Cập nhật lần cuối ngày 17/4/2017
1. Thị thực và Hộ chiếu (Visa & Passport):
– Người Việt được miễn thị thực (visa) du lịch đến Bali/ Indonesia trong vòng 30 ngày bao gồm cả ngày đến và ngày đi (tính nguyên ngày). Hộ chiếu (passport) phải còn thời hạn từ 6 tháng trở lên và còn trang trắng để đóng dấu nhập, xuất cảnh.
– Nếu bạn muốn ở lâu hơn 30 ngày, có thể xin visa du lịch với thời hạn 3 tháng nhưng chỉ ở được tối đa 60 ngày. Với Social visa, có thể ở được đến 6 tháng bằng cách gia hạn thêm 4 lần.
2. Chọn điểm đến:
Tùy theo sở thích, nhu cầu và điều kiện của từng người. Các điểm khá nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch:
– Kuta: khu vực dành cho dân du lịch bụi trẻ, thích tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, giá cả mọi thứ tương đối rẻ. Y như khu Tây ba lô Đề Thám, Bùi Viện ở Quận 1, TP. HCM vậy. Rất bát nháo, hoàn toàn không phải là chỗ nên đến ở Bali.
– Seminyak: cao cấp hơn Kuta 1 chút. Rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán bar, club, nhất là các quán ăn nhà hàng dọc bờ biển, rất nhộn nhịp và nhiều lựa chọn. Khách sạn tương đối rẻ.
– Ubud: không đông đúc như Kuta và Seminyak nhưng cũng rất nhiều khách du lịch. Là vùng gần núi nên mát mẻ hơn. Là cái nôi nghệ thuật của Bali với rất nhiều Gallery tranh, điêu khắc đá và gỗ, các trung tâm yoga, các warung ngon và hợp túi tiền, khách sạn, resort, villa view đẹp đến nghẹt thở,…Chưa kể những khu vực lân cận chi phí rẻ hơn, khung cảnh thoáng đãng, đồng lúa xanh mướt,…mà chỉ cách trung tâm Ubud chừng 15 phút chạy xe. Theo mình đây là điểm phải đến nếu đã đến Bali. Tuy nhiên, không nên ở ngay trung tâm nếu là người không thích ồn ào, nhộn nhịp.
– Sanur: khá yên tĩnh với những nhà hàng sang trọng dọc bờ biển và nhạc sống diễn ra hàng đêm. Biển êm với nhiều resort đẹp. Giá cả khá đắt đỏ hơn những khu vực khác nhưng ít bị kẹt xe. Ít thấy khách du lịch đi hàng đoàn xí xô xí xà. Tụi mình may mắn thuê được 1 studio ở khu này với giá tốt, mọi thứ đều rất thuận tiện.
Bãi biển ở Sanur
– Amed: là nơi thu hút dân lặn biển đến thăm và ở lại nhiều nhất. Ở đây phổ biến cả 2 loại: lặn với bình dưỡng khí (scuba diving) và lặn tự do (free diving). Điểm đặc biệt của Amed là cát biển màu đen do ảnh hưởng của núi lửa và độ sâu biển thay đổi chỉ chừng vài mét từ bờ. Điều đó có nghĩa là mình không cần phải bơi ra quá xa mới đủ độ sâu để lặn mà chỉ cần xuống biển, bơi vài sải tay là có thể bắt đầu lặn biển! Sinh hoạt phí khá rẻ. 2 người bạn của tụi mình là Matthew và Patricia mở 1 trường dạy lặn biển và quán cà phê ngay trung tâm Amed. Cực kỳ hay ho. (www.apneista.com)
– Sát bên Amed là Tulamben, rất nổi tiếng về dịch vụ lặn biển do có xác tàu đắm Liberty của Mỹ, tàu của Nhật,..Biển ở Tulamben không có bờ cát mà chỉ có đá
– Nusa Dua: là khu resort 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, biển đẹp. Tuy nhiên, chỉ để nghĩ dưỡng, không khám phá gì được Bali thực thụ hết.
– Jimbaran: có thể ăn hải sản và BBQ tươi ngon ở các nhà hàng dọc bờ biển mỗi ngày, cực tươi, cực ngon, giá chấp nhận được.
– Canggu: yên tĩnh, hay ho, giá cả cũng khá đắt đỏ. Lý tưởng để surfing lướt sóng. Có nhiều villa và resort đẹp, thư giãn nhưng đồng thời cũng thấy được cảnh sống của người dân địa phương.
3. Khách sạn:
– Đặt khách sạn online rẻ hơn đặt trực tiếp tại quầy tiếp tân. Cứ lên agoda.com hoặc booking.com, airbnb.com để đặt phòng sẽ được giá tốt.
– Bali là thiên đường du lịch và đã phát triển lâu đời dịch vụ này nên có rất nhiều lựa chọn. Từ resort, villa cao cấp cho đến nhà nghỉ, mini hotel,… Mức gía từ khoảng 10 USD/đêm cho đến vài ngàn đô/đêm. Khi đặt phòng cần lưu ý phòng có máy lạnh hay chỉ có quạt vì rất nhiều nơi ở Bali (kể cả nhà hàng, quán kem sang trọng) hoàn toàn không có máy lạnh.
– Giá phòng và các thứ khác thường ghi giá bằng đô la Mỹ nhưng khi thanh toán thường trả bằng tiền IDR sẽ thuận tiện và lợi hơn.
4. Tiền:
– Vào thời điểm này, 1 IDR = 1.7 VND nhưng trước khi đến Bali hoặc trước khi đổi tiền, luôn luôn kiểm tra tỷ giá hiện thời.
– Khi đến Bali nên mang theo USD, thẻ tín dụng và thẻ rút tiền quốc tế (ví dụ: Visa debit). Ngoài ra, USD, AUD và EUR có thể dễ dàng đổi ở khắp nơi.
– Thẻ Visa và Master được chấp nhận rộng rãi ở Bali nhưng thường bị trả thêm phí từ 2-4%. Tiền mặt IDR vẫn tiện dụng nhất.
– Có thể rút tiền ở các cây ATM nhưng phải cẩn thận. LUÔN LUÔN che bàn phím khi nhập mật khẩu. Sau khi rút tiền, nhớ lấy lại thẻ vì tiền ra trước, thẻ ra sau. Mỗi lần rút tiền, có thể rút tối đa từ 1.500.000 – 3.000.000 IDR tùy theo giá trị tờ tiền có trong máy. Phí rút tiền dao động từ 25.000 – 50.000 IDR/lần nhưng tỷ giá khá tốt.
– Nếu đổi tiền ở các quầy thu đổi ngoại tệ, phải hết sức cẩn thận vì họ có rất nhiều chiêu trò để ăn bớt tiền của mình (giả vờ hỏi chuyện mình là người nước nào, đếm tiền thiếu khi đưa mình và mình không đếm lại, đổi tiền có huê hồng mà mình không biết phần trăm so với giá niêm yết trên bảng,…). Một trong những chỗ đổi tiền có uy tín là PT. Dirgahayu Valuta Prima – có chi nhánh ở Kuta, Sanur và Ubud. http://www.balibestrate.com
– LUÔN LUÔN MANG THEO PASSPORT KHI ĐỔI TIỀN.
5. Thời tiết, khí hậu:
– Khí hậu Bali khá giống Việt Nam ở phía Nam, nóng ẩm quanh năm và chỉ gồm 2 mùa: mưa và nắng. Mùa mưa: từ tháng 10 – tháng 4. Mùa nắng: từ tháng 5 – tháng 9. Thời điểm đẹp nhất để thăm Bali là từ tháng 5 – tháng 8
– Nắng ở Bali nói riêng hay Indonesia nói chung cực kỳ nóng và gắt. Ở Việt Nam, trong khi mọi người đeo khẩu trang, mang vớ, mặc áo khoác, mang váy chống nắng,…mình không trang bị bất cứ thứ gì từ 6,7 năm nay. Vậy mà khi qua đây, theo thói cũ, không bảo vệ gì cả thì chỉ sau vài lần là da bị ngứa ngay. Bây giờ đi đâu hơi xa xa 1 tí (hơn 15 phút), là mình phải che chắn.
– Khuyến cáo mọi người nên mang theo đồ màu sáng, mỏng, mát nhưng che kín toàn thân là tốt nhất. Hoặc nếu mặc quần short áo crop top thì phải xức kem chống nắng.
– Ngoài ra, nên mang theo ít nhất 1 quần dài + áo có tay để khi vào thăm các đền đài, chùa miếu thì không phải thuê/mua xà rông hay tệ hơn là bị cấm vào. Và mang đồ bơi để tắm biển/ hồ bơi.
– Mưa ở Bali chỉ bắt đầu mưa dầm cả ngày từ tháng 02. Nhưng thường mưa vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng. Trước đó, từ tháng 10 đến cuối tháng 1 mưa rất ít. Thỉnh thoảng mới có mưa, hoặc chỉ mưa 1-2 tiếng rồi ngưng.
6. Ngôn ngữ & múi giờ & tôn giáo/văn hóa:
– Giờ ở Bali đi trước Việt Nam 1 tiếng. Ví dụ: bây giờ là 5:00 am ở Bali thì ở Việt Nam là 4:00 am.
– Hầu hết người Bali giao tiếp được bằng tiếng Anh. Vài từ tiếng Bali cơ bản:
Terima Kasih / Suksma = cám ơn
Om Swastiastu = Chúc bình an (khi đi vào chùa, đền)
– 86% người Bali theo đạo Hindu do đó các nghi thức, đền đài đều ghi rõ dấu ấn của tôn giáo này. Mặc dù phần còn lại của Indonesia (Java,…) theo đạo Hồi.
1 ngôi đền ở Lovina
7. Wifi & Simcard:
– Wifi tại sân bay Ngurah Rai (Denpasar – DPS) cực nhanh và mạnh, ngược lại hoàn toàn với phần còn lại của cái xứ sở này.
– Ngay tại cửa ra của ga đến, có thể mua ngay 1 sim 4G với giá trọn gói 1 tháng khoảng 10 USD, chỉ dùng để nhận cuộc gọi và xài internet, không gọi đi được. Nếu chỉ ở Bali chừng 1-2 tuần, có thể mua sim gói cước thấp hơn, chừng 3 USD ở bất kỳ quầy/cửa hàng điện thoại nào. CHÚ Ý: khi mua phải yêu cầu bán gói dịch vụ phủ sóng toàn bộ Bali chứ không chỉ ở nơi mình mua. Nếu không, giá sẽ rẻ hơn nhưng khi mình đi chơi sang khu vực khác thì không dùng được. Ví dụ: mua sim 4G ở Denpasar thì đến Ubud, Senur,…hay đâu đó ngoài Denpasar là không có internet.
1 cửa hàng bán sim 4G
– Ở Bali, Facebook, Skype, Viber, Whatssapp, LINE,…sử dụng bình thường. Whatssapp là phổ biến nhất.
– Wifi miễn phí khá phổ biến ở các quán ăn, nhà hàng, khách sạn,…dù đường truyền khá yếu và không phải chỗ nào cũng có. Đặc biệt, nhiều khách sạn chỉ có wifi ở khu vực sảnh lobby mà không có trong phòng. Vài khách sạn hoàn toàn không có wifi. Nên kiểm tra kỹ trước khi đặt phòng.
– Nếu muốn mua simcard gọi điện thoại, giá khoảng 3 USD. Sau đó mình muốn nạp tiền bao nhiêu thì nạp.
– Điện ở Bali là điện 220 Volts, 50 Hz, lỗ cắm 2 chấu như Việt Nam
8. Đồ ăn, thức uống:
– Các món ăn truyền thống không đa dạng như ở Việt Nam nhưng cũng có nhiều lựa chọn. Các món địa phương phổ biến nhất là cơm chiên (Nasi Goreng), mì xào (Mie Goreng) và miến gà (Soto Ayam). Ngoài ra còn có Cơm trộn các loại rau, thịt (Nasi Campur). Gà rất phổ biến, hiếm thấy bò, thỉnh thoảng thấy thịt heo trong thực đơn. Người ăn chay có thể gọi rau xào thập cẩm (Cap Cay). Tempeh (giống như đậu nành ép nguyên hạt, ăn rất chán); là món quốc hồn quốc túy của Indo, món gì cũng thấy bỏ vô nên nếu không thích ăn thì phải dặn họ trước. Vài chỗ làm ngon sẽ chiên giòn và đổ xốt chua ngọt hoặc rắc muối lên thì ăn rất được.
Tempeh chiên giòn, rắc muối ăn rất ngon
– Cá ở Bali đặc biệt tươi ngon, họ làm kiểu gì cũng ngon. Nướng, chiên, hấp với xốt BBQ, xốt Bali hay xốt sả ớt nguyên con cỡ bàn tay ăn với cơm rất ngon và khá rẻ. Cá ngừ (tuna), cá chuồn (mahi mahi), cá hồng (snaper),… rất phổ biến. Tươi. Và ngon.
Cá chiên xốt Balinese
1 phần cá chuồn nướng ở Jimbaran
– Bia Bintang ở Bali uống như rượu trái cây, nhẹ. Rượu vang và rượu mạnh khá mắc. 1 chai vang đỏ uống dở ẹt giá chừng 25 USD. Cocktails và sinh tố giá hợp lý. Nên thử một lần sinh tố rau, trái cây xanh các loại (Green smoothies), rất mát và thơm. Nước ép trái cây phổ biến nhất là nước quýt (họ thường gọi là orange juice/ Es Jeruk). Nếu muốn kêu nước chanh thì gọi là Es Jeruk Nipis (sour orange hay cam chua, để phân biệt với quýt là cam ngọt). “Es” là đá (ice)
– Đu đủ là loại trái rẻ nhất ở Bali, rất ngon và ngọt. Giá khoảng 5.000 IDR/kg. Chanh dây ở Bali rất mắc 30.000 IDR/kg nhưng ăn ngọt ngay và có vỏ màu vàng rất đẹp. Chuối và xoài ở Bali cũng ngon dù họ bán tính trái, 1.500 – 2.000 IDR/trái chuối.
– Nước uống đóng chai nên mua ở các tiệm tạp hóa địa phương hoặc các cửa hàng tiện lợi là rẻ nhất. Khoảng 4-5.000 IDR/chai 1.5 lít. 2 chuỗi cửa hàng phổ biến nhất toàn Bali là Indomaret và Alfamart.
Nhìn chung giá cả ăn uống ở Bali là chấp nhận được. Không rẻ so với vùng Đông Nam Á và mắc hơn phần còn lại của Indo.
9. Giao thông & phương tiện vận chuyển:
– Bali/Indonesia theo luật chạy xe bên lề trái
– Do đường sá nhỏ hẹp mà lại nhiều xe hơi, kẹt xe rất thường xuyên.
– Nên thuê xe máy để đi lại cho tiện, giá thuê từ 50k IDR/ngày, tùy theo khả năng trả giá của mình. Đi xe máy phải đội nón bảo hiểm và chỗ thuê xe sẽ cho mượn nón. Về nguyên tắc phải có bằng lái xe máy quốc tế mới được chạy, nhưng cảnh sát bên này cũng gần giống cảnh sát Việt Nam, rất linh động nếu mình nộp phạt nhanh nhẹn.
– Nếu thuê xe hơi có tài xế, chạy từ 8-10 tiếng có giá từ 40 – 70 USD/ngày
– Ở Bali có Uber và Grab taxi nhưng dân địa phương muốn giữ mối làm ăn nên rất nhiều nơi cấm 2 loại này. Taxi Blue Bird có đồng hồ tính tiền và khá uy tín (+62 (0) 361 701 111)
– Go-jek là phiên bản địa phương để gọi xe ôm và cả xe hơi. Rất rẻ, đặt qua app trên điện thoại. Tuy vậy, một số nơi cũng cấm vì taxi sẽ không có khách nếu khách gọi Go-jek.
– Bemos là loại xe dân địa phương hay đi. Là loại xe du lịch 16 chỗ nhưng được sử dụng như xe lam, xe buýt của mình. Chỉ cần ngoắc lại, nói điểm đến và có thể trả giá. Giá khá mềm.
– Đặt xe đưa đón sân bay tại khách sạn thường mắc gấp đôi, gấp 3 giá có thể gọi taxi trực tiếp. Nhớ phải đi sớm để tránh kẹt xe. Tốt nhất là có thể có mặt ở sân bay trước giờ bay 3 tiếng.
Ai cần bảng giá taxi từ sân bay Ngurah Rai đến các nơi khác ở Bali thì nói mình, mình sẽ gửi bảng giá chính thức của sân bay cho xem.
10. Hoạt động vui chơi, giải trí:
– Bali nổi tiếng với các bãi biển đẹp và các villa, resort nghỉ dưỡng cao cấp. Là đảo quốc có nhiều tiệm spa nhất thế giới.
– Là thiên đường dành cho dân lướt sóng và lặn biển. Ngoài đường có thể dễ dàng bắt gặp mấy anh Tây chạy xe máy đèo theo cái ván bên hông xe.
1 anh Tây chuẩn bị đi lướt ván ở chung khách sạn với mình
– Thăm các ngôi đền cũng là một trong các hoạt động phổ biến của du khách khi đến Bali. Các ngôi đền nổi tiếng như Tanah Lot, Besakih, Uluwatu,…lúc nào cũng đông nghẹt và vé vào cửa rất mắc. Tanah Lot 70k IDR/người, Besakih 50k IDR/người (kể cả gửi xe),…Trong khi các ngôi đền địa phương thường rất đẹp và vắng vẻ, các nghi thức, lễ hội diễn ra thường xuyên mà đến thăm chỉ cần bỏ thùng từ thiện/ công đức khoảng 20-30k IDR là họ cũng vui rồi.
Lễ hội ở 1 ngôi đền địa phương
– Đến ruộng bậc thang Tegalalang (Ubud), thác nước Gitgit hoặc leo lên 2 ngọn núi lửa Agung và Batur ngắm mặt trời mọc là những hoạt động thú vị, không nên bỏ qua.
Ruộng bậc thang Tegalalang, Ubud
– Bali cũng có các suối nước nóng tự nhiên gần các ngọn núi lửa và các hồ trên núi cực đẹp.
– Không khuyến khích mọi người mua sắm ở Bali vì cái gì cũng mắc. Nhưng nếu muốn mua đồ lưu niệm, có thể dễ dàng mua ở chợ bán đồ thủ công ở Ubud hoặc các gian hàng ở khắp mọi nơi Kuta, Seminyak, Sanur,…Nhưng phải trả giá y như đi chợ Bến Thành, ít nhất phân nửa giá rồi trả từ từ lên. Nếu tìm được siêu thị Hardy’s thì mua ở đó là tốt nhất. Giá cả rõ ràng, đàng hoàng, y như Coopmart của mình.
Hardy’s Supermarket ở Sanur
Đặc biệt, người Bali rất giỏi về điêu khắc, tạc tượng bằng gỗ, đá,…gallery nghệ thuật khắp nơi. Có điều để mang về nước mấy món đó thì tiền vận chuyển hơi tốn kém.
Điêu khắc đá và gỗ ở Bali
11. Lễ hội:
– Người Bali có lễ hội quanh năm, hầu như hàng ngày, hàng tuần ở các đền đài khắp Bali.
– Tuy nhiên, có 1 ngày đặc biệt mọi người cần chú ý đó là ngày “Niyepi” – Bali Day of Silence hay là Tết Saka của người Bali. Chỉ có 1 ngày. Ngày này thay đổi từng năm theo lịch Saka của người Bali, thường rơi vào tháng 3. Năm nay rơi vào ngày 28/3/2017. Không chọn ngày đến hay đi khỏi Bali vào ngày này vì toàn bộ đảo Bali, kể cả sân bay, đóng cửa, không làm việc, không check in – check out khách sạn. Nguyên ngày đó cả đảo Bali hoàn toàn yên lặng, không ai ra đường, không ai làm việc (kể cả sân bay). Trong nhà cũng không mở đèn sáng. Mọi người ngồi tĩnh tâm, yên lặng, y như ngồi thiền. Thời buổi hiện đại và để phòng trường hợp khẩn cấp, bệnh viện và cảnh sát vẫn có người trực nhưng rất hạn chế.
– Trước Nyepi 3-4 ngày có lễ hội Melasti rất hoành tráng, đầy màu sắc.
Ngoài ra, vào 4-6 tháng 4 là lễ hội Galungan và Kuningan, như lễ Giáng sinh bên châu âu, họ trang hoàng ngoài cổng. À đường đi bằng những cây thắt bằng là dừa nước rất đẹp.
Ngày Niyepi – Tết Saka ở Bali – là ngày 28/3/2017
12. Độ an toàn:
– Người Bali rất thân thiện, hiếu khách và tương đối đằm tính.
– Bali nhìn chung khá an toàn, không thấy cướp bóc, giật dọc hay trộm cắp gì lộ liễu. Xe cộ cứ dựng giữa đường, đi chơi mấy vòng quay lại vẫn y nguyên (có khóa cổ, rút chìa khóa). Tuy nhiên, nhiều chỗ sẽ thu tiền giữ xe dù không có phiếu hoặc người giữ xe chỉ xuất hiện đòi tiền khi bạn lấy xe đi. Trung bình 2,000 IDR/chiếc/lần.
– Tàng trữ, mua bán ma túy có thể bị xử tử hình. Gái mại dâm nhiễm HIV rất phổ biến và là bất hợp pháp.
– Chó hiện diện ở khắp nơi, ngoài đường, trong hẻm, trong tiệm, trong nhà,…nhưng thường không hung hăng và chỉ đi thơ thẩn hoặc nằm phơi nắng.
13. Khẩn cấp:
Gọi cảnh sát: 110
Gọi cứu thương: 118
GHI CHÚ CHUNG KHI DU LỊCH ĐẾN BẤT KỲ NƠI NÀO TRÊN THẾ GIỚI:
– Luôn cầm theo danh thiếp của khách sạn trước khi ra ngoài, phòng hờ bị lạc đường.
– Học cách xem bản đồ Google Map, Nokia Map,…vì hệ thống địa chỉ ở nước ngoài dù có rõ ràng nhưng mình không quen sẽ khó tìm. Phối hợp địa chỉ và bản đồ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
– Nếu được, nên chích ngừa bệnh dại chủ động trước khi đi du lịch vì chó đến nước nào cũng có.
– Khi vừa đến nước ngoài, thường mình sẽ nhận được tin nhắn của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại địa phương hoặc của Việt Nam (Mobiphone,…) thông báo mình ở trong vùng sử dụng dịch vụ roaming. Về cơ bản, nhận tin nhắn là miễn phí, chỉ có nhận cuộc gọi đến và gọi đi thì tốn phí roaming, phí này cực kỳ mắc. Tuy nhiên, cần chú ý có thể mình sẽ phải trả phí roaming dữ liệu (data) nếu điện thoại mình đang ở chế độ dùng 3G ở Việt Nam. Tốt nhất là chuyển điện thoại sang chế độ “Máy bay”/ “Airplane” mode để không phải trả loại cước cắt cổ này.
– Tôn trọng văn hóa của địa phương nơi mình đến, dù có khác biệt đến thế nào hoặc mình không thích đến thế nào đi chăng nữa. Người dân luôn có thể nhận biết sự khác nhau giữa sự vô tình hay cố ý vi phạm thuần phong mỹ tục của nước họ.
– Nếu gặp điều không vừa ý, giải thích ôn tồn, đừng tức giận.
– Luôn tin vào trực giác của mình. Nếu đi đến chỗ nào có cảm giác không an toàn, linh tính mách bảo có gì đó không ổn, lập tức đi ra khỏi nơi đó.