Kota Bharu phát triển đến không ngờ so với những thành phố gần biên giới (lại vẫn theo hiểu biết hạn hẹp của mình). Siêu thị, ngân hàng, quán ăn, khu vui chơi, nhà thờ Hồi giáo to vật vã. Nhà cửa đẹp, sang trọng. Đường sá thênh thang, quy củ, trồng hoa cảnh khắp nơi. Hệ thống thoát nước trên đường nhiều, to và rất hệ thống.
Về sau mới biết, thành phố này có khí hậu nhiệt đới gió mùa, kế bên vùng rừng mưa nhiệt đới nên chẳng có mùa nào trong năm là không mưa. Chỉ có mùa mưa to hơn từ tháng 8 – tháng 1 và mùa mát hơn từ tháng 12 – 2. Mưa nhiều vậy nên mấy cái nắp cống to kinh khủng và khe rộng kinh khủng. Mỗi lần đi ngang qua mình cứ sợ bị rớt xuống đó thì chết (!?!). Những nắp cống ở vùng khác ở Malay cũng to, nhưng không nhiều như ở đây. Mình mà đặt tên thì mình gọi đây là thành phố Nhiều nắp cống.
Cũng cần nói thêm, trong tiếng Malay, Kota Bharu có nghĩa là “thành phố mới” hoặc là “Lâu đài mới”. Bharu/Bahru/Baru/Baharu có nghĩa là “mới”. Còn Kota có nghĩa là “thành phố”.
Trong sân nhà nghỉ của tụi mình ở Kota Bharu
Ở đây có rất nhiều quán ăn ngon và khá rẻ. Ở ngay gần nhà nghỉ tụi mình có một chỗ như food court của người Hoa, bán vào buổi sáng. Họ có chừng 3 quầy hàng: mì hủ tíu, cơm và nước uống. Bàn tròn to cứ xếp ra ở khu vực chung, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Cũng như nhiều nơi khác ở Malaysia, luôn có 1 bồn rửa tay ngay gần cửa ra vào. Tụi mình ăn chay, không biết nói làm sao. May có 1 chị người Hoa biết tiếng Anh tới nói giúp. Đến lúc tính tiền thì mình đã nghe được số và nói “xiexie” rồi. 2 đứa ăn tốn 10 MYR – Malaysian Ringgit (khoảng 50 ngàn VND).
Tối đầu tiên tới, tụi mình ghé 1 quán Ấn Độ. Món gì thấy cũng từ 3 – 5 ringgit/món (cỡ 15 – 25 ngàn VND). Siêu rẻ. Không biết gọi gì, mình thấy có món ghi pattaya thấy giống giống papaya nghĩ chắc là gỏi đu đủ kiểu Thái, gọi ăn đại. Đến lúc đưa ra lại là món cơm chiên có phủ trứng bên trên và tương ớt. Ăn cũng được, có điều quá khác với cái mình tưởng tượng.
Nasi goreng Pattaya (cơm chiên trứng kiểu Pattaya). Giá 3.5 ringgit/phần
Lỡ ăn no rồi, ngồi nhìn mấy bàn khác họ ăn bánh mì naan chấm với mấy loại cà ri mà thèm.
Bánh mì Ấn Độ chấm cà ri
Fraser rất thích ăn ngọt. Ăn bữa chính rồi phải có tráng miệng, không thôi cứ thấy thiếu thiếu. Thế là tụi mình ra chợ trung tâm tìm mua trái cây. Hỏi tới loại nào cũng siêu mắc, nhất là so với Thái Lan. Tụi mình ở mấy tháng bên đó quen giá cả khá rẻ, giờ cái gì cũng đem ra so sánh. Cuối cùng 2 đứa quyết định đi đến cái shopping mall tìm kem hay bánh ngọt gì đó ăn.
Lúc này mới có chuyện để nói.
Khi đạp xe ở mấy nước châu Á, mùa nào trời cũng rất nóng. Mình thường mặc quần short, áo thun ngắn tay. Khi không đạp xe thì mặc quần short với áo sát nách cho mát mẻ. Hơn nữa, quần áo đem theo phải chọn lựa để tiết kiệm diện tích nên mình chỉ đem 1 cái quần dài và 1 áo tay dài phòng khi đi xin visa ăn mặc cho tươm tất.
Thong dong ở miền Tây, qua Campuchia, đi dọc Thái Lan (kể cả ở 3 thành phố đầy người Hồi giáo bên Thái), mình không hề gặp bất kỳ vấn đề gì về chuyện ăn mặc. Mọi người nếu không lịch sự, vui vẻ thì cũng chẳng để ý gì đến mình. Hơn nữa, mình đã đến Malaysia vài lần trước đây, chủ yếu ở Kuala Lumpur, Malacca và Genting. Mình cũng đi chơi đêm với bạn bè, tung tăng váy ngắn, áo đầm sát nách đi lung tung mua sắm và ăn uống. Mình đã từng làm việc với các đối tác người Malay, thấy họ đằm tính và rộng rãi. Mình biết Malaysia là nước Hồi giáo nhưng luôn nghĩ họ ôn hòa và khá phát triển. Phụ nữ đội khăn hijab lái xe hơi một mình khắp nơi,…
Cho đến tối đó, khi mình cùng Fraser đi tìm cái siêu thị để ăn kem, mình mới bị sốc.
Như thường lệ, mình mặc quần short, áo thun sát nách màu tối như trong hình nè. Chả có gì gọi là sexy, gợi cảm. Chỉ có thể nói là đơn giản, tầm thường quá thôi.
Vậy mà, tụi mình vừa ra khỏi quán ăn Ấn thì thấy một ông già đang đi ngược hướng ở bên kia đường bỗng nhiên đi thật nhanh về phía mình. Ổng đi phăm phăm đến như muốn tóm lấy mình vậy! Mình vừa hoảng hồn vừa kinh ngạc, dòm thẳng vào mặt ổng, coi ổng định làm gì. Cuối cùng khi đến nơi, ổng cũng chỉ đi sướt qua chứ không làm gì cả. Lúc đó mình sợ khủng khiếp. Cái cảm giác khủng hoảng chưa từng có khi đi bên cạnh một người đàn ông mà bị một người đàn ông khác khủng bố mình. Mình tưởng tượng nếu không có Fraser chắc ổng đã ăn tươi nuốt sống mình rồi!
Fraser nói đàn ông ở mấy nước Hồi giáo rất đàn áp và coi thường phụ nữ nên thấy mình ăn mặc như vầy ra đường chắc là họ không thích. Ai chả biết đàn ông Hồi giáo. Cái mà mình không tưởng tượng được là mình là du khách, đang đi với bạn trai và chuyện đó lại xảy ra ở Malaysia, một đất nước mình cho là Hồi giáo ôn hòa, chứ không phải mình đang ở Iran, Iraq hay Pakistan, Afghanistan gì hết.
Lúc này mới nhớ, hèn gì trong quán Ấn Độ, thấy đàn ông cứ dòm mình. Mình tưởng mình đẹp (!) hay nghĩ tại mình đi với Fraser là anh Tây nên họ thấy ngộ họ nhìn. Thì ra họ nhìn cách ăn mặc “lạ thường” của mình mà mình không biết.
Không thể vì vậy mà hủy chuyến đi ăn kem được, 2 đứa đi tiếp.
Tụi mình đi ngang 1 cái xe tải đang dừng lại để dỡ đồ, có 2 anh còn trẻ, khá đẹp trai đang lấy đồ xuống. Mình và Fraser vừa đi ngang qua thì 2 anh bỗng nhiên dừng hẳn lại, ngó theo mình mắt muốn có đuôi luôn vậy! Tụi mình đã đi qua xa xa rồi mà 1 anh còn bước tới để nhìn xoáy theo, như kiểu vừa thấy mình giết người mà tỉnh bơ đi lại ngoài đường…
Quá khủng hoảng với đàn ông ở cái xứ sở này nhưng tụi mình vẫn tìm cái shopping mall, ăn kem Baskin Robbins xong rồi về.
Trên đường về, mưa tầm tã. Nhìn thấy mưa rồi mới hiểu tại sao mấy cái nắp cống, khe thoát nước to như vậy là cần thiết.
Chờ mỏi mòn vì 2 đứa không đem theo dù hay áo mưa. Lại không thể dầm mưa về vì sợ ướt hư điện thoại. Đứng chờ ở hàng hiên mấy cửa hàng, mình sợ giờ lại có thằng điên nào lao vào tụi mình thì chắc chết. Cuối cùng, mưa bớt 1 chút tụi mình chạy về luôn.
Về đến nhà nghỉ mà mình vẫn chưa hết hoàn hồn vì cái cảnh đàn ông ở đây nhìn mình như miếng thịt tươi ngoài đường. Tự nhủ lòng lần sau đến đâu phải kiểm tra trước phong tục của nơi đó để tránh những phiền phức không đáng có. Rồi lập tức mình lôi cái quần dài ra để dành ngày mai mặc.
Sáng ra khi check out, nhân tiện, mình hỏi chị chủ nhà nghỉ sao đàn ông ở đây nhìn mình như vậy. Chị nói tại vì họ thấy mình là con gái châu Á đi chung với anh người châu Âu nên họ ngưỡng mộ (!?!). Đúng là dân nhà hàng khách sạn mồm miệng đãi bôi quá. Mình không tin nhưng cũng cười cho qua.
Về sau có thời gian tìm hiểu, mình mới biết thế này:
Thành phố Kota Bharu có 70% dân số là người Hồi giáo, do Đảng chính trị Hồi giáo Pan-Malaysian Islamic Party nắm quyền. Họ tuyên bố đây là thành phố Hồi giáo, do đó nghiêm khắc áp dụng các nguyên tắc của người đạo Hồi. Họ có cả cảnh sát đạo đức chuyên bắt những người không tuân theo nguyên tắc chung hoặc hành xử vô đạo đức.
Vậy hành xử vô đạo đức là gì?
Cụ thể là Hội đồng thành phố Kota Bharu ngăn chặn các hành vi “ăn mặc thiếu đứng đắn” của nhân viên nữ làm việc tại các nhà hàng và cửa hiệu. Định nghĩa của “ăn mặc thiếu đứng đắn” là “đồ ôm sát cơ thể, áo hở rốn, áo mỏng nhìn xuyên thấu, váy ngắn và quần dài bó sát”. Nếu vi phạm, có thể bị phạt đến 500 ringgit (khoảng 2.5 triệu VND).
Ghê chưa.
May mà không có cảnh sát, nếu không chắc họ cũng phạt mình vì tội mặc đồ ngắn, ôm sát ra ngoài đường rồi.
* Lời khuyên cho những bạn nữ đi du lịch đến Kota Bharu: Ăn mặc kín đáo và tránh ra ngoài đường một mình vào buổi tối.
Ngoài cái đó ra, đây là một thành phố đẹp, kiến trúc và nét văn hóa khá đặc biệt so với phần còn lại của Malaysia, đồ ăn ngon, rất đáng để đến thăm. Nếu có dịp, mình cũng muốn quay trở lại.
Một vài thông tin khác về Kota Bharu:
– Nhất định phải ghé Siti Khadijah Market (chợ Siti Khadijah), kiến trúc lạ. Người bán hầu hết là phụ nữ Hồi giáo.
– Nhiều đền thờ Hồi giáo đẹp, bảo tàng,… cung điện nơi thành viên hoàng gia (gọi là Sultan hay Sultana) vẫn còn ở.
Sultan Ismail Petra Arch. Đây là cái cổng được vẽ ngay bến tàu cửa khẩu Thái Lan – Malaysia với câu chào “Selamat Datang ke Malaysia” – “Welcome to Malaysia” nghĩa là “Chào mừng đến Malaysia”
– Các món ăn phổ biến: Nasi berlauk, nasi dagang, nasi lemak, nasi kerabu. Toàn là cơm. Tụi mình ở đây thì toàn ăn mì của người Hoa hoặc mì Malay, ít ăn cơm.
Nasi berlauk (cơm cà ri gà hoặc cà ri cá)
Nasi dagang (cơm cà ri cá, trứng luộc, đồ chua hay xà lách trộn)
Nasi lemak, 1 trong những món ăn nổi tiếng nhất của Malaysia. Cơm nấu với nước cốt dừa béo ngậy, thường ăn kèm với đậu phộng rang, cá cơm chiên, gà chiên, trứng luộc, vài loại rau.
Nasi kerabu. Món này cơm nấu chung với hoa đậu biếc để lấy màu xanh tím. Ăn kèm với bánh phồng tôm, cá chiên hoặc gà chiên, xà lách, đồ chua,…
Kuih – món bánh tráng miệng phổ biến ở đây. Giống bánh da lợn của mình nhưng họ làm nhều màu, ăn cũng được.
– Cộng đồng người Hoa ở đây khá lớn nên có rất nhiều quán ăn người Hoa ngon.
– Những điệu múa truyền thống như Mak Yong và Wayang Kulit lúc trước được biểu diễn khắp nơi nhưng gần đây bị cấm vì chính quyền cho rằng những nét văn hóa chịu ảnh hưởng của đạo Hindu là trái với đạo Hồi.
– Ở một số siêu thị, có quầy thanh toán dành cho nam riêng, nữ riêng. Thường chỉ áp dụng với người Hồi giáo.
– Là thành phố chị em với thành phố Kasaoka, Nhật Bản.