phi, Ko Phangan,…
9. Miễn visa du lịch cho người Việt 30 ngày.
10. Vé máy bay từ Việt Nam sang rẻ (AirAsia,…)

KHUYẾT
1. Rất ít người Thái nói được tiếng Anh, ngay cả tại Bangkok.
2. Chó siêu nhiều, ở khắp nơi, cực kỳ hung dữ. Dù vậy, tụi mình không bị cắn hay gặp vấn đề gì hết.
3. Đường ở Bangkok đông đúc, kẹt xe.

 

III. MALAYSIA

ƯU
1. Đồ ăn:
– Rất ngon, nhiều lựa chọn.
– Rất dễ tìm món ăn chay ở Malay (quán Ấn hoặc quán Hoa luôn có món không thịt, cá).

naan_curry

Bánh mì Ấn Độ (naan) chấm 3 loại cà ri chay.

– Một số nhà hàng Ấn Độ mở cửa 24/7.
– Nhiều loại trái cây ngon, rẻ (sầu riêng Guang Musang siêu ngon, măng cụt,…)

2. Cơ sở hạ tầng phát triển.
– Phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố lớn tương đối đa dạng (subway, skytrain, express train,…)

3. TẤT CẢ những nơi tụi mình đến, ở khắp hang cùng ngõ hẻm, đều có người nói được tiếng Anh. Đôi khi là 1 khách hàng trong quán, hàng xóm,…chạy qua phiên dịch giùm.
4. Đa văn hóa, đa cảnh sắc, hầu như thành phố nào cũng đẹp.

Gua_musang_malaysia

Thị trấn Gua Musang, Malaysia

 

Thành phố Raub, Pahang, Malaysia.

5. Giá sinh hoạt tương đối rẻ trong vùng
– Khách sạn: giá từ US$ 15/ đêm/phòng 2 người.
– Thức ăn: giá từ US$ 1/món.
6. Có nhiều tiệm giặt máy tự động, khoảng 10 MYR/lần/5kg quần áo. Wifi tại chỗ miễn phí.
7. Miễn visa du lịch cho người Việt 30 ngày.
8. Vé máy bay đến Malaysia rất rẻ (AirAsia, Malaysia Airlines,…)

KHUYẾT
1. Là nước Hồi giáo bảo thủ với các nguyên tắc ăn mặc dành cho phụ nữ (kể cả du khách). Mình đến đây mặc quần short bị đàn ông ngoài đường nhìn rất thô lỗ (tại nhiều nơi). Một cô bạn người Mỹ của mình còn bị thộp ngực ngay tại Kuala Lumpur bởi một người ăn mày.
2. Vì là nước Hồi giáo, thịt heo không phổ biến. Thịt gà là chính.
3. Wifi yếu, không ổn định. Nên mua sim 3G để sử dụng.
4. Nếu ở gần các đền thờ Hồi giáo (masjid, mosque), sẽ nghe họ bắt loa cầu nguyện 5 lần/ngày. Bắt đầu từ 4 – 5 giờ sáng cho đến tối. Mỗi lần kéo dài có khi cả nửa tiếng. Ai không quen nghe sẽ thấy khó chịu.

 

IV. SINGAPORE

ƯU
1. Cực kỳ phát triển, cực kỳ thuận tiện về hầu hết mọi thứ
– Có các tiệm giặt đồ tự động, 5 SGD/lần/5kg quần áo.
– Phương tiện giao thông công cộng tiện lợi (xe buýt, MRT,…)
– Đi xe đạp thuận tiện và phổ biến. Có các khu vực dành riêng cho xe đạp và khóa.

2. Miễn visa du lịch cho người Việt 30 ngày.
3. Rất tự do, rất an toàn, không sợ giật dọc, cướp bóc.
4. Nhiều điểm du lịch, giải trí miễn phí.
5. Wifi mạnh, phổ biến.
6. Đồ ăn ngon, đa dạng, nhiều lựa chọn.
7. Nước máy (nước phông tên) có thể uống trực tiếp, không cần nấu.

KHUYẾT
1. Là nước có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới từ năm 2014 đến nay.
– Khách sạn: giá từ US$ 25/đêm/giường trong phòng tập thể. Phòng tươm tất dành cho 2 người phải từ US$ 90/đêm.
– Thức ăn: giá từ US$ 5/món.
– Dịch vụ hoặc bất kỳ thứ gì ở đây cũng mắc.
2. Một số người Việt bị từ chối cho nhập cảnh không rõ lý do.
3. Nhiều người già làm công việc phục vụ. Khi ăn uống ở những nơi đó, mình thấy hơi không thoải mái vì ái ngại.

Đây chỉ là những điểm nổi bật mình chú ý khi đi đến 4 quốc gia này. Bài review về Indonesia sẽ được viết riêng vì mình ở lâu hơn, khám phá được nhiều hơn. Nếu ai có kinh nghiệm khác mình hoặc cần review thêm phần nào nữa của 4 nước này thì cứ comment, mình sẽ cung cấp thêm nếu có thể.

 

?

Các Bài Viết về Đông Nam Á

Review 4 Nước Đông Nam Á: Campuchia, Thái Lan, Malaysia & Singapore

Sắp ra khỏi châu Á rồi mới ngồi nhìn lại những cái thích và không thích ở những nước đã đạp xe qua. Những ưu, khuyết điểm này chỉ được nhìn nhận dưới góc độ du lịch bụi, chi phí tiết kiệm và đánh giá sau khi đi qua nhiều vùng, thành phố trong cả nước đó (hầu hết là...

Kinh Nghiệm Qua Cửa Khẩu Các Nước Đông Nam Á

2 đứa mình khởi hành từ Sài Gòn hồi đầu tháng 7/2016, đạp xe liên tục qua biên giới các nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngẫm lại, cũng khá nhiều chuyện vui buồn nơi cửa khẩu. Hôm nay kể lại mọi người nghe chơi. 1. Cửa khẩu Xà Xía...

Kinh Nghiệm Qua Cửa Khẩu Các Nước Đông Nam Á

Kinh Nghiệm Qua Cửa Khẩu Các Nước Đông Nam Á

Kinh Nghiệm Qua Cửa Khẩu Các Nước Đông Nam Á

2 đứa mình khởi hành từ Sài Gòn hồi đầu tháng 7/2016, đạp xe liên tục qua biên giới các nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngẫm lại, cũng khá nhiều chuyện vui buồn nơi cửa khẩu. Hôm nay kể lại mọi người nghe chơi.

1. Cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên, Việt Nam) – Prek Chark (Kampot, Campuchia)

Phía Việt Nam, các anh rất lịch sự, làm việc cũng nhanh chóng. Tuy nhiên, anh cán bộ có kêu mình đóng 20 ngàn VND để ủng hộ cho một quỹ gì đó mình không nhớ. Anh có thòng 1 câu là “tùy em thôi, không bắt buộc”. Mình thấy anh cũng nhẹ nhàng. Hơn nữa, không muốn chỉ vì 20 ngàn mà lỡ anh làm khó thì khổ, nên mình có đóng.

Phía Campuchia thì thô lỗ hơn nhiều.

Quầy đóng dấu có 1 anh già, khi mình đến đưa passport thì anh kêu mình qua 1 bàn có 3,4 anh mập ú, đen thui đang ngồi phểnh bụng. Mấy anh đó thấy mình là người Việt thì nói tiếng Việt luôn với mình. Yêu cầu mình đóng 50 ngàn VND. Mình hỏi “Tiền gì?” thì trả lời ỡm ờ “Việt Nam, Campuchia anh em đoàn kết, gắn bó”. Máu mình lên tới não vì mình chúa ghét mấy cái vụ này. Nhưng mình nhớ lại là nếu nhập cảnh bằng đường bộ (không phải đường hàng không) thì có khi cán bộ cửa khẩu chỉ cấp cho mình thời hạn cư trú 15 ngày (thay vì 30 ngày). Thế là tức muốn chết mà mình cũng ngậm miệng đóng tiền cho mấy tên đó. Rồi mới qua anh già đóng dấu nhập cảnh.

Fraser làm visa on arrival ở cửa khẩu này cũng bị làm tiền. Phí visa có 30 USD mà cán bộ cũng thu 35 USD. Ăn tiền trắng trợn, không cần giải thích.

Ghi chú: Ai muốn đổi tiền ở biên giới Hà Tiên có thể ghé tiệm tạp hóa số 222 Mạc Thiên Tích, Hà Tiên để đổi. Từ VND sang USD hay Riel đều được. Giá tốt. Mình vô 2 ngân hàng Sacombank, Kiên Long Bank và cả 2 tiệm vàng to ở chợ Hà Tiên mà không chỗ nào nhận đổi tiền Việt sang mấy tiền kia hết.

2. Cửa khẩu Cham Yeam (Koh Kong, Campuchia) – Ban Hat Lek (Khlong Yai, Thái Lan)

Cán bộ Campuchia ở cửa khẩu này phong cách chuyên nghiệp, đàng hoàng, nhanh nhẹn. Khi thấy mình có visa Thái Lan, họ cũng kiểm tra chút ít rồi thôi. Lúc mình đến, khách rất đông, xếp hàng dài.

Vừa qua khỏi cửa khẩu Cham Yeam của Campuchia là đã thấy lính canh người Thái và chó bergie ngồi bên đường. Qua đến cửa khẩu Ban Hat Lek của Thái Lan, cán bộ nhìn cũng rất ngầu. Có điều chỗ làm thủ tục siêu nhỏ, hẹp. Có 1 cái bàn để mình điền đơn, nắng ơi là nắng rồi xếp 1 hàng dài duy nhất để đưa passport đóng dấu.

Ai đi trước cũng mất chừng 5 phút là xong. Đến mình, cán bộ kiểm tra đến hơn 15 phút mới đóng dấu cho mình. Mình đoán là vì mình có visa Thái vì họ nói với nhau. May mà họ cũng không hỏi han gì xe đạp, xe máy. Cũng không thu thêm phí.

Ghi chú: Sát bên cửa khẩu Cham Yeam có cái resort đẹp mê hồn, dòm siêu thư giãn. Còn vừa ra khỏi cửa khẩu Ban Hat Lek bên Thái sẽ thấy một khu chợ sầm uất bán đủ loại trái cây. Đó là chợ biên giới Ban Hat Lek.

3. Cửa khẩu Tak Bai (Narathiwat, Thái Lan) – Pengkalan Kubor (Tumpat, Malaysia)

Ở làng ngay biên giới Tak Bai, các bảng chỉ dẫn thường chỉ bằng tiếng Thái, ít thấy tiếng Anh. Người dân Thái lại càng không nói được tiếng Anh.

Khi đóng dấu xuất cảnh ở đây, họ cứ hỏi tới hỏi lui là “Có chắc Malaysia cho cô nhập cảnh không?” Mình điên hết cả người nói tui đi Malay mấy lần rồi ông, chả sao hết. Họ nói, hồi đó khác (?!?). Rồi chạy tới chạy lui, kiểm tra trên máy, gọi người này vô, người khác ra săm soi cái passport của mình. Thậm chí họ còn nói, nếu Malaysia cho cô nhập cảnh, tụi tui không có vấn đề gì để cho cô xuất cảnh hết. Nói vậy mà cứ giữ cái passport của mình hoài.

Cuối cùng, 1 anh cán bộ phát hiện ra mình có visa New Zealand nhập cảnh nhiều lần còn hạn nên mới đóng dấu cho mình đi!

Ranh giới giữa 2 nước ở đây là con sông Golok nên qua biên giới phải đi bằng thuyền. Tụi mình thuê của 1 anh loanh quanh gần đó. Chở cả 2 chiếc xe đạp, đồ đạc và người tốn hết 100 THB (khoảng 60 ngàn VND). Chèo qua chừng 10 phút.

 

Cập bờ biên giới Malaysia là đến cửa khẩu Pengkalan Kubor


Lúc tụi mình tới vắng hoe nên thủ tục siêu nhanh, siêu gọn nhẹ và không phải trả bất kỳ phí gì.

Ghi chú: Cửa khẩu Tak Bai thuộc Narathiwat, là một trong 3 tỉnh có cộng đồng người Hồi giáo đông nhất ở Thái Lan. Đây cũng là vùng tranh chấp biên giới dữ dội nhất giữa Malaysia và Thái Lan. Đã từng có 1 vụ biểu tình làm 85 người Thái chết tại đây. Tỉnh sát bên Narathiwat là Pattani, cũng là nơi có doanh trại quân đội Thái cực kỳ hùng hậu. Khi tụi mình đi ngang đây, cứ vài cây số là có một chốt lính gác cầm súng xét người qua lại với hàng rào kẽm gai, chó cảnh sát, vọng gác, bao cát, thùng phuy che chắn,…đủ kiểu. Dòm rất khủng bố. Tuy vậy, tụi mình đi qua không gặp vấn đề gì hết. Cứ thong thả đi bình thường thôi.

4. Cửa khẩu Johor-Singapore Causeway (Johor Bahru, Malaysia) – Woodlands (Singapore)

Ở Johor Bahru, chỗ xuất nhập cảnh qua Singapore là một tòa nhà phức hợp to khủng bao gồm cả hải quan, cách ly và thủ tục xuất nhập cảnh (CIQ) tên là Bangunan Sultan Iskandar (BSI).

 

Từ đây có cây cầu vượt Johor-Singapore Causeway dài hơn 1 cây số, băng qua eo biển Johor, đến Woodlands, Singapore. Cây cầu vừa là đường đi, làn xe điện và là đường ống vận chuyển nước từ Malaysia sang Singapore.

Chung quanh tòa nhà là các trạm xe buýt, tàu cao tốc, bến taxi,…cực kỳ tấp nập như một cái sân bay. Để làm thủ tục xuất nhập cảnh, họ có 117 quầy dành cho xe hơi và 100 quầy cho xe máy. Làm thủ tục hải quan, có 36 quầy cho xe hơi và 25 quầy cho xe máy.

Tụi mình đi xe đạp nên được xếp đi theo làn xe máy. Và hoàn toàn miễn phí cầu đường. Cả bên Malaysia lẫn Singapore.

Hàng ngày có cả chục ngàn người từ Malaysia sang Singapore làm việc nên hễ đến cửa khẩu này sau 5 giờ sáng là kể như đứng chờ. Mình chưa bao giờ thấy có cái cửa khẩu nào đông như thế này. Cả ngàn người phóng xe như điên, chạy cho nhanh, rồi đến nơi chờ. Với cả ngàn người khác.

Bên phía Malaysia thì ồn ào vì họ không tắt máy xe khi chờ. Nhưng qua đến Singapore, mọi người đều tắt máy xe, im lặng, không chen lấn, kiên nhẫn ngồi trên xe. Có người tranh thủ ăn sáng, đọc báo, uống cà phê mang theo luôn.

Ở phía Woodlands, có cả trăm quầy làm thủ tục. Hàng ngày, họ giải quyết hơn 300.000 lượt xuất nhập cảnh và khoảng 100.000 phương tiện vận tải các loại. Cửa khẩu Woodlands là một trong những cửa khẩu tấp nập nhất thế giới.

Những người qua lại biên giới thường xuyên có cái thẻ Touch-N-Go (TnG), tương tự như thẻ thu phí cầu đường tự động ở Việt Nam mình (OBU). Nhờ vậy mà thủ tục rất nhanh. Tụi mình là lâu nhất vì phải điền tờ khai nhập cảnh. Khối lượng công việc nhiều nhưng nhân viên rất lịch sự và giải quyết rất nhanh nhẹn. Với số lượng người đông như vậy mà tụi mình chỉ phải chờ chừng 1 tiếng là đã qua được cửa khẩu.

5. Cửa khẩu Woodlands (Singapore) – Johor-Singapore Causeway (Johor Bahru, Malaysia)

Khi tụi mình từ Singapore quay lại Malaysia vào khoảng 5 giờ chiều thì khi đến gần cửa khẩu, tụi mình lại tưởng đang nhìn lầm. Cách cửa khẩu còn gần mấy cây số mà xe máy đã xếp hàng chờ đông như kiến cỏ. Thì ra những người buổi sáng qua Singapore làm việc, buổi chiều họ cũng về lại nhà giờ này. Giờ cao điểm ở cửa khẩu là từ 5 giờ. Đến khoảng 10 giờ tối người mới giãn bớt.

Nhìn dòng người như trẩy hội xếp rồng rắn hết cả đường làm tụi mình ngán ngẩm. May có 1 anh tốt bụng đứng kế bên nói với mình là xe đạp thì không phải xếp hàng. Xe máy xếp hàng để cà thẻ thôi. Thế là 2 đứa mừng quá lách qua lề đường bên hông, hỏi luôn anh cảnh sát gần đó. Ảnh thấy tụi mình thì dọn mấy cái chắn đường qua một bên cho tụi mình đi. Còn nói cứ chạy lên lề hoặc men theo đường xe hơi mà chạy. Thế là 2 đứa một mạch phóng cho nhanh để kịp về khách sạn trước khi trời tối.

Đang chạy bon bon ngon lành thì tự nhiên mình bị vấp chân, té cái rầm. Cái kiếng mát đang đeo nhảy lên nóc 1 chiếc xe hơi phía trước. Mình không bị xây xát gì nhưng ngượng chín người. Cả ngàn người đang đứng yên chờ đợi, chả có việc gì để làm ngoài ngó mình tự té, tự lồm cồm bò dậy. Mình với lấy cái kiếng mát trên nóc thì ông chủ xe mở cửa bước ra nhìn mình rồi ngó đuôi xe ổng. Cơ khổ, cái xe ổng là một trong những cái xe cà tàng nhất mình từng thấy. Mình xin lỗi ổng rối rít mà vừa mắc cười vừa muốn độn thổ!

Fraser vẫn chả hay biết gì cho đến khi mình bắt kịp ảnh. 2 đứa xếp hàng chừng khoảng 15 phút là đóng dấu xong.

Qua cửa khẩu thì thường xe máy phải đi đường dành riêng, khá xa để về khách sạn tụi mình. Fraser kêu đi đường tắt bằng cách đi xuyên qua tòa nhà BSI. Thế là tụi mình làm 1 chuyến dẫn xe đạp đi vòng vòng siêu thị. Khiêng xe đạp lên xuống bằng thang cuốn. Mọi người nhìn tụi mình như người ngoài hành tinh. Mình thì cứ cười toe vì quá ngượng! Vậy mà mấy anh bảo vệ, an ninh nhìn thấy cũng không nói gì nha.

6. Sân bay Changi (Singapore) – Sân bay Juanda (Surabaya, Indonesia)

Tụi mình bay chuyến 8 giờ sáng nhưng đường đến sân bay khá xa nên 4 giờ sáng tụi mình đã khăn gói ra khỏi khách sạn.

Vừa ra khỏi khách sạn, trời mưa tầm tã, như giông như bão. Còn quá sớm nên chỉ có vài ngọn đèn đường vàng vàng, hàng quán hầu như chưa mở cửa. Tụi mình đành chịu dầm mưa chạy luôn cho kịp. Chưa hết xui, đang chạy hì hục, xe mình bị bể bánh! Fraser phải bơm lên tạm để chạy đến sân bay sẽ tính tiếp. Không ngờ lỗ to quá, chạy được chừng 5 phút bánh lại xẹp lép.

Không còn cách nào khác, Fraser phải ngồi bên lề đường thay ruột xe cho mình. (Chứ mình thì đã biết gì để thay hay vá?!). Đường thì tối mờ, trời thì mưa lạnh, vừa lo không kịp chuyến bay vừa vuốt mặt không kịp để thấy đường thay ruột xe. May mà cuối cùng cũng đâu vào đó. Đến được sân bay, tụi mình ướt như 2 con chuột lột.

Năm ngoái tụi mình đi thì sân bay Changi chỉ phân ra làm 3 Terminal. Tụi mình bay của Tigerair phải khởi hành từ Terminal 2. Nhưng đường đi vào sân bay thì lại gặp Terminal 3 trước. Đường đó không dành cho xe máy, chỉ dành cho xe hơi nên không tài nào băng ngang qua để đến Terminal 2 được. Quá nguy hiểm. Fraser dẫn cả người cả xe vào Terminal 3 hỏi thăm quầy dịch vụ xem có cách nào tụi mình đến Terminal 2 không. May ghê, cả 3 Terminal đều nối với nhau. Thế là tụi mình cứ thế dẫn 2 chiếc xe vẫn còn cộ hết đồ đạc trên đó, đi vòng vèo cho đến Terminal 2.

Đến nơi, tụi mình mới bắt đầu dỡ đồ đạc ra khỏi xe và lấy 2 tấm bạt nhựa bọc xe đạp lại. Rồi check in. Nhân viên check in cẩn thận dán nhãn “Đồ dễ vỡ”/“Fragile” lên rồi có 2 anh khuân vác đến khiêng đi ký gửi. Tụi mình lúc đó mới hoàn hồn, tung tăng tìm đồ ăn.

Đến sân bay Juanda ở Surabaya, sau khi làm thủ tục nhập cảnh thì đến quầy nhận hành lý. Tụi mình đến nơi đã thấy 2 chiếc xe đạp được dựng riêng sẵn ở 1 góc. Có 1 anh chàng khuân vác còn khuân để lên xe đẩy dùm. Tụi mình qua cổng Hải quan cũng không gặp vấn đề gì cả.

Ra ngoài cổng đến, tụi mình phải ráp xe để đi tiếp. Cái sân bay này nhỏ xíu như cái ga Sài Gòn của mình. Mấy ông đàn ông không biết làm gì, rảnh rỗi đứng đó dòm tụi mình dỡ đồ, ráp xe, bình luận tứ tung.

Ra khỏi sân bay, đói bụng, 2 đứa tấp vô 1 quán ăn bên đường. Quán nhỏ, sạch sẽ, dạng như quán cơm bình dân của mình. Sau này mới biết, quán đó chém tụi mình hơi đẹp, chắc vì gần sân bay. Dọc đường từ đó trở đi đến Bali, các quán ăn lịch sự rất ngon mà giá cũng rất rẻ. Ở Java, thường những quán cóc xơ xác, nghèo nàn là những quán lấy giá gấp đôi, gấp ba so với những quán to lớn, đàng hoàng. Nhưng mà so với độ đa dạng của đồ ăn Việt Nam, đồ ăn Indo quá chán!

Tháng sau tụi mình bay đi Úc rồi. Không còn cơ hội qua biên giới đường bộ cho đến khi tới châu Mỹ La Tinh. Có thể đến lúc đó mình lại kể tiếp kinh nghiệm qua mấy cửa khẩu ở vùng Nam Mỹ. Biết đâu còn hào hứng hơn nhiều, nhỉ?

?

Các Bài Viết Về Những Điều Cần Biết (Tips)

Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Ở đây, mình chỉ xin chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc tự túc vào năm 2015 và 2016 tại văn phòng VFS Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích đi du lịch hay còn gọi là “Thị thực đi thăm Úc” - Diện thị thực 600. Mình cũng link website chính thức của VFS với các hướng dẫn đầy đủ về...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Tất cả những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình trải qua sau khi sống ở Indonesia (Java, Bali) hơn 8 tháng với người địa phương. Ở Java, tụi mình chỉ nhận xét từ sân bay Juanda (Surabaya) đến Banyuwangi (điểm cuối của đảo Java trước khi qua Bali). Về Bali, do tụi...

Review 4 Nước Đông Nam Á: Campuchia, Thái Lan, Malaysia & Singapore

Sắp ra khỏi châu Á rồi mới ngồi nhìn lại những cái thích và không thích ở những nước đã đạp xe qua. Những ưu, khuyết điểm này chỉ được nhìn nhận dưới góc độ du lịch bụi, chi phí tiết kiệm và đánh giá sau khi đi qua nhiều vùng, thành phố trong cả nước đó (hầu hết là...

Kinh Nghiệm Qua Cửa Khẩu Các Nước Đông Nam Á

2 đứa mình khởi hành từ Sài Gòn hồi đầu tháng 7/2016, đạp xe liên tục qua biên giới các nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngẫm lại, cũng khá nhiều chuyện vui buồn nơi cửa khẩu. Hôm nay kể lại mọi người nghe chơi. 1. Cửa khẩu Xà Xía...

Những Điều Cần Biết Khi Đi Nước Ngoài Bằng Máy Bay Lần Đầu

Mình nghĩ ra ý tưởng viết bài này sau khi phải chuẩn bị cho mẹ và dì mình bay từ Việt Nam sang Indonesia. Dì mình biết 1 ít tiếng Anh nhưng chưa đi máy bay bao giờ. Mẹ mình thì bay trong nước hồi trẻ rồi đi nước ngoài vài lần nhưng lại là đi chung với mình. Chợt nghĩ...

Giá Sinh Hoạt Ở Indonesia

Mình tổng hợp danh sách giá cả đồ dùng và dịch vụ ở đây để mọi người tiện tham khảo. Giá cả mình chủ yếu dựa vào giá niêm yết của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hóa, quán cóc bên đường, nhà hàng, khách sạn,...tụi mình từng ghé ở đảo Java và Bali. Mình cũng...

Cuộc Sống Đời Thường ở Bali

Sau gần 4 tháng sống như người dân địa phương, đây là những kinh nghiệm tụi mình đúc kết được từ mua sắm, nấu nướng, ăn uống đến đi chơi, khám bệnh, cắt tóc, visa,...ở Bali, Indonesia. 1. ĐI CHỢ - NẤU ĂN Lúc đầu mới tới Bali, 2 đứa tìm chỗ mua nồi cơm điện. Tiếc tiền...

3 Điều có thể bạn chưa biết về Singapore

Là nước có mức sống đắt đỏ nhất thế giới từ năm 2014 đến nay, Singapore bỏ xa các thành phố nổi tiếng mọi người thường nghĩ đến như Paris, London, New York, Tokyo,… Nói đến Singapore, mình thường nghĩ đến đất nước an toàn nhất, sạch sẽ nhất nhưng cũng đau ruột nhất...

Những Điều Cần Biết Trước Khi đến Thái Lan

1. Visa: - Người Việt được miễn thị thực (visa) đến Thái Lan trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng trở lên và còn trang trắng để đóng dấu nhập, xuất cảnh. - Nếu bạn muốn ở lâu hơn 30...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Bali

Cập nhật lần cuối ngày 17/4/2017 1. Thị thực và Hộ chiếu (Visa & Passport): - Người Việt được miễn thị thực (visa) du lịch đến Bali/ Indonesia trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng...

Những Điều Cần Biết Khi Đi Nước Ngoài Bằng Máy Bay Lần Đầu

Những Điều Cần Biết Khi Đi Nước Ngoài Bằng Máy Bay Lần Đầu

Những Điều Cần Biết Khi Đi Nước Ngoài Bằng Máy Bay Lần Đầu

Mình nghĩ ra ý tưởng viết bài này sau khi phải chuẩn bị cho mẹ và dì mình bay từ Việt Nam sang Indonesia. Dì mình biết 1 ít tiếng Anh nhưng chưa đi máy bay bao giờ. Mẹ mình thì bay trong nước hồi trẻ rồi đi nước ngoài vài lần nhưng lại là đi chung với mình. Chợt nghĩ có thể ai đó cũng cần những thông tin như thế này để đỡ bối rối, lọng cọng khi đi nước ngoài bằng máy bay lần đầu tiên.

I. TRƯỚC KHI BAY:

1. Mua vé:

– Mua online thường sẽ được giá rẻ nhất. Sau khi mua mình sẽ nhận được qua email số đặt chỗ và lịch trình bay cùng các thông tin liên quan đến chuyến bay. Tụi mình thường mua vé trên www.skyscanner.com hoặc www.kayak.com bằng chế độ Incognito/ Browse in Private để tìm được giá tốt.

Trước chuyến bay 24 giờ mình có thể check-in online để chọn chỗ ngồi và lấy boarding pass (thẻ lên máy bay) để rút ngắn thời gian làm thủ tục. Sau khi hoàn tất check-in nên in ra giấy mang theo hoặc lưu lại trong điện thoại để có thể mở ra lúc nào cũng được mà không cần wifi hay 3G.

Một cái boarding pass tiêu biểu. Các thông tin quan trọng cần nhớ nhất là: Flight (số hiệu chuyến bay),Time (giờ bay), Gate (cổng khởi hành)

2. Đóng hành lý:

Kiểm tra quy định của từng hãng về cân nặng và kích thước cho phép của vali/ hành lý trước khi bay. Nếu quá ký hoặc quá cồng kềnh sẽ bị trả thêm phí rất mắc. Hành lý ký gửi thường được mang tối đa 7kg

– Passport, giấy tờ tùy thân khác, tiền, vật dụng cần thiết nhỏ nhỏ (dầu gió, kẹo ngậm, khăn giấy, tai nghe, sách, mắt kiếng, …) để trong hành lý xách tay để có thể lấy ngay khi cần. Mang theo 1 cây bút bi để điền các form giấy tờ khi cần thiết. Mang theo thuốc chống say xe/say máy bay nếu dễ bị say.

– Dán nhãn hành lý ký gửi và làm dấu gì cho hơi đặc biệt chút để mình dễ nhận ra (cột cọng dây màu hồng, dán cái sticker lấp lánh,…ở quai đeo chẳng hạn)

– Quần áo mang theo nên cuộn tròn lại để tiết kiệm diện tích và không bị nhăn.

3. Chuẩn bị các giấy tờ/ thông tin cần thiết:

– Passport phải còn thời hạn ít nhất 6 tháng

– Visa (nếu có)

– Giấy chứng nhận tiêm ngừa vaccine (nếu yêu cầu)

– Ghi lại địa chỉ nhà/ khách sạn ở nước mình sắp đến để phòng khi cần điền vào tờ khai nhập cảnh.

– Kiểm tra quy định của nước mình đến về các vật dụng, đồ không được nhập cảnh (hạt giống, thức ăn, rượu, ma túy,…) để không mang theo, tránh bị bỏ phí hoặc thậm chí bị phạt, tù.

– Hầu hết các sân bay lớn đều có các hệ thống vận chuyển khác ngoài taxi như tàu cao tốc, xe buýt, xe điện ngầm. Một số loại hình giảm giá khi mua vé online (KLIA Ekspres ở Kuala Lumpur, giảm 10 – 20% khi mua online, mua 2 chiều), (Hongkong Airport Express giảm 30% mua 2 chiều online), hoặc rất rẻ so với taxi (Gojek ở Bali, Indonesia, cũng xe hơi đón đưa mà phí rẻ bằng ¼ giá taxi sân bay), taxi ở Singapore chỉ nhận tiền mặt hoặc thẻ Mastercard (không nhận Visa card)…→ Nên tìm hiểu kỹ trước khi đến để giảm chi phí.

II. TẠI SÂN BAY:

– Có mặt ở sân bay ít nhất 2 tiếng trước giờ bay

– Chỉ có xe hơi/taxi được vào tận nơi trước ga đi. Nếu đi xe máy hoặc nhờ bạn bè chở đi thì cần trừ hao thời gian gửi xe/ đi bộ đến ga đi quốc tế,…

– Trên máy bay rất lạnh nên nếu ai không chịu lạnh được nên mặc quần dài, áo khoác, mang vớ, khăn choàng để giữ ấm. Ăn mặc thoải mái nhưng tươm tất, lịch sự.

– Luôn cầm trên tay passport và booking/boarding pass trong khu cách ly để nhân viên sân bay dễ kiểm soát.

– Không xách đồ dùm bất cứ ai, không để ai xách đồ của mình trong sân bay.

– Các thủ tục, quy trình trong khu cách ly:

1) Vào cổng ga đi quốc tế (Departure). Ở sân bay quốc tế TSN là trên lầu 2.

2) Tìm màn hình TV có thông tin các chuyến bay, số hiệu, nơi khởi hành, nơi đến, giờ bay, hãng bay, quầy làm thủ tục -> tìm số quầy mình sẽ làm thủ tục check in (cột Check in) và xem họ đã mở quầy cho chuyến bay của mình hay chưa. Thông thường chỉ mở quầy cho bắt đầu check in trước giờ bay 2 tiếng.

Bước đầu tiên khi vô khu vực cách ly là phải tìm mấy cái màn hình như thế này

3) Đến quầy làm thủ tục check in dành cho chuyến bay của mình (ví dụ H10 hay Z9) nếu chưa check in online hoặc có hành lý ký gửi. Xếp hàng, cân và gửi hành lý ký gửi, lấy boarding pass. Khi check in có thể yêu cầu nhân viên cho mình ngồi ghế kế cửa sổ hoặc kế lối đi, nếu còn ghế trống. Hành lý ký gửi sẽ được đưa vào băng chuyền để hải quan và an ninh hàng không soi chiếu, kiểm tra.

Ở đây, nếu mình bay nhiều chặng/quá cảnh, nhân viên sẽ đưa cho mình 2/3/4 boarding pass. Nếu không đưa, mình nên hỏi.

Hành lý ký gửi thường sẽ tự động chuyển lên máy bay tiếp theo cho mình. Nếu mình phải tự chuyển, nhân viên sẽ thông báo điểm dừng mình phải lấy hành lý.

Một quầy check in ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur

– Nếu vì lý do gì đó mà vài món hàng hoặc hành lý yêu cầu phải đóng gói và gửi ký gửi chứ không được xách tay, có thể tìm quầy bọc hành lý (Luggage Wrapping Service) để đóng gói.

– Nếu không có hành lý ký gửi mà quên in ra boarding pass đã check in online, có thể in lại ở một vài quầy in tự động (có thể thu phí)

4) Qua cổng Hải quan và An ninh soi chiếu hàng không.

+ Xuất trình passport và boarding pass để An ninh hàng không kiểm tra.

+ Bỏ hành lý xách tay, điện thoại và các vật dụng trong người khác cho vào khay cho chạy qua máy soi chiếu hành lý

+ Trên tay vẫn cầm passport và boarding pass đi qua cổng rà kim loại. Vừa qua cổng thì đón lấy hành lý đã soi xong của mình đi tiếp.

5) Đến công an cửa khẩu: xếp hàng theo quốc tịch, đưa passport và boarding pass cho công an cửa khẩu kiểm tra, đóng dấu xuất cảnh. Họ thỉnh thoảng sẽ hỏi mình đi đâu, với mục đích gì, đi với ai,…

+ Đối với những chuyến bay từ Việt Nam đi Úc, thêm 1 bước xuất trình passport, boarding pass, qua máy rà kim loại hành lý xách tay cá nhân 1 lần nữa trước khi lên máy bay.

6) Tìm Cổng (Gate) ra máy bay ghi trên Boarding Pass, đến đó tìm ghế ngồi chờ đến khi có thông báo lên máy bay.

+ Wifi tại các sân bay thường mạnh nhưng đều yêu cầu phải đăng ký và thường chỉ cho phép mỗi người sử dụng từ 1 – 2 tiếng.

+Có thể sạc điện thoại miễn phí tại các chốt có lỗ cắm (Charging Station) nhưng mọi người xí chỗ cắm rất nhanh.

+ Đi vệ sinh hoặc uống nước trong lúc ngồi chờ.

Các hãng hàng không giá rẻ không phục vụ bữa ăn miễn phí mà phải trả tiền (thường là mì gói hoặc các thứ khác cũng rất dở) nên nếu chuyến đi dài, nên ăn trước khi đến hoặc ăn ở các nhà hàng trong sân bay trong khi chờ. Nếu muốn tiết kiệm, mang theo vài món đồ khô đơn giản, không mùi như bánh mì ngọt. Các hãng chính thống có phục vụ bữa ăn cho chuyến bay từ 2.5 – 3 tiếng trở lên.

+ Tranh thủ mua hàng miễn thuế. Nên mua rượu, nước hoa hoặc bánh kẹo sô cô la. Lưu ý, các quầy miễn thuế khác các quầy hàng thương nghiệp. Hàng miễn thuế tốt và rẻ hơn thị trường. Các quầy hàng khác thường không có gì đặc biệt và mắc hơn giá thị trường.

7) Lên máy bay khi có thông báo boarding.

Thông thường sẽ boarding theo vị trí ghế ngồi hoặc ưu tiên. Tốt nhất, đợi mọi người xếp hàng đi gần hết rồi mình hẵng vào hàng để khỏi phải đứng chờ lâu.

III. TRÊN MÁY BAY:

Từ cổng chờ lên máy bay đến máy bay có 2 cách lên: đi qua ống lồng hoặc lên xe buýt miễn phí chở ra máy bay. Đi ống lồng rất đơn giản, người khác đi trước mình theo sau như đi trong hành lang lên máy bay. Nếu đi xe buýt thì nên nhanh nhẹn (nhưng đừng chen lấn) lên trước sẽ có chỗ ngồi. Lên sau sẽ đứng hơi mệt dù chỉ mất khoảng 5 – 10 phút.

Trước khi lên máy bay cầm boarding pass để biết số ghế của mình. Đi dọc theo hàng ghế nhìn lên trên kệ để đồ để tìm đến số ghế rồi tìm vị trí chữ để ngồi. Ngồi đúng số ghế của mình. Một vài máy bay nhỏ không có số ghế thì có thể ngồi tùy ý (nhưng rất hiếm). Sau khi máy bay cất cánh, nếu các ghế kế bên còn trống mình có thể di chuyển hoặc nâng tay vịn lên để nằm nghỉ nếu mệt.

Trong trường hợp này là dãy ghế số 31A (kế cửa sổ), 31B (ở giữa) và 31C (kế lối đi). Ngăn đựng hành lý ngay phía trên.

– Hành lý nếu hơi to thì để lên hộp đựng hành lý trên đầu ghế ngồi. Nếu kệ hành lý qúa cao hoặc hành lý qúa nặng, nhờ tiếp viên bỏ lên giúp. Nếu nhỏ gọn có thể để phía dưới ghế của người ngồi trước mình. Không để ngay dưới chân mình.

– Sau khi ổn định, tiếp viên hoặc màn hình sẽ hướng dẫn các quy định an toàn bay cho mọi người.

– Cài dây an toàn

– Tất cả các chuyến bay đều cấm hút thuốc.

– Khi máy bay chuẩn bị cất cánh và hạ cánh: nuốt nước miếng để tránh ù tai, cài dây an toàn, không sử dụng thiết bị điện tử, không hạ ghế ngả ra sau mà về vị trí ngồi thẳng, kéo màn cửa sổ lên, không được đi vệ sinh.

– Nút điều chỉnh ngả ghế ở ngay tay vịn ghế. Chú ý không làm phiền người ngồi trước, sau và kế bên mình (không gác chân lên trước, không ngả ghế quá sâu ra sau, không chiếm tay vịn người ngồi kế bên, không nói chuyện ồn ào,…)

– Nếu lạnh, có thể hỏi các tiếp viên để mượn/ mua mền đắp. Nếu mượn, nhớ trả lại khi đến nơi.

– Ngay phía trước mặt là túi đựng tạp chí, hướng dẫn an toàn bay. Trong đó cũng có 1 túi giấy để nôn/ói khi bị say.

– Nhà vệ sinh thường ở 2 đầu máy bay. Đèn ký hiệu màu đỏ là có người, đèn ký hiệu màu xanh là đang trống. Để mở cửa, nhấn vào giữa. Khi vào trong, kéo chốt ngang cho đến khi thấy chốt kéo sang màu đỏ. Trong nhà vệ sinh một số hãng có để sẵn cả băng vệ sinh phụ nữ trong hộc cho khách sử dụng.

Trong trường hợp này, toilet phía bên trái màu xanh (trống, không có người sử dụng) còn toilet phía bên phải màu đỏ (có người đang sử dụng)

– Tạp chí trên máy bay bây giờ thường có bản online, không nên lấy đi bản giấy sau mỗi chuyến bay như lúc trước.

– Trên đầu mỗi người thường có 2 hàng nút (máy lạnh và đèn), mỗi hàng có 3 cái (tương ứng với 3 ghế). Chỉnh máy lạnh bằng cách vặn, chỉnh đèn bật tắt bằng cách nhấn. Chỉ chỉnh cái thuộc vị trí ghế mình ngồi, không chỉnh cái của người khác.

3 nút phía trên là máy lạnh của 3 ghế, vặn để điều chỉnh. 3 cái nút ở giữa là 3 công tắc đèn (nhấn bật/tắt). Nút có hình người là nút để gọi tiếp viên

– Một vài hãng có màn hình ngay trước mặt (sau lưng ghế phía trước) để mình tùy ý điều chỉnh xem phim hoặc nghe nhạc (có cung cấp tai nghe) trong suốt chuyến bay. Hầu hết các hãng đều không có dịch vụ này.

– Khi máy bay hạ cánh, ngồi chờ cho những người phía trước lấy hành lý và đi xuống trước. Đến phiên mình thì nhanh nhẹn đi ra không để người phía sau chờ.

– Chào và cám ơn tiếp viên đứng ở cổng ra máy bay.

IV. XUỐNG MÁY BAY – ĐẾN NƠI

– Đi theo mọi người xuống sân bay

– Tìm nhà vệ sinh gần nhất rửa mặt cho tỉnh táo.

– Nếu đi quá cảnh để bay tiếp đến một nơi khác thì tìm theo bảng hiệu “Transit/ Transfer/Flight Connection” để tìm cổng chờ lên chuyến bay kế tiếp.

Khi check in ở sân bay lúc đi, nhân viên đã đưa cho mình 2 (hoặc 3,4) boarding pass cho toàn bộ hành trình. Dựa vào boarding pass của từng điểm khởi hành và kết thúc mà mình tìm cổng (Gate) để lên máy bay tiếp theo. Nếu không tìm thấy cổng thì hỏi bất kỳ nhân viên mặc đồng phục nào trong sân bay.

1) Nếu không quá cảnh thì tìm theo bảng hiệu “Arrival” để nhập cảnh vào nước đó

2) Điền vào tờ khai hải quan (Customs Declaration Form) hoặc tờ khai nhập cảnh (Arrival Card).

Thông thường các tờ này sẽ để ở các bàn trống, mọi người sẽ đổ xô vào điền. Mình nên đến xem và điền theo. Nếu không thấy có thì nghĩa là những chuyến bay đó không yêu cầu (theo kinh nghiệm cá nhân vì có lúc điền, lúc không). Đôi khi tiếp viên phát cho mọi người ngay trên máy bay trước khi hạ cánh.Tùy từng nước mà form mẫu sẽ khác nhau.

3) Xếp hàng đến phần duyệt nhập cảnh của công an cửa khẩu (Immigration Department). Đưa passport và boarding pass để nhân viên kiểm tra và đóng dấu nhập cảnh.

Hầu hết các sân bay đều yêu cầu lấy dấu vân tay (2 ngón trỏ/2 ngón cái/cả bàn tay) và chụp hình (nhìn vào camera) khi kiểm tra ở bước này. Không đội nón, không đeo kính mát, không trùm đầu (trừ người Hồi Giáo).

Bên Úc hay quên đóng dấu xuất nhập cảnh, nếu ai muốn có dấu trong passport, nên kiểm tra và yêu cầu họ đóng dấu vô cho mình.

4) Đến quầy lấy hành lý ký gửi. Tìm màn hình thông báo chuyến bay của mình sẽ trả hành lý ở quầy số mấy thì đến đó chờ hành lý chạy ra. Thấy đúng của mình thì đến tự khiêng lấy. Nếu nhiều hành lý, nên lấy sẵn 1 xe đẩy để chất lên đẩy cho đỡ nặng.

5) Qua cổng kiểm tra hải quan. Nếu không có gì đặc biệt để khai báo thì ra cổng bình thường. Cho toàn bộ hành lý qua máy soi chiếu lần cuối. Đôi khi hải quan sẽ kiểm tra đột xuất 1 hành khách bất kỳ hoặc 1 túi hành lý bất kỳ. Điều này hoàn toàn bình thường.

+ Tranh thủ mua hàng miễn thuế

6) Ra cổng đến.

Chỗ đón taxi/xe buýt/tàu cao tốc hoặc chờ người quen đón ở mỗi sân bay quy định khác nhau. Nên theo các bảng chỉ dẫn hoặc hỏi nhân viên mặc đồng phục để tìm cho nhanh và chính xác. Có thể rút tiền ở các cây ATM trong sân bay để có tiền mặt ngoại tệ nước đến.

Có thể mua Simcard điện thoại trong sân bay để tiện liên lạc hoặc sử dụng 3G

Đó là tất cả thông tin mình nhớ ra khi đi nước ngoài bằng máy bay. Nếu ai thấy còn thiếu gì hoặc có gì cần bổ sung thì cứ comment bên dưới nhen.

?

Các Bài Viết Về Những Điều Cần Biết (Tips)

Kinh Nghiệm Xin Visa Úc – Diện Du Lịch Thị Thực 600

Ở đây, mình chỉ xin chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc tự túc vào năm 2015 và 2016 tại văn phòng VFS Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích đi du lịch hay còn gọi là “Thị thực đi thăm Úc” - Diện thị thực 600. Mình cũng link website chính thức của VFS với các hướng dẫn đầy đủ về...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Tất cả những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình trải qua sau khi sống ở Indonesia (Java, Bali) hơn 8 tháng với người địa phương. Ở Java, tụi mình chỉ nhận xét từ sân bay Juanda (Surabaya) đến Banyuwangi (điểm cuối của đảo Java trước khi qua Bali). Về Bali, do tụi...

Review 4 Nước Đông Nam Á: Campuchia, Thái Lan, Malaysia & Singapore

Sắp ra khỏi châu Á rồi mới ngồi nhìn lại những cái thích và không thích ở những nước đã đạp xe qua. Những ưu, khuyết điểm này chỉ được nhìn nhận dưới góc độ du lịch bụi, chi phí tiết kiệm và đánh giá sau khi đi qua nhiều vùng, thành phố trong cả nước đó (hầu hết là...

Kinh Nghiệm Qua Cửa Khẩu Các Nước Đông Nam Á

2 đứa mình khởi hành từ Sài Gòn hồi đầu tháng 7/2016, đạp xe liên tục qua biên giới các nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngẫm lại, cũng khá nhiều chuyện vui buồn nơi cửa khẩu. Hôm nay kể lại mọi người nghe chơi. 1. Cửa khẩu Xà Xía...

Những Điều Cần Biết Khi Đi Nước Ngoài Bằng Máy Bay Lần Đầu

Mình nghĩ ra ý tưởng viết bài này sau khi phải chuẩn bị cho mẹ và dì mình bay từ Việt Nam sang Indonesia. Dì mình biết 1 ít tiếng Anh nhưng chưa đi máy bay bao giờ. Mẹ mình thì bay trong nước hồi trẻ rồi đi nước ngoài vài lần nhưng lại là đi chung với mình. Chợt nghĩ...

Giá Sinh Hoạt Ở Indonesia

Mình tổng hợp danh sách giá cả đồ dùng và dịch vụ ở đây để mọi người tiện tham khảo. Giá cả mình chủ yếu dựa vào giá niêm yết của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hóa, quán cóc bên đường, nhà hàng, khách sạn,...tụi mình từng ghé ở đảo Java và Bali. Mình cũng...

Cuộc Sống Đời Thường ở Bali

Sau gần 4 tháng sống như người dân địa phương, đây là những kinh nghiệm tụi mình đúc kết được từ mua sắm, nấu nướng, ăn uống đến đi chơi, khám bệnh, cắt tóc, visa,...ở Bali, Indonesia. 1. ĐI CHỢ - NẤU ĂN Lúc đầu mới tới Bali, 2 đứa tìm chỗ mua nồi cơm điện. Tiếc tiền...

3 Điều có thể bạn chưa biết về Singapore

Là nước có mức sống đắt đỏ nhất thế giới từ năm 2014 đến nay, Singapore bỏ xa các thành phố nổi tiếng mọi người thường nghĩ đến như Paris, London, New York, Tokyo,… Nói đến Singapore, mình thường nghĩ đến đất nước an toàn nhất, sạch sẽ nhất nhưng cũng đau ruột nhất...

Những Điều Cần Biết Trước Khi đến Thái Lan

1. Visa: - Người Việt được miễn thị thực (visa) đến Thái Lan trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng trở lên và còn trang trắng để đóng dấu nhập, xuất cảnh. - Nếu bạn muốn ở lâu hơn 30...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Bali

Cập nhật lần cuối ngày 17/4/2017 1. Thị thực và Hộ chiếu (Visa & Passport): - Người Việt được miễn thị thực (visa) du lịch đến Bali/ Indonesia trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng...

Giá Sinh Hoạt Ở Indonesia

Giá Sinh Hoạt Ở Indonesia

Giá Sinh Hoạt Ở Indonesia

Mình tổng hợp danh sách giá cả đồ dùng và dịch vụ ở đây để mọi người tiện tham khảo. Giá cả mình chủ yếu dựa vào giá niêm yết của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hóa, quán cóc bên đường, nhà hàng, khách sạn,…tụi mình từng ghé ở đảo Java và Bali. Mình cũng có nhờ cô lau dọn và bác chủ nhà xem qua để đảm bảo giá này là hợp lý. Bài này đặc biệt dành riêng cho bạn nào muốn du lịch tự túc để tránh bị hớ hay chặt, chém gì đó.

Một số ghi chú nhỏ:

Giá cả theo vùng: Bali là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Indonesia. Do đó, giá cả ở Bali cao hơn toàn bộ phần còn lại của Indonesia. Chi phí ăn uống ở Java trung bình thấp hơn ở Bali khoảng 25% – 30%. Riêng Jakarta thuộc Java nhưng là thủ đô, mình chưa đến nên cũng không dám bàn. Các đảo khác như Lombok, Sumbawa, Komodo, Sumatra,…giá sinh hoạt phí đều rẻ hơn Bali.

Giá cả theo kích cỡ và số lượng: quần áo, giày dép, đồ dùng size lớn mắc hơn size nhỏ. Trái cây loại 1 và loại 2, theo mùa và trái mùa. Phần cơm chiên ở quán ăn này ít hơn phần ở quán ăn kia hoặc thành phần thịt, hải sản khác nhau nên giá có thể rẻ hơn.

Giá cả theo chất lượng hoặc nhãn hiệu: đồ bán trong chợ hoặc vỉa hè thường không đảm bảo chất lượng, không có nhãn hàng nên sẽ rẻ hơn hàng hiệu trong các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Tuy nhiên, những người bán hàng rong/ cửa hàng trong khu du lịch thường hét giá rất cao. Nên trả giá bắt đầu từ phân nửa giá trở lên. Nếu cảm thấy không mua được thì thôi.

1 IDR (Indonesian Rupee) = 1.7 VND. Để tính đơn giản, gấp đôi số tiền IDR sẽ ra số tiền VND tương đương.

I. WARUNG – QUÁN ĂN:

Warung là một quán ăn hoặc quán nước nhỏ bên đường, dạng quán ăn gia đình. Có khi là một xe đẩy bán cháo gà với vài ba cái ghế hoặc một quán ăn chỉ có 1, 2 bàn.

– Ở Bali, đồ ăn ở những warung nho nhỏ này là rẻ nhất và thường cũng dễ ăn và ngon nhất.

Ở Java, ngược lại. Những quán càng to bự, dòm càng lịch sự thì đồ ăn càng ngon, đa dạng và họ tính tiền cũng rất rẻ và đàng hoàng. Những quán lóc cóc bên đường (thậm chí không có chỗ ngồi) thì phải hỏi giá kỹ trước khi ăn/uống. Khi đạp xe, tụi mình đã bị mấy quán này chém giá gấp đôi, gấp ba cho 1 chai nước hoặc 1 phần ăn y chang ở cái warung to bự tụi mình tới sau đó.

– Trong nhà hàng, đồ ăn không có thịt cá thường sẽ rẻ hơn khoảng 40 – 50%. Nhưng nếu món đó có các lựa chọn thịt, hải sản thì ăn chay chỉ rẻ hơn khoảng 15%.

Đồ nấu chay phổ biến nhất ở Indo là tempeh, một dạng đậu nành nén lên men. Rất rẻ và phổ biến. Ở Java họ nấu tempeh rất dở, không nên ăn. Khi gọi món dặn họ không bỏ tempeh. Các warung ở Bali làm món tempeh đa dạng và ngon hơn nên có thể ăn được. Vài chỗ có đậu hũ nhưng không phổ biến như Việt Nam.

– Khi uống dừa tươi ở Java, phải dặn họ không bỏ đường, chỉ bỏ đá. Tụi mình uống dừa ở Java, chỗ nào họ cũng tự động bỏ đường thốt nốt vô trái dừa. Ngọt uống nhức đầu luôn.

Các món ăn phổ biến

Giá trung bình (IDR)

Ghi chú
Nasi Goreng (Cơm chiên)

15-25k/phần ăn ở các quán ăn nhỏ, địa phương, không sang trọng.

Nasi Campur (Cơm + các món tự chọn)Mỗi nơi làm mỗi khác, như cơm tấm, cơm phần của Việt Nam
Mie Goreng (Mì xào)Thường họ làm mì gói xào
Mie Bakso (Mì bò viên)
Sayur Campur (Rau xào thập cẩm)Giống như món Cap Cay
Ayam Lalapan (Gà chiên)
Ikan Bakar (Cá nướng)Ăn kèm cơm trắng/ khoai tây chiên
Soto Ayam (Miến gà)Ăn kèm cơm trắng + rau xào
Bubur Ayam (Cháo gà)Rất đặc, không lỏng và ngon như cháo VN
Nasi (Cơm trắng) gọi thêm

5 – 10k/phần

Bebek Goreng (Vịt chiên giòn)

260k/bữa ăn dành cho 2 người, nhà hàng mức trung bình khá, gọi khoảng 3 món.

Thường là 1 cái đùi vịt chiên giòn rụm ăn kèm với cơm trắng + rau xào
Ayam Bakar (Gà nướng)Có thể mua nửa con giá 45 – 50k/nửa con
Babi Bakar/panggang (Heo nướng)
Salad vườn
French fries (Khoai tây chiên)
Pisang Goreng (Chuối chiên)Không ngon như chuối chiên của Việt Nam
Bánh ngọt tráng miệng
Thức uốngGiá trung bình (IDR)Ghi chú
Teh Panas (Trà nóng)/ Es panas (Trà đá)5 – 15kLy
Nước ngọt coke, pepsi, frestea,…7 – 15k/chai
Jus (Nước ép trái cây, sinh tố)8 – 25k/lyGiá lên xuống tùy loại trái cây. Sinh tố thường mắc hơn nước ép.
Kopi (Cà phê) B7 – 25k/lyHọ thường pha cà phê để nguyên bột trong ly, khi uống phải tự chừa cặn lại
Aqua (Nước suối 600ml)2 – 8k/chaiNước đóng chai có nhiều hiệu nhưng Aqua là nhãn hiệu phổ biến, đáng tin cậy và rẻ nhất Indo.
Aqua (Nước suối 1.5l)5 – 12k/chai
Yakult (lốc 5 hộp)9k/l
Nước trái cây đóng hộp 1l 20 – 25k/hộp
Bir (Bia – Bintang (0.5l/1l)20k/40k chai
Anggur (Rượu vang – loại trung bình)220k/chai
Rorok (Thuốc lá – Marlboro)20k/gói

II. XE CỘ – DI CHUYỂN: 

– Ở Bali, nên thuê xe máy đi là tiện nhất. Giá trung bình 50k IDR/ngày. Nếu thuê dài hạn giá sẽ rẻ hơn. Đường sá Bali nhỏ hẹp, kẹt xe rất nhiều ở những điểm đông khách du lịch và cuối tuần.

– Nếu đi taxi, chọn taxi Blue Bird vì họ tính cước đồng hồ đàng hoàng.

– Gửi xe 1k-2k/lần gửi cho xe gắn máy.

Loại xe10 phút1 tiếng1 ngàyGhi chú
Ojek (Xe ôm)5-10k30k50k-100k
Taxi20k140k300k-400k
Bensin (Xăng 8k/lít tại cây xăngKhi đổ xăng nhớ chú ý xem đồng hồ tính tiền. Khi lấy tiền thối nhớ đếm lại.

III. TRÁI CÂY:

– Mua ở các tiệm chuyên bán trái cây, có cân điện tử đàng hoàng là rẻ và ngon nhất.

– Mua ở siêu thị thường mắc hơn một chút, trừ khi có khuyến mãi. Nhưng thường vẫn không tươi bằng mua ở các tiệm trái cây.

– Tuyệt đối không mua ở các sạp hàng bán lẫn trái cây và tạp hóa. Họ thường không cân và bán theo kg mà chỉ ướm (thường là dòm mặt mình báo giá). Lúc nào cũng mắc và đôi khi không ngon, tươi.

Trái câyGiá trung bình (IDR)Ghi chú
Pepaya (Đu đủ)5k/kgNgon ngọt, rẻ, có quanh năm, nên ăn.
Pisang (Chuối)10 – 25k/nảiCó nhiều loại chuối tiêu, chuối già, chuối chà bột,…
Pitaya/ Buah Naga (Thanh long đỏ)13k/kgNgon kinh khủng, không thấy thanh long ruột trắng.
Buluan (Chôm chôm)12k/kgBình thường, y chang chôm chôm tróc Việt Nam.
Salak/ Snake Fruit (Mây Indo)15 – 22k/kgĂn lạ lạ, giòn giòn nhưng thua xa Mây Thái.
Jeruk (Quýt)12 – 16k/kg
Mangga Harumanis (Xoài)12 – 35k/kgNgon, ngọt, có nhiều loại rất rẻ.
Melon Skyrocket (Dưa lưới)11k/kg
Melon Golden (Dưa vàng)13k/kg
Semangka Merah (Dưa hấu)6k/kgThường là loại dưa hấu không hạt, trái tròn
Kiwi55k/kg
Markisa (Chanh dây)26 – 54k/kgNgọt lịm, ăn rất ngon, nhất định phải thử.
Lemon (Chanh Mỹ)49k/kg
Srikaya (Mãng cầu xiêm)10 – 15k/kgDai và không ngon như mãng cầu xiêm Việt Nam
Kedondong (Cóc)15 – 20k/kgĂn cũng giống cóc xanh Việt Nam
Jeruk Bali (Bưởi)20k/tráiKhông ngon như bưởi Việt Nam, đừng ăn.
Manggis (Măng cụt)15 – 20k/kgGiống măng cụt Việt Nam
Nanas Bogor (Thơm/dứa)5 – 7k/tráiNgọt, không thấy trái nào chua bao giờ.

IV. QUẦN ÁO, GIÀY DÉP, ĐỒ GIA DỤNG:

Món đồGiá trung bình (IDR)Ghi chú
Kaos /Kemja Putra (Áo thun/sơ mi nam)20 – 60k/cáiMua ở siêu thị Hardy’s là rẻ và nhiều lựa chọn nhất. )Có cả phòng thử đồ.
Celana Pendek (Quần short)25 – 50k/cái
Celana (Quần dài)50 – 100k/cái
Sunglasses (Kiếng mát)50k/cái
Sandal (Dép)15 – 150k/đôiDép kẹp rẻ hơn dép xỏ quai
Sepatu (Giày)100 – 300k/đôiGiày thể thao
Gaun Pendek (Đầm ngắn)40 – 60k/cái
Gaun Panjang (Đầm dài)60 – 100k/cái
Handuk (Khăn)10 – 20k/cáiKhăn lông loại nhỏ vừa
Sabun Mandi (Xà bông tắm)2k/cục trở lên
Sampo (Dầu gội) 170ml22 – 25k/chai Các hiệu Pantene, Sunsilk, Clear, TRESemme
Pembalut (Băng vệ sinh)13k/góiHiệu Laurier, không cánh, 30 m
Băng vệ sinh hàng ngày17k/góiHiệu Carefree, 40 m
Giấy vệ sinh (8 cuộn, 3 ply)37 – 40k/bịchHiệu Tessa và Paseo
Khăn giấy 4 – 10k/góiHiệu Paseo
Topi (Nón)20 – 40k/cái
Kem đánh răng 160 gr10 – 26k/týphiệu Pepsodent
Pin tiểu Engergizer vỉ 2 cục13k/vỉ
Garam (Muối ngon) 500 gr3 – 5k/bịchMuối hiệu Dolphin mặn, ướt, ăn không ngon, đừng mua.
Gula (Đường) 500 gr15 – 20k/bịchHiệu Gulaku ngon và rẻ

Như đã nói từ trước, đây là giá các vật dụng thông thường, không phải là hàng hiệu nổi tiếng. Giá mình dựa vào những lần mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng tạp hóa địa phương.

V. XEM PHIM – CẮT TÓC – MASSAGE:

– Vé xem phim thông thường ở Cinema XXI (Như CGV của mình): 50k IDR/vé ngày thường, 60k thứ Sáu, 70k cuối tuần và ngày lễ.

Tiệm khá lịch sự, nhân viên nói tiếng Anh:

– Gội, cắt, sấy cho nam: 80k IDR/lần

– Gội , cắt, sấy cho nữ: 140k IDR/lần. Chỉ tỉa tóc 100k IDR/lần.

– Massage: 60k IDR cho 30 phút. Từ 150 – 190k IDR cho 70-90 phút.

VI. KHÁCH SẠN: 

Giá khách sạn ở Java nhìn chung đắt hơn ở Bali do không có cạnh tranh. Trung bình một đêm ở khách sạn có máy lạnh, không có nước nóng là 17 – 20 USD/đêm. Thường không bao gồm ăn sáng hoặc ăn sáng rất đơn giản. Trứng luộc, cà phê/trà hoặc cơm chiên.

Ở Bali, do hệ thống nhà nghỉ khách sạn rất phát triển, giá cả và chọn lựa rất đa dạng. Có thể thuê một phòng đẹp với giá 10 – 12 USD/đêm. Phòng máy lạnh đắt hơn phòng quạt khoảng 5 – 10 USD. Các khách sạn resort 4-5 sao có giá trung bình từ 80 USD/đêm tùy địa điểm và mùa cao điểm hay vắng khách.

Tất cả các phòng thường có 2 giường (twin bed) hoặc giường đôi (double bed) nên giá phòng thường đã bao gồm 2 người. Rất ít nơi thu phí thêm người thứ 2.

Nếu thuê tháng thì giá căn hộ 1 phòng ngủ/ studio ở khu trung tâm từ 3 triệu IDR/tháng trở lên.

Wifi ở Indonesia không ổn định, có nơi có, có nơi không.

VII. CÔNG AN GIAO THÔNG:

Sau khi đến Sanur, tụi mình thuê xe máy chứ không chạy xe đạp. Tuy vậy, hơn 4 tháng sống ở đây, tụi mình chỉ bị công an gọi vào 3 lần.

Về nguyên tắc, khi chạy xe máy ở Indo, mình phải đội nón bảo hiểm và có bằng lái xe của Indo. Muốn được cấp bằng lái xe này chỉ việc đến bất kỳ sở cảnh sát nào đó, trả 300k IDR (khoảng 600k VND) thì họ sẽ cấp cho. Bằng lái xe quốc tế cũng không được công nhận ở đây.

Tuy nhiên, do kinh tế của Bali hoàn toàn phụ thuộc vào du lịch hay do tụi mình hên thì không biết, mình thấy công an ở đây rất lịch sự. 3 lần gọi vào họ đều hỏi giấy tờ xe. Sau khi mình đưa thì họ hỏi mình người ở đâu, đến Bali mấy lần rồi, ở lâu chưa, blah blah blah. Xong rồi họ trả lại giấy xe, dặn mình chạy cẩn thận, nhớ đội nón bảo hiểm (lúc nào cũng đội). Rồi thôi.

Nhưng trong giới du lịch ở Indo, mọi người đồn công an giao thông ở đây cũng rất hay làm khó nhưng dễ thông cảm nếu mình biết điều. Tiền uống cà phê cho các anh thông thường khoảng từ 30k – 50k IDR nếu không có bằng lái hoặc không đội mũ bảo hiếm. Và tiền đó để riêng ra ở 1 túi để dễ bề năn nỉ là tui hết tiền rồi hay quên đem tiền gì đó. Khi đưa, nhớ đưa hiên ngang để mấy anh lấy cho nhanh vì mấy anh cũng sợ người khác thấy.

Đây hoàn toàn là tin đồn còn kinh nghiệm bản thân thì chưa trải qua nên không dám khẳng định. Nếu ai có nguồn nào khác thì xin thoải mái chia sẻ để mọi người cùng tham khảo.

 

VÀI BÀI HỌC KINH NGHIỆM…

Mình chưa bao giờ du lịch kiểu bụi cho đến khi đi chuyến này. Do đó, cách nhìn của mình cũng có nhiều thay đổi so với lúc trước, khi còn ở Việt Nam. Mình chỉ có vài chia sẻ thế này

1. Đừng nổi nóng khi bị ai đó lừa/ ăn gian của bạn vài chục ngàn đồng.

Ngày xưa ở Việt Nam, đi chơi với mấy đứa bạn nước ngoài, mình cũng vài lần nổi điên vì một bà bán cho nó gói xôi giá 80 ngàn; một ổ bánh mì dưa leo đồ chua 10 ngàn; không thối lại 3 ngàn tiền thối; vân vân và vân vân. Rồi quên. Không lấy gì làm quan trọng với cung cách lừa lọc của một bộ phận nhỏ người Việt Nam mình.

Khi đi Campuchia, Thái Lan và Malay, người dân họ rất đàng hoàng. Tính tiền như giá địa phương. Nên khi qua tới Indo tụi mình không bao giờ hỏi giá trước khi ăn uống. Thế là bị chém liên tục. Cứ hy vọng rồi thất vọng. Chắc chỉ có chỗ đó thôi, mấy chỗ này dòm họ đàng hoàng chắc không sao… Lúc đầu cũng tức lắm. Thấy bán mình trái dừa 25 ngàn, chai nước ngọt 20 ngàn là đủ điên rồi. Dĩ nhiên, mình tức không phải vì mất vài ngàn bạc. Thử đi chơi ở mấy nước phát triển đi, ăn ổ bánh mì thịt cả 5 đô mà cũng phải mua. Chai nước uống chút xíu cũng 2 đô chẳng hạn. Mà tức ở đây là tức mình bị lừa. Tức là họ không đàng hoàng. Dù chỉ vài ngàn. Và không ai thích cảm giác bị lừa hết. Dù nhiều hay ít.

Nhưng nghĩ lại. Ở Việt Nam mình cũng bị lừa hoài :). Rồi nhìn cái nhà họ nhỏ xíu cũng là cái quán, chen chúc mấy người ở đó mà trống trơ trống hoác, nghèo nàn, bẩn thỉu. Thì thôi, mình nghĩ, lấy của mình thêm vài ngàn để họ được một bữa chợ. Kể như làm phước :). Rút kinh nghiệm, lần sau hỏi giá cho kỹ trước khi ăn/uống.

2. Nếu gặp chuyện không hài lòng, nhất định phải nói cho người có trách nhiệm biết

Mình có cái thói quen cũ kỹ, dở òm là đi đến đâu có gì đó không vừa lòng là im luôn. Mai mốt không đi tới chỗ đó nữa.

Fraser không có như vậy. Khi gặp chuyện không vừa ý, ảnh không bao giờ nổi giận. Nhưng ảnh cũng không bao giờ bỏ qua như không biết.

Nếu ăn dĩa cơm thấy có con ruồi chết/kim ghim, ảnh sẽ đợi lúc tính tiền, trả tiền đầy đủ rồi đưa con ruồi ra nói cho người ta biết.

Wifi của khách sạn chập chờn, khách ở mấy phòng khác cười giỡn ồn ào thâu đêm suốt sáng, ảnh sẽ nói với bác chủ nhà ngay. (Chứ không như mình, muốn thò mặt ra cho cái lũ trẻ trâu đó một trận!)

Đi đến một nhà hàng ghi là có đồ ăn chay (vegetarian friendly) mà trên thực đơn chỉ có mỗi món xà lách là chay, ảnh cũng sẽ góp ý.

Cứ như vậy, đi đến đâu, sau vài lần ăn chỗ quen, ảnh cũng được giảm giá hoặc tính giá tối thiểu khi mua đồ ăn, thức uống. Đôi khi được tặng thêm đồ tráng miệng miễn phí gọi là đền bù thiệt hại.

-> Mọi chuyện đều sẽ được giải quyết êm đẹp. Mà mình lại cho người ta cơ hội để làm dịch vụ tốt hơn.

3. Luôn cẩn thận tiền bạc khi đi chơi

Ngày xưa, đi ăn uống, chả mấy khi xem bill, chỉ dòm tổng số tiền rồi trả. Có đi cả nhóm chia chác nhau, cũng chả buồn quan tâm, để ý. Nói nhiêu trả nhiêu.

Bây giờ, ăn gì, mua gì, cũng đều tính toán lại cẩn thận. Nhờ đó, mà tránh được vài lần tính nhầm.

2 đứa bạn mình từ Úc qua Bali chơi. Đi ăn quán ăn mình giới thiệu. Lúc tính tiền, tụi nó nhớ trong bài mình viết giá nhiêu đó, mà sao bill tính tiền tới nhiêu đây. Giở lại thực đơn kiểm tra, mỗi món bị tăng lên 5k IDR, gọi phục vụ lại hỏi. Họ nói họ tính nhầm :). Nhờ vậy, không bị mất tiền, dù là món tiền nhỏ. Mà lần sau quán làm ăn cũng cẩn thận hơn. Có muốn lừa khách, cũng sợ không dám.

Rồi đến bây giờ mà mình vẫn nghe có người để tiền trong balô/túi xách gửi ở sân bay hoặc ở gầm xe buýt, bị mất.

Trời ạ. Thời buổi nào rồi mà không biết là tiền và các giấy tờ quan trọng phải luôn luôn mang theo bên người? Cũng như phải luôn có 1 xấp giấy vệ sinh và vài cục kẹo trong túi khi đi chơi xa :). Trước khi đi, 2 đứa tụi mình phải mua luôn 2 cái túi bao tử, đeo như mấy tên việt kiều rởm, để được là của đâu người đó. Dòm hơi gớm, nhưng rất an toàn 🙂

 

Nhìn chung, Bali/ Indonesia khá ổn. Không thấy có trộm cướp, giết người, giựt dọc gì hết. Người dân cũng thân thiện, vui vẻ, lành tính. Nếu có cơ hội, nên đến Indonesia 1 lần cho biết vì họ miễn visa du lịch cho người Việt. Không cần phải đến Bali. Trung tâm và phía đông đảo Java có rất nhiều địa điểm đẹp để tham quan. Các đảo Lombok, Sumbawa, Komodo,…đều còn hoang sơ, cảnh rất đẹp và chi phí rẻ. Du lịch ở Indonesia chi phí tương đương với Thái Lan, rẻ hơn Malaysia mà dịch vụ lại phát triển hơn Campuchia. Nếu ai đến Bali chơi nhớ hú mình để mình cung cấp cho thêm vài tips nhé!

?

Các Bài Viết Về Indonesia

Bali – Đảo Thiên Đường

Bali - Đảo Thiên Đường (Paradise Island)   Bali là vùng đất rất thanh bình, người dân thân thiện, mức sống vẫn còn đang phát triển nên chi phí sinh hoạt thấp. Đặc biệt Bali rất an toàn. Nhiều nơi nhà ở không cần khóa cửa. Xe để ngoài đường không cần khóa cổ. Bali...

A glimpse of East Java, Indonesia – Vài Hình Ảnh ở đảo Java, Indonesia

A GLIMPSE OF EAST JAVA, INDONESIA - VÀI HÌNH ẢNH Ở ĐẢO JAVA, INDONESIA With a population of over 141 million (the island itself) as of 2015 Census released in December 2015, Java is home to 56.7 percent of the Indonesian population and is the most populous island on...

Temples In Bali – Những Ngôi Đền Ở Bali, Indonesia

TEMPLES IN BALI - NHỮNG NGÔI ĐỀN Ở BALI 1. Tanah Lot Address: Beraban, Kediri, Tabanan Regency, Bali, Indonesia. Open hours: 7AM - 7PM Entrance fee: 70.000 IDR/person 2. Pura Besakih Address: Desa Besakih, Rendang, Besakih, Rendang, Kabupaten Karangasem, Bali 80863,...

10 Quán Ăn Ngon Ở Sanur

Sau khi đi chơi 1 vòng quanh đảo với gia đình, tụi mình may mắn thuê được 1 căn hộ dạng studio rất thoải mái ở Sanur. Bác chủ nhà siêu dễ thương, giá thuê quá tốt, vị trí lại cực kỳ thuận lợi để đi bất cứ đâu. Thế nên tụi mình chỉ ở chỗ đó cho đến ngày rời Bali. Do...

5 Quán Ăn Ngon Ở Ubud

Ubud có vô số các quán ăn ngon. Tuy nhiên, với tiêu chí ngon và giá hợp lý, đáng tiền. Tụi mình lọc lại 5 quán ưa thích sau ở Ubud, Bali, Indonesia. 1. WARUNG IGELANCA Địa chỉ: Jl. Raya Ubud, Padangtegal Kaja, Ubud, Gianyar, Kabupaten Gianyar, Bali 80571. +62 361...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Indonesia

Tất cả những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình trải qua sau khi sống ở Indonesia (Java, Bali) hơn 8 tháng với người địa phương. Ở Java, tụi mình chỉ nhận xét từ sân bay Juanda (Surabaya) đến Banyuwangi (điểm cuối của đảo Java trước khi qua Bali). Về Bali, do tụi...

Balinese Offerings – Nghi Thức Thờ Cúng Của Người Bali

BALINESE OFFERINGS - NGHI THỨC THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI BALI Balinese Offerings (Canang sari) are offered every day as a form of thanking for the peace given to the world. It is the simplest daily household offering. Canang sari will be seen in the Balinese temples (pura),...

Nyepi – Tết Bali với lễ hội đón mừng năm mới Melasti & Bhuta Yajana

Tụi mình may mắn vẫn ở Bali vào thời điểm Tết cổ truyền của họ năm nay. Đây là ngày tết mừng năm mới rất đặc biệt. Không giống như các nơi khác trên thế giới, mọi người thường vui chơi, hội hè với các hoạt động náo nhiệt; Nyepi ở Bali là ngày tất cả mọi người trên đảo...

Balinese Doors – Những Cánh Cổng Ở Bali, Indonesia (2)

BALINESE DOORS - NHỮNG CÁNH CỔNG Ở BALI (2) Beautiful Balinese doors I've captured on the trip around this island (updated). Những cánh cổng ở khắp đảo Bali mình chụp được trên đường đi chơi vòng quanh đảo (tt). facebook Instagram...

Balinese Doors – Những Cánh Cổng Ở Bali, Indonesia

BALINESE DOORS - NHỮNG CÁNH CỔNG Ở BALI, INDONESIA Beautiful Balinese doors I've captured on the trip around this island. Những cánh cổng đẹp ở Bali mình chụp trên đường đi chơi vòng quanh đảo. DENPASAR SANUR SEMINYAK UBUD AMED GEROKGAK - LOVINA GILIMANUK facebook...

Giá Sinh Hoạt Ở Indonesia

Mình tổng hợp danh sách giá cả đồ dùng và dịch vụ ở đây để mọi người tiện tham khảo. Giá cả mình chủ yếu dựa vào giá niêm yết của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hóa, quán cóc bên đường, nhà hàng, khách sạn,...tụi mình từng ghé ở đảo Java và Bali. Mình cũng...

Cuộc Sống Đời Thường ở Bali

Sau gần 4 tháng sống như người dân địa phương, đây là những kinh nghiệm tụi mình đúc kết được từ mua sắm, nấu nướng, ăn uống đến đi chơi, khám bệnh, cắt tóc, visa,...ở Bali, Indonesia. 1. ĐI CHỢ - NẤU ĂN Lúc đầu mới tới Bali, 2 đứa tìm chỗ mua nồi cơm điện. Tiếc tiền...

4 Quán Ăn Ngon Rẻ ở Seminyak

Seminyak là một trong những khu vực đông đúc, nhộn nhịp, nhiều khách du lịch nhất Bali. Các quán ăn ở đây khá mắc do đó mình chọn ra 4 quán này rất rẻ mà ngon để giới thiệu với mọi người. 1. WARUNG LUHRON Địa chỉ: Jl. Cendrawasih no. 17, Seminyak 80361, Bali,...

Những Điều Cần Biết Trước Khi Đến Bali

Cập nhật lần cuối ngày 17/4/2017 1. Thị thực và Hộ chiếu (Visa & Passport): - Người Việt được miễn thị thực (visa) du lịch đến Bali/ Indonesia trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng...

Bạn muốn theo dõi hành trình của mình?

Đừng để lỡ bài viết mới nào nhé!

You have Successfully Subscribed!