Gà Tây Không Phải Là Gà & 6 Ngạc Nhiên Thú Vị về Giáng Sinh
Gà Tây Không Phải Là Gà & 6 Ngạc Nhiên Thú Vị về Giáng Sinh
1.Gà tây (turkey) không phải là gà (chicken)!
Gà tây là một loại chim, to gấp 3-4 lần con gà bình thường! Và tuy cùng lớp chim, nó không có họ hàng gần với gà lắm đâu! Mình đoán do cách dịch hoặc từ vựng tiếng Việt chưa có từ tương đồng với giống chim này nên bao nhiêu năm mình cứ tưởng nó là 1 loại gà. Như gà ta, gà tam hoàng, gà công nghiệp,…
Cho đến Noel năm nay, khi đang ngồi ăn trưa với Fraser, mình phán cho 1 câu: “Thịt gà tây là dở nhất thế giới!”. (Turkey is the worst chicken in the world!). Ảnh cười ngoặt ngoẽo rồi mới nói với mình gà tây không phải là gà. Nó là chim. Như bồ câu quay lên nhìn giống con gà con nhưng đâu phải là gà. Mình không tin, google ngay lập tức. Nhìn hình so sánh, cuối cùng mới chấp nhận sự thật nó không phải là gà. Có điều ăn ở nhà hàng được cắt sẵn cho vài miếng thì chả phân biệt được nhỉ.
Trước khi gà tây trở thành món ăn biểu tượng của đêm Giáng Sinh, ở Anh, người ta ăn đầu heo với mù tạc. Vào thời Victoria, trong khi người giàu thì có khi ăn cả thiên nga (swan) hoặc công (peacock), những người nghèo không đủ tiền mua gà tây ăn thì mua ngỗng (goose) thay thế. Làm nhớ tới truyện Sherlock Holmes – Viên ngọc bích màu xanh da trời.
2. Ở Nhật, vào đêm Giáng Sinh, mọi người rủ nhau đi ăn KFC!
“Quên gà tây đi, dịp Giáng Sinh, người Nhật tụi tui chỉ nghĩ đến gà rán KFC thôi!”
“Với rất nhiều người Nhật, Giáng Sinh có nghĩa là KFC và dịp thể hiện sự lãng mạn…”
Truyền thống này bắt nguồn từ việc một người nước ngoài mua gà KFC ăn vào dịp Giáng Sinh thế cho gà tây. Lý do là gà tây ở Nhật khá hiếm. Hơn nữa, các căn hộ ở Nhật đều tương đối nhỏ để có căn bếp đủ rộng cho lò nướng được nguyên con gà. Các nhân viên KFC nhìn thấy ý tưởng đó và vào năm 1974, KFC phát động chiến dịch quảng cáo có tên là Kurisumasu ni wa kentakkii (Kentucky for Christmas/ Gà KFC cho Giáng Sinh). Thành công vang dội. Đến năm 1985 KFC có hẳn một combo cho Giáng Sinh gồm gà, xà lách, bánh ngọt và kem với giá 3.880 yen.
Bây giờ, mọi người thường phải đặt chỗ trước khoảng 2 tháng mới có bàn ở KFC vào đêm Giáng Sinh.
3. Ông già Noel không phải luôn luôn mặc bộ quần áo màu đỏ.
Trước những năm 30, ông già Noel mặc tùm lum màu, thường là màu xanh, vàng, trắng.
Từ những năm 20, Coca Cola đã dùng hình ảnh ông già Noel trong các chiến dịch quảng cáo. Nhưng chỉ đến năm 1931, Coca Cola mới giúp hoàn thiện hình ảnh ông già Noel mặc bộ đồ màu đỏ và sử dụng trong các posters của mình. Cũng từ lúc đó, ông già Noel luôn mặc bộ đồ đỏ như mọi người thường thấy đến bây giờ.
4. Theo dữ liệu từ Facebook, 2 tuần trước Giáng Sinh là thời gian các cặp đôi chia tay nhau nhiều nhất.
5. Bài hát nổi tiếng “Jingle Bells” được tác giả James Pierpont sáng tác tại Massachusetts, Mỹ cho Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Sau đó lại trở thành bài hát phổ biến trong dịp Giáng Sinh.
6. Tượng thần Tự do ở Mỹ (The Statue of Liberty) là quà tặng Giáng Sinh của Pháp tặng Mỹ vào năm 1886. Bức tượng nặng 225 tấn nên có thể coi là món quà Giáng Sinh bự nhất.