Trước khi bắt đầu chuyến đi, mình chỉ đạp xe tà tà khoảng 1 tháng từ nhà đến công ty, xa chừng 1 cây số, mất đâu 15 phút (kể cả đạp lên lầu 5 của tòa nhà để gửi xe) chứ không có tập luyện gì đặc biệt. Nhưng vì lịch trình tụi mình đi không quá gấp rút nên những ngày đầu chỉ đạp chừng 20-30 cây số là dừng lại, không quan tâm tới điểm đến. Ở đâu cũng có thể kiếm được nhà nghỉ, ở đâu cũng có thể kiếm được đồ ăn, dù theo khẩu vị hay kén chọn của mình, đồ ăn ở những vùng sâu vùng xa thường dở. Có khi mình không ăn cơm mà kiếm món gì khác để ăn bù như chuối chiên, khoai lang chiên, bắp nướng, bánh tai yến,…Những lúc đó mới thấy mấy thức ăn vặt bình dân này ngon lành và quý giá biết bao nhiêu! Lại còn rẻ nữa.
Cũng tại cái tật kén ăn này, cộng với kỹ năng xem bản đồ dở, nên mới xảy ra thảm họa.
Sau khi đạp 45 cây số từ Phumi Antoat đến Trapaeng Rung, leo chừng một chục cái đồi (mà không thấy cảnh gì đẹp), mệt muốn bở hơi tai lúc leo nhưng lúc xuống dốc thấy đã quá, dừng lại ăn cơm, không thấy có gì ăn được. Không ăn. Lại mới giữa trưa, giở bản đồ ra coi, thấy đường đi cũng bình thường (!?!), mình nói Fraser đạp tiếp đến Ta Tai luôn đi, với hy vọng tới đó có cái gì ngon hơn để ăn. Ảnh nói không nên, sắp tới mấy cái đồi núi dốc lắm mà đường lại xa, thêm hơn 40 cây số nữa lận, em không ăn sẽ đi không nổi đâu.
Nghe ba chớp ba nháng sao ra là mấy ngày nữa sẽ đến đoạn đồi dốc lắm, mình nên nghỉ lại hôm nay để có sức đi. Mình thì sau gần 2 tuần đạp xe phăng phăng không bị đau chân đau người gì, trở nên tự tin thái quá, mình nói không, mình đi được, đừng có đánh giá thấp mình…Fraser lúc nào cũng tôn trọng mình, tôn trọng các quyết định của mình; ngay cả khi phải để mình học một bài học nhớ đời. Thế là bi kịch bắt đầu.
Mình chuẩn bị đạp lên dốc đây
Vừa ra khỏi cái làng nhỏ đó đã thấy dốc là dốc.
Đi lên dốc mà xe máy với xe tải rồ máy thấy thương, gầm gầm gừ gừ đi lên chậm chậm. Còn mình thì vẫn phải nhấn pedal không ngừng nghỉ, vì sợ ngừng lại thì sẽ không muốn leo lên cái xe đạp nữa!
Trời thì nóng, nắng thì rát, nước uống cũng hết. Lúc đó chỉ nhắm mắt nhắm mũi đạp cho tới 1 cái mốc ngăn ngắn nào đó mình tự đặt ra, ví dụ đến cái ụ đất đó, qua cái miếng rác kia,…và chỉ cắm mặt xuống đường nhựa đạp chứ cũng không quan tâm phía trước còn bao xa nữa. May mà đường khá vắng và người đi đường họ cũng lịch sự tránh mình nên không sao cả. Nhiều xe tải đi qua, tài xế quay lại, đưa ngón cái lên khen mình. Những lúc như vậy, có khí thế chạy thêm được vài trăm mét nữa là ít 🙂
Đường lên dốc là thế mà thả dốc cũng có phần hơi kinh dị. Vì dốc thẳng đứng nên xuống dốc cũng cực kỳ…dốc! Lên, bò ở 5 cây số/giờ. Xuống, có đoạn lên tới 45 cây số/giờ, bóp thắng muốn gãy tay vì đường không trơn láng và ngoằn nghoèo.
Đạp xe lúc đó không thấy đói, chỉ thấy mệt, nóng, khát nước, tuyệt vọng và tức tối nữa. Mình tức là sao Fraser biết dốc đến cỡ này mà không ngăn cản mình đến cùng, vẫn chiều theo ý mình, để cho mình đi! Đối với ảnh thì mấy cái đồi này có nhằm nhò gì, nhưng đối với mình, 1 đứa con gái chỉ mới đạp xe gần 2 tuần thì đúng là địa ngục! Rồi nhân tiện, ghét luôn hết mọi thứ liên quan đến cái đất nước này: Đồ ăn thì dở, chó thì khắp nơi sủa lung tung, đồi thì dốc đứng mà chả có cái bóng cây nào hết, vân vân và vân vân.
Đã vượt xong cái dốc, mặt mày vẫn còn mếu máo!
Một hồi, tự nhiên bình tâm trở lại. Nghĩ bụng, ủa, cái xứ này có làm gì mình đâu? Tự mình lết đến đất nước họ đó chứ! Mà họ còn miễn visa cho mình 1 tháng nữa. Mấy con chó nó sủa um vì nó có nhiệm vụ giữ nhà, giữ đất, chứ nó đâu có cắn bậy mình đâu? Còn đồ ăn, thức uống, nếu muốn ngon như ý mình thì thôi ở nhà quách cho rồi, đừng đi du lịch đâu hết cho mệt. Rồi cái vụ leo đồi bụng đói này là do mình “tỏ ra nguy hiểm” chứ ai? Mà bây giờ leo xong rồi, có thấy hãnh diện với bản thân không?
1 khu nhà sàn/ làng nổi trên sông ở Campuchia
Bài học rút ra là:
1) Để vượt đồi núi dốc đèo thì hành trang mang theo cần có:
– Kiếng mát (loại tốt, nắng chói mắt lắm)
– Nước (nhớ mang theo đầy bình)
– Kẹo, bánh (nhất là những ai bị huyết áp thấp như mình, không được để đói hoặc hạ đường huyết)
– 1 chiếc xe đạp tốt
– 1 người bạn đường hiểu chuyện, biết quan tâm, động viên mình vượt qua thử thách và lúc nào cũng khẳng định là mình làm được (nhiều thứ, chứ không phải làm cái gì cũng được).
2) Điểm yếu có thể trở thành điểm mạnh trong hoàn cảnh bạn không ngờ đến nhất: mình thuận chân phải nhưng khi leo đồi, mình dùng toàn chân trái đạp để lấy đà lên và liên tục như vậy để vượt dốc.
3) Chỉ tập trung vào hiện tại: không quan tâm sẽ còn phải đi bao xa, chỉ tập trung vào khúc đường ngay trước mặt và đạp xe liên tục, cho đến khi nào không thể đạp được nữa mới thôi.
Sự thật là khi vượt đoạn đường này, mình khóc 2 lần giữa đường, cảm giác kiệt sức và thấy mình ngu ơi là ngu mới đi du lịch bằng xe đạp!
Vậy mà, chỉ 1 ngày sau đó, tiếp tục đi đến Koh Kong, mình gần như quên mất tiêu là hôm qua mình đã thê thảm đến mức nào! Lại mê mải tìm quán ăn, đi lung tung chụp hình và cực kỳ hào hứng khi sắp qua biên giới Ban Hat Lek của Thái Lan, nước thứ 2 trong cuộc hành trình.
Lại tỉnh như ruồi đạp tiếp qua cầu