Mình nghĩ ra ý tưởng viết bài này sau khi phải chuẩn bị cho mẹ và dì mình bay từ Việt Nam sang Indonesia. Dì mình biết 1 ít tiếng Anh nhưng chưa đi máy bay bao giờ. Mẹ mình thì bay trong nước hồi trẻ rồi đi nước ngoài vài lần nhưng lại là đi chung với mình. Chợt nghĩ có thể ai đó cũng cần những thông tin như thế này để đỡ bối rối, lọng cọng khi đi nước ngoài bằng máy bay lần đầu tiên.
I. TRƯỚC KHI BAY:
1. Mua vé:
– Mua online thường sẽ được giá rẻ nhất. Sau khi mua mình sẽ nhận được qua email số đặt chỗ và lịch trình bay cùng các thông tin liên quan đến chuyến bay. Tụi mình thường mua vé trên www.skyscanner.com hoặc www.kayak.com bằng chế độ Incognito/ Browse in Private để tìm được giá tốt.
Trước chuyến bay 24 giờ mình có thể check-in online để chọn chỗ ngồi và lấy boarding pass (thẻ lên máy bay) để rút ngắn thời gian làm thủ tục. Sau khi hoàn tất check-in nên in ra giấy mang theo hoặc lưu lại trong điện thoại để có thể mở ra lúc nào cũng được mà không cần wifi hay 3G.
Một cái boarding pass tiêu biểu. Các thông tin quan trọng cần nhớ nhất là: Flight (số hiệu chuyến bay),Time (giờ bay), Gate (cổng khởi hành)
2. Đóng hành lý:
– Kiểm tra quy định của từng hãng về cân nặng và kích thước cho phép của vali/ hành lý trước khi bay. Nếu quá ký hoặc quá cồng kềnh sẽ bị trả thêm phí rất mắc. Hành lý ký gửi thường được mang tối đa 7kg
– Passport, giấy tờ tùy thân khác, tiền, vật dụng cần thiết nhỏ nhỏ (dầu gió, kẹo ngậm, khăn giấy, tai nghe, sách, mắt kiếng, …) để trong hành lý xách tay để có thể lấy ngay khi cần. Mang theo 1 cây bút bi để điền các form giấy tờ khi cần thiết. Mang theo thuốc chống say xe/say máy bay nếu dễ bị say.
– Dán nhãn hành lý ký gửi và làm dấu gì cho hơi đặc biệt chút để mình dễ nhận ra (cột cọng dây màu hồng, dán cái sticker lấp lánh,…ở quai đeo chẳng hạn)
– Quần áo mang theo nên cuộn tròn lại để tiết kiệm diện tích và không bị nhăn.
3. Chuẩn bị các giấy tờ/ thông tin cần thiết:
– Passport phải còn thời hạn ít nhất 6 tháng
– Visa (nếu có)
– Giấy chứng nhận tiêm ngừa vaccine (nếu yêu cầu)
– Ghi lại địa chỉ nhà/ khách sạn ở nước mình sắp đến để phòng khi cần điền vào tờ khai nhập cảnh.
– Kiểm tra quy định của nước mình đến về các vật dụng, đồ không được nhập cảnh (hạt giống, thức ăn, rượu, ma túy,…) để không mang theo, tránh bị bỏ phí hoặc thậm chí bị phạt, tù.
– Hầu hết các sân bay lớn đều có các hệ thống vận chuyển khác ngoài taxi như tàu cao tốc, xe buýt, xe điện ngầm. Một số loại hình giảm giá khi mua vé online (KLIA Ekspres ở Kuala Lumpur, giảm 10 – 20% khi mua online, mua 2 chiều), (Hongkong Airport Express giảm 30% mua 2 chiều online), hoặc rất rẻ so với taxi (Gojek ở Bali, Indonesia, cũng xe hơi đón đưa mà phí rẻ bằng ¼ giá taxi sân bay), taxi ở Singapore chỉ nhận tiền mặt hoặc thẻ Mastercard (không nhận Visa card)…→ Nên tìm hiểu kỹ trước khi đến để giảm chi phí.
II. TẠI SÂN BAY:
– Có mặt ở sân bay ít nhất 2 tiếng trước giờ bay
– Chỉ có xe hơi/taxi được vào tận nơi trước ga đi. Nếu đi xe máy hoặc nhờ bạn bè chở đi thì cần trừ hao thời gian gửi xe/ đi bộ đến ga đi quốc tế,…
– Trên máy bay rất lạnh nên nếu ai không chịu lạnh được nên mặc quần dài, áo khoác, mang vớ, khăn choàng để giữ ấm. Ăn mặc thoải mái nhưng tươm tất, lịch sự.
– Luôn cầm trên tay passport và booking/boarding pass trong khu cách ly để nhân viên sân bay dễ kiểm soát.
– Không xách đồ dùm bất cứ ai, không để ai xách đồ của mình trong sân bay.
– Các thủ tục, quy trình trong khu cách ly:
1) Vào cổng ga đi quốc tế (Departure). Ở sân bay quốc tế TSN là trên lầu 2.
2) Tìm màn hình TV có thông tin các chuyến bay, số hiệu, nơi khởi hành, nơi đến, giờ bay, hãng bay, quầy làm thủ tục -> tìm số quầy mình sẽ làm thủ tục check in (cột Check in) và xem họ đã mở quầy cho chuyến bay của mình hay chưa. Thông thường chỉ mở quầy cho bắt đầu check in trước giờ bay 2 tiếng.
Bước đầu tiên khi vô khu vực cách ly là phải tìm mấy cái màn hình như thế này
3) Đến quầy làm thủ tục check in dành cho chuyến bay của mình (ví dụ H10 hay Z9) nếu chưa check in online hoặc có hành lý ký gửi. Xếp hàng, cân và gửi hành lý ký gửi, lấy boarding pass. Khi check in có thể yêu cầu nhân viên cho mình ngồi ghế kế cửa sổ hoặc kế lối đi, nếu còn ghế trống. Hành lý ký gửi sẽ được đưa vào băng chuyền để hải quan và an ninh hàng không soi chiếu, kiểm tra.
Ở đây, nếu mình bay nhiều chặng/quá cảnh, nhân viên sẽ đưa cho mình 2/3/4 boarding pass. Nếu không đưa, mình nên hỏi.
Hành lý ký gửi thường sẽ tự động chuyển lên máy bay tiếp theo cho mình. Nếu mình phải tự chuyển, nhân viên sẽ thông báo điểm dừng mình phải lấy hành lý.
Một quầy check in ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur
– Nếu vì lý do gì đó mà vài món hàng hoặc hành lý yêu cầu phải đóng gói và gửi ký gửi chứ không được xách tay, có thể tìm quầy bọc hành lý (Luggage Wrapping Service) để đóng gói.
– Nếu không có hành lý ký gửi mà quên in ra boarding pass đã check in online, có thể in lại ở một vài quầy in tự động (có thể thu phí)
4) Qua cổng Hải quan và An ninh soi chiếu hàng không.
+ Xuất trình passport và boarding pass để An ninh hàng không kiểm tra.
+ Bỏ hành lý xách tay, điện thoại và các vật dụng trong người khác cho vào khay cho chạy qua máy soi chiếu hành lý
+ Trên tay vẫn cầm passport và boarding pass đi qua cổng rà kim loại. Vừa qua cổng thì đón lấy hành lý đã soi xong của mình đi tiếp.
5) Đến công an cửa khẩu: xếp hàng theo quốc tịch, đưa passport và boarding pass cho công an cửa khẩu kiểm tra, đóng dấu xuất cảnh. Họ thỉnh thoảng sẽ hỏi mình đi đâu, với mục đích gì, đi với ai,…
+ Đối với những chuyến bay từ Việt Nam đi Úc, thêm 1 bước xuất trình passport, boarding pass, qua máy rà kim loại hành lý xách tay cá nhân 1 lần nữa trước khi lên máy bay.
6) Tìm Cổng (Gate) ra máy bay ghi trên Boarding Pass, đến đó tìm ghế ngồi chờ đến khi có thông báo lên máy bay.
+ Wifi tại các sân bay thường mạnh nhưng đều yêu cầu phải đăng ký và thường chỉ cho phép mỗi người sử dụng từ 1 – 2 tiếng.
+Có thể sạc điện thoại miễn phí tại các chốt có lỗ cắm (Charging Station) nhưng mọi người xí chỗ cắm rất nhanh.
+ Đi vệ sinh hoặc uống nước trong lúc ngồi chờ.
Các hãng hàng không giá rẻ không phục vụ bữa ăn miễn phí mà phải trả tiền (thường là mì gói hoặc các thứ khác cũng rất dở) nên nếu chuyến đi dài, nên ăn trước khi đến hoặc ăn ở các nhà hàng trong sân bay trong khi chờ. Nếu muốn tiết kiệm, mang theo vài món đồ khô đơn giản, không mùi như bánh mì ngọt. Các hãng chính thống có phục vụ bữa ăn cho chuyến bay từ 2.5 – 3 tiếng trở lên.
+ Tranh thủ mua hàng miễn thuế. Nên mua rượu, nước hoa hoặc bánh kẹo sô cô la. Lưu ý, các quầy miễn thuế khác các quầy hàng thương nghiệp. Hàng miễn thuế tốt và rẻ hơn thị trường. Các quầy hàng khác thường không có gì đặc biệt và mắc hơn giá thị trường.
7) Lên máy bay khi có thông báo boarding.
Thông thường sẽ boarding theo vị trí ghế ngồi hoặc ưu tiên. Tốt nhất, đợi mọi người xếp hàng đi gần hết rồi mình hẵng vào hàng để khỏi phải đứng chờ lâu.
III. TRÊN MÁY BAY:
Từ cổng chờ lên máy bay đến máy bay có 2 cách lên: đi qua ống lồng hoặc lên xe buýt miễn phí chở ra máy bay. Đi ống lồng rất đơn giản, người khác đi trước mình theo sau như đi trong hành lang lên máy bay. Nếu đi xe buýt thì nên nhanh nhẹn (nhưng đừng chen lấn) lên trước sẽ có chỗ ngồi. Lên sau sẽ đứng hơi mệt dù chỉ mất khoảng 5 – 10 phút.
Trước khi lên máy bay cầm boarding pass để biết số ghế của mình. Đi dọc theo hàng ghế nhìn lên trên kệ để đồ để tìm đến số ghế rồi tìm vị trí chữ để ngồi. Ngồi đúng số ghế của mình. Một vài máy bay nhỏ không có số ghế thì có thể ngồi tùy ý (nhưng rất hiếm). Sau khi máy bay cất cánh, nếu các ghế kế bên còn trống mình có thể di chuyển hoặc nâng tay vịn lên để nằm nghỉ nếu mệt.
Trong trường hợp này là dãy ghế số 31A (kế cửa sổ), 31B (ở giữa) và 31C (kế lối đi). Ngăn đựng hành lý ngay phía trên.
– Hành lý nếu hơi to thì để lên hộp đựng hành lý trên đầu ghế ngồi. Nếu kệ hành lý qúa cao hoặc hành lý qúa nặng, nhờ tiếp viên bỏ lên giúp. Nếu nhỏ gọn có thể để phía dưới ghế của người ngồi trước mình. Không để ngay dưới chân mình.
– Sau khi ổn định, tiếp viên hoặc màn hình sẽ hướng dẫn các quy định an toàn bay cho mọi người.
– Cài dây an toàn
– Tất cả các chuyến bay đều cấm hút thuốc.
– Khi máy bay chuẩn bị cất cánh và hạ cánh: nuốt nước miếng để tránh ù tai, cài dây an toàn, không sử dụng thiết bị điện tử, không hạ ghế ngả ra sau mà về vị trí ngồi thẳng, kéo màn cửa sổ lên, không được đi vệ sinh.
– Nút điều chỉnh ngả ghế ở ngay tay vịn ghế. Chú ý không làm phiền người ngồi trước, sau và kế bên mình (không gác chân lên trước, không ngả ghế quá sâu ra sau, không chiếm tay vịn người ngồi kế bên, không nói chuyện ồn ào,…)
– Nếu lạnh, có thể hỏi các tiếp viên để mượn/ mua mền đắp. Nếu mượn, nhớ trả lại khi đến nơi.
– Ngay phía trước mặt là túi đựng tạp chí, hướng dẫn an toàn bay. Trong đó cũng có 1 túi giấy để nôn/ói khi bị say.
– Nhà vệ sinh thường ở 2 đầu máy bay. Đèn ký hiệu màu đỏ là có người, đèn ký hiệu màu xanh là đang trống. Để mở cửa, nhấn vào giữa. Khi vào trong, kéo chốt ngang cho đến khi thấy chốt kéo sang màu đỏ. Trong nhà vệ sinh một số hãng có để sẵn cả băng vệ sinh phụ nữ trong hộc cho khách sử dụng.
Trong trường hợp này, toilet phía bên trái màu xanh (trống, không có người sử dụng) còn toilet phía bên phải màu đỏ (có người đang sử dụng)
– Tạp chí trên máy bay bây giờ thường có bản online, không nên lấy đi bản giấy sau mỗi chuyến bay như lúc trước.
– Trên đầu mỗi người thường có 2 hàng nút (máy lạnh và đèn), mỗi hàng có 3 cái (tương ứng với 3 ghế). Chỉnh máy lạnh bằng cách vặn, chỉnh đèn bật tắt bằng cách nhấn. Chỉ chỉnh cái thuộc vị trí ghế mình ngồi, không chỉnh cái của người khác.
3 nút phía trên là máy lạnh của 3 ghế, vặn để điều chỉnh. 3 cái nút ở giữa là 3 công tắc đèn (nhấn bật/tắt). Nút có hình người là nút để gọi tiếp viên
– Một vài hãng có màn hình ngay trước mặt (sau lưng ghế phía trước) để mình tùy ý điều chỉnh xem phim hoặc nghe nhạc (có cung cấp tai nghe) trong suốt chuyến bay. Hầu hết các hãng đều không có dịch vụ này.
– Khi máy bay hạ cánh, ngồi chờ cho những người phía trước lấy hành lý và đi xuống trước. Đến phiên mình thì nhanh nhẹn đi ra không để người phía sau chờ.
– Chào và cám ơn tiếp viên đứng ở cổng ra máy bay.
IV. XUỐNG MÁY BAY – ĐẾN NƠI
– Đi theo mọi người xuống sân bay
– Tìm nhà vệ sinh gần nhất rửa mặt cho tỉnh táo.
– Nếu đi quá cảnh để bay tiếp đến một nơi khác thì tìm theo bảng hiệu “Transit/ Transfer/Flight Connection” để tìm cổng chờ lên chuyến bay kế tiếp.
Khi check in ở sân bay lúc đi, nhân viên đã đưa cho mình 2 (hoặc 3,4) boarding pass cho toàn bộ hành trình. Dựa vào boarding pass của từng điểm khởi hành và kết thúc mà mình tìm cổng (Gate) để lên máy bay tiếp theo. Nếu không tìm thấy cổng thì hỏi bất kỳ nhân viên mặc đồng phục nào trong sân bay.
1) Nếu không quá cảnh thì tìm theo bảng hiệu “Arrival” để nhập cảnh vào nước đó
2) Điền vào tờ khai hải quan (Customs Declaration Form) hoặc tờ khai nhập cảnh (Arrival Card).
Thông thường các tờ này sẽ để ở các bàn trống, mọi người sẽ đổ xô vào điền. Mình nên đến xem và điền theo. Nếu không thấy có thì nghĩa là những chuyến bay đó không yêu cầu (theo kinh nghiệm cá nhân vì có lúc điền, lúc không). Đôi khi tiếp viên phát cho mọi người ngay trên máy bay trước khi hạ cánh.Tùy từng nước mà form mẫu sẽ khác nhau.
3) Xếp hàng đến phần duyệt nhập cảnh của công an cửa khẩu (Immigration Department). Đưa passport và boarding pass để nhân viên kiểm tra và đóng dấu nhập cảnh.
Hầu hết các sân bay đều yêu cầu lấy dấu vân tay (2 ngón trỏ/2 ngón cái/cả bàn tay) và chụp hình (nhìn vào camera) khi kiểm tra ở bước này. Không đội nón, không đeo kính mát, không trùm đầu (trừ người Hồi Giáo).
Bên Úc hay quên đóng dấu xuất nhập cảnh, nếu ai muốn có dấu trong passport, nên kiểm tra và yêu cầu họ đóng dấu vô cho mình.
4) Đến quầy lấy hành lý ký gửi. Tìm màn hình thông báo chuyến bay của mình sẽ trả hành lý ở quầy số mấy thì đến đó chờ hành lý chạy ra. Thấy đúng của mình thì đến tự khiêng lấy. Nếu nhiều hành lý, nên lấy sẵn 1 xe đẩy để chất lên đẩy cho đỡ nặng.
5) Qua cổng kiểm tra hải quan. Nếu không có gì đặc biệt để khai báo thì ra cổng bình thường. Cho toàn bộ hành lý qua máy soi chiếu lần cuối. Đôi khi hải quan sẽ kiểm tra đột xuất 1 hành khách bất kỳ hoặc 1 túi hành lý bất kỳ. Điều này hoàn toàn bình thường.
+ Tranh thủ mua hàng miễn thuế
6) Ra cổng đến.
Chỗ đón taxi/xe buýt/tàu cao tốc hoặc chờ người quen đón ở mỗi sân bay quy định khác nhau. Nên theo các bảng chỉ dẫn hoặc hỏi nhân viên mặc đồng phục để tìm cho nhanh và chính xác. Có thể rút tiền ở các cây ATM trong sân bay để có tiền mặt ngoại tệ nước đến.
Có thể mua Simcard điện thoại trong sân bay để tiện liên lạc hoặc sử dụng 3G
Đó là tất cả thông tin mình nhớ ra khi đi nước ngoài bằng máy bay. Nếu ai thấy còn thiếu gì hoặc có gì cần bổ sung thì cứ comment bên dưới nhen.