Mình tổng hợp danh sách giá cả đồ dùng và dịch vụ ở đây để mọi người tiện tham khảo. Giá cả mình chủ yếu dựa vào giá niêm yết của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hóa, quán cóc bên đường, nhà hàng, khách sạn,…tụi mình từng ghé ở đảo Java và Bali. Mình cũng có nhờ cô lau dọn và bác chủ nhà xem qua để đảm bảo giá này là hợp lý. Bài này đặc biệt dành riêng cho bạn nào muốn du lịch tự túc để tránh bị hớ hay chặt, chém gì đó.
Một số ghi chú nhỏ:
– Giá cả theo vùng: Bali là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Indonesia. Do đó, giá cả ở Bali cao hơn toàn bộ phần còn lại của Indonesia. Chi phí ăn uống ở Java trung bình thấp hơn ở Bali khoảng 25% – 30%. Riêng Jakarta thuộc Java nhưng là thủ đô, mình chưa đến nên cũng không dám bàn. Các đảo khác như Lombok, Sumbawa, Komodo, Sumatra,…giá sinh hoạt phí đều rẻ hơn Bali.
– Giá cả theo kích cỡ và số lượng: quần áo, giày dép, đồ dùng size lớn mắc hơn size nhỏ. Trái cây loại 1 và loại 2, theo mùa và trái mùa. Phần cơm chiên ở quán ăn này ít hơn phần ở quán ăn kia hoặc thành phần thịt, hải sản khác nhau nên giá có thể rẻ hơn.
– Giá cả theo chất lượng hoặc nhãn hiệu: đồ bán trong chợ hoặc vỉa hè thường không đảm bảo chất lượng, không có nhãn hàng nên sẽ rẻ hơn hàng hiệu trong các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Tuy nhiên, những người bán hàng rong/ cửa hàng trong khu du lịch thường hét giá rất cao. Nên trả giá bắt đầu từ phân nửa giá trở lên. Nếu cảm thấy không mua được thì thôi.
– 1 IDR (Indonesian Rupee) = 1.7 VND. Để tính đơn giản, gấp đôi số tiền IDR sẽ ra số tiền VND tương đương.
I. WARUNG – QUÁN ĂN:
Warung là một quán ăn hoặc quán nước nhỏ bên đường, dạng quán ăn gia đình. Có khi là một xe đẩy bán cháo gà với vài ba cái ghế hoặc một quán ăn chỉ có 1, 2 bàn.
– Ở Bali, đồ ăn ở những warung nho nhỏ này là rẻ nhất và thường cũng dễ ăn và ngon nhất.
Ở Java, ngược lại. Những quán càng to bự, dòm càng lịch sự thì đồ ăn càng ngon, đa dạng và họ tính tiền cũng rất rẻ và đàng hoàng. Những quán lóc cóc bên đường (thậm chí không có chỗ ngồi) thì phải hỏi giá kỹ trước khi ăn/uống. Khi đạp xe, tụi mình đã bị mấy quán này chém giá gấp đôi, gấp ba cho 1 chai nước hoặc 1 phần ăn y chang ở cái warung to bự tụi mình tới sau đó.
– Trong nhà hàng, đồ ăn không có thịt cá thường sẽ rẻ hơn khoảng 40 – 50%. Nhưng nếu món đó có các lựa chọn thịt, hải sản thì ăn chay chỉ rẻ hơn khoảng 15%.
Đồ nấu chay phổ biến nhất ở Indo là tempeh, một dạng đậu nành nén lên men. Rất rẻ và phổ biến. Ở Java họ nấu tempeh rất dở, không nên ăn. Khi gọi món dặn họ không bỏ tempeh. Các warung ở Bali làm món tempeh đa dạng và ngon hơn nên có thể ăn được. Vài chỗ có đậu hũ nhưng không phổ biến như Việt Nam.
– Khi uống dừa tươi ở Java, phải dặn họ không bỏ đường, chỉ bỏ đá. Tụi mình uống dừa ở Java, chỗ nào họ cũng tự động bỏ đường thốt nốt vô trái dừa. Ngọt uống nhức đầu luôn.
![](data:image/svg+xml,%3Csvg%20xmlns='http://www.w3.org/2000/svg'%20viewBox='0%200%20600%20600'%3E%3C/svg%3E)
Các món ăn phổ biến | Giá trung bình (IDR) | Ghi chú |
---|
Nasi Goreng (Cơm chiên) | 15-25k/phần ăn ở các quán ăn nhỏ, địa phương, không sang trọng. | |
Nasi Campur (Cơm + các món tự chọn) | Mỗi nơi làm mỗi khác, như cơm tấm, cơm phần của Việt Nam |
Mie Goreng (Mì xào) | Thường họ làm mì gói xào |
Mie Bakso (Mì bò viên) | |
Sayur Campur (Rau xào thập cẩm) | Giống như món Cap Cay |
Ayam Lalapan (Gà chiên) | |
Ikan Bakar (Cá nướng) | Ăn kèm cơm trắng/ khoai tây chiên |
Soto Ayam (Miến gà) | Ăn kèm cơm trắng + rau xào |
Bubur Ayam (Cháo gà) | Rất đặc, không lỏng và ngon như cháo VN |
Nasi (Cơm trắng) gọi thêm | 5 – 10k/phần | |
Bebek Goreng (Vịt chiên giòn) | 260k/bữa ăn dành cho 2 người, nhà hàng mức trung bình khá, gọi khoảng 3 món. | Thường là 1 cái đùi vịt chiên giòn rụm ăn kèm với cơm trắng + rau xào |
Ayam Bakar (Gà nướng) | Có thể mua nửa con giá 45 – 50k/nửa con |
Babi Bakar/panggang (Heo nướng) | |
Salad vườn | |
French fries (Khoai tây chiên) | |
Pisang Goreng (Chuối chiên) | Không ngon như chuối chiên của Việt Nam |
Bánh ngọt tráng miệng | |
Thức uống | Giá trung bình (IDR) | Ghi chú |
---|
Teh Panas (Trà nóng)/ Es panas (Trà đá) | 5 – 15k | Ly |
Nước ngọt coke, pepsi, frestea,… | 7 – 15k/chai | |
Jus (Nước ép trái cây, sinh tố) | 8 – 25k/ly | Giá lên xuống tùy loại trái cây. Sinh tố thường mắc hơn nước ép. |
Kopi (Cà phê) B | 7 – 25k/ly | Họ thường pha cà phê để nguyên bột trong ly, khi uống phải tự chừa cặn lại |
Aqua (Nước suối 600ml) | 2 – 8k/chai | Nước đóng chai có nhiều hiệu nhưng Aqua là nhãn hiệu phổ biến, đáng tin cậy và rẻ nhất Indo. |
Aqua (Nước suối 1.5l) | 5 – 12k/chai | |
Yakult (lốc 5 hộp) | 9k/l | |
Nước trái cây đóng hộp 1l | 20 – 25k/hộp | |
Bir (Bia – Bintang (0.5l/1l) | 20k/40k chai | |
Anggur (Rượu vang – loại trung bình) | 220k/chai | |
Rorok (Thuốc lá – Marlboro) | 20k/gói | |
![](data:image/svg+xml,%3Csvg%20xmlns='http://www.w3.org/2000/svg'%20viewBox='0%200%20600%20600'%3E%3C/svg%3E)
II. XE CỘ – DI CHUYỂN:
– Ở Bali, nên thuê xe máy đi là tiện nhất. Giá trung bình 50k IDR/ngày. Nếu thuê dài hạn giá sẽ rẻ hơn. Đường sá Bali nhỏ hẹp, kẹt xe rất nhiều ở những điểm đông khách du lịch và cuối tuần.
– Nếu đi taxi, chọn taxi Blue Bird vì họ tính cước đồng hồ đàng hoàng.
– Gửi xe 1k-2k/lần gửi cho xe gắn máy.
Loại xe | 10 phút | 1 tiếng | 1 ngày | Ghi chú |
---|
Ojek (Xe ôm) | 5-10k | 30k | 50k-100k | |
Taxi | 20k | 140k | 300k-400k | |
Bensin (Xăng | 8k/lít tại cây xăng | Khi đổ xăng nhớ chú ý xem đồng hồ tính tiền. Khi lấy tiền thối nhớ đếm lại. |
III. TRÁI CÂY:
– Mua ở các tiệm chuyên bán trái cây, có cân điện tử đàng hoàng là rẻ và ngon nhất.
– Mua ở siêu thị thường mắc hơn một chút, trừ khi có khuyến mãi. Nhưng thường vẫn không tươi bằng mua ở các tiệm trái cây.
– Tuyệt đối không mua ở các sạp hàng bán lẫn trái cây và tạp hóa. Họ thường không cân và bán theo kg mà chỉ ướm (thường là dòm mặt mình báo giá). Lúc nào cũng mắc và đôi khi không ngon, tươi.
Trái cây | Giá trung bình (IDR) | Ghi chú |
---|
Pepaya (Đu đủ) | 5k/kg | Ngon ngọt, rẻ, có quanh năm, nên ăn. |
Pisang (Chuối) | 10 – 25k/nải | Có nhiều loại chuối tiêu, chuối già, chuối chà bột,… |
Pitaya/ Buah Naga (Thanh long đỏ) | 13k/kg | Ngon kinh khủng, không thấy thanh long ruột trắng. |
Buluan (Chôm chôm) | 12k/kg | Bình thường, y chang chôm chôm tróc Việt Nam. |
Salak/ Snake Fruit (Mây Indo) | 15 – 22k/kg | Ăn lạ lạ, giòn giòn nhưng thua xa Mây Thái. |
Jeruk (Quýt) | 12 – 16k/kg | |
Mangga Harumanis (Xoài) | 12 – 35k/kg | Ngon, ngọt, có nhiều loại rất rẻ. |
Melon Skyrocket (Dưa lưới) | 11k/kg | |
Melon Golden (Dưa vàng) | 13k/kg | |
Semangka Merah (Dưa hấu) | 6k/kg | Thường là loại dưa hấu không hạt, trái tròn |
Kiwi | 55k/kg | |
Markisa (Chanh dây) | 26 – 54k/kg | Ngọt lịm, ăn rất ngon, nhất định phải thử. |
Lemon (Chanh Mỹ) | 49k/kg | |
Srikaya (Mãng cầu xiêm) | 10 – 15k/kg | Dai và không ngon như mãng cầu xiêm Việt Nam |
Kedondong (Cóc) | 15 – 20k/kg | Ăn cũng giống cóc xanh Việt Nam |
Jeruk Bali (Bưởi) | 20k/trái | Không ngon như bưởi Việt Nam, đừng ăn. |
Manggis (Măng cụt) | 15 – 20k/kg | Giống măng cụt Việt Nam |
Nanas Bogor (Thơm/dứa) | 5 – 7k/trái | Ngọt, không thấy trái nào chua bao giờ. |
![](data:image/svg+xml,%3Csvg%20xmlns='http://www.w3.org/2000/svg'%20viewBox='0%200%20600%20600'%3E%3C/svg%3E)
IV. QUẦN ÁO, GIÀY DÉP, ĐỒ GIA DỤNG:
Món đồ | Giá trung bình (IDR) | Ghi chú |
---|
Kaos /Kemja Putra (Áo thun/sơ mi nam) | 20 – 60k/cái | Mua ở siêu thị Hardy’s là rẻ và nhiều lựa chọn nhất. )Có cả phòng thử đồ. |
Celana Pendek (Quần short) | 25 – 50k/cái | |
Celana (Quần dài) | 50 – 100k/cái | |
Sunglasses (Kiếng mát) | 50k/cái | |
Sandal (Dép) | 15 – 150k/đôi | Dép kẹp rẻ hơn dép xỏ quai |
Sepatu (Giày) | 100 – 300k/đôi | Giày thể thao |
Gaun Pendek (Đầm ngắn) | 40 – 60k/cái | |
Gaun Panjang (Đầm dài) | 60 – 100k/cái | |
Handuk (Khăn) | 10 – 20k/cái | Khăn lông loại nhỏ vừa |
Sabun Mandi (Xà bông tắm) | 2k/cục trở lên | |
Sampo (Dầu gội) 170ml | 22 – 25k/chai | Các hiệu Pantene, Sunsilk, Clear, TRESemme |
Pembalut (Băng vệ sinh) | 13k/gói | Hiệu Laurier, không cánh, 30 m |
Băng vệ sinh hàng ngày | 17k/gói | Hiệu Carefree, 40 m |
Giấy vệ sinh (8 cuộn, 3 ply) | 37 – 40k/bịch | Hiệu Tessa và Paseo |
Khăn giấy | 4 – 10k/gói | Hiệu Paseo |
Topi (Nón) | 20 – 40k/cái | |
Kem đánh răng 160 gr | 10 – 26k/týp | hiệu Pepsodent |
Pin tiểu Engergizer vỉ 2 cục | 13k/vỉ | |
Garam (Muối ngon) 500 gr | 3 – 5k/bịch | Muối hiệu Dolphin mặn, ướt, ăn không ngon, đừng mua. |
Gula (Đường) 500 gr | 15 – 20k/bịch | Hiệu Gulaku ngon và rẻ |
Như đã nói từ trước, đây là giá các vật dụng thông thường, không phải là hàng hiệu nổi tiếng. Giá mình dựa vào những lần mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng tạp hóa địa phương.
![](data:image/svg+xml,%3Csvg%20xmlns='http://www.w3.org/2000/svg'%20viewBox='0%200%20600%20600'%3E%3C/svg%3E)
![](data:image/svg+xml,%3Csvg%20xmlns='http://www.w3.org/2000/svg'%20viewBox='0%200%20600%20600'%3E%3C/svg%3E)
– Vé xem phim thông thường ở Cinema XXI (Như CGV của mình): 50k IDR/vé ngày thường, 60k thứ Sáu, 70k cuối tuần và ngày lễ.
Tiệm khá lịch sự, nhân viên nói tiếng Anh:
– Gội, cắt, sấy cho nam: 80k IDR/lần
– Gội , cắt, sấy cho nữ: 140k IDR/lần. Chỉ tỉa tóc 100k IDR/lần.
– Massage: 60k IDR cho 30 phút. Từ 150 – 190k IDR cho 70-90 phút.
VI. KHÁCH SẠN:
Giá khách sạn ở Java nhìn chung đắt hơn ở Bali do không có cạnh tranh. Trung bình một đêm ở khách sạn có máy lạnh, không có nước nóng là 17 – 20 USD/đêm. Thường không bao gồm ăn sáng hoặc ăn sáng rất đơn giản. Trứng luộc, cà phê/trà hoặc cơm chiên.
Ở Bali, do hệ thống nhà nghỉ khách sạn rất phát triển, giá cả và chọn lựa rất đa dạng. Có thể thuê một phòng đẹp với giá 10 – 12 USD/đêm. Phòng máy lạnh đắt hơn phòng quạt khoảng 5 – 10 USD. Các khách sạn resort 4-5 sao có giá trung bình từ 80 USD/đêm tùy địa điểm và mùa cao điểm hay vắng khách.
Tất cả các phòng thường có 2 giường (twin bed) hoặc giường đôi (double bed) nên giá phòng thường đã bao gồm 2 người. Rất ít nơi thu phí thêm người thứ 2.
Nếu thuê tháng thì giá căn hộ 1 phòng ngủ/ studio ở khu trung tâm từ 3 triệu IDR/tháng trở lên.
Wifi ở Indonesia không ổn định, có nơi có, có nơi không.
VII. CÔNG AN GIAO THÔNG:
Sau khi đến Sanur, tụi mình thuê xe máy chứ không chạy xe đạp. Tuy vậy, hơn 4 tháng sống ở đây, tụi mình chỉ bị công an gọi vào 3 lần.
Về nguyên tắc, khi chạy xe máy ở Indo, mình phải đội nón bảo hiểm và có bằng lái xe của Indo. Muốn được cấp bằng lái xe này chỉ việc đến bất kỳ sở cảnh sát nào đó, trả 300k IDR (khoảng 600k VND) thì họ sẽ cấp cho. Bằng lái xe quốc tế cũng không được công nhận ở đây.
Tuy nhiên, do kinh tế của Bali hoàn toàn phụ thuộc vào du lịch hay do tụi mình hên thì không biết, mình thấy công an ở đây rất lịch sự. 3 lần gọi vào họ đều hỏi giấy tờ xe. Sau khi mình đưa thì họ hỏi mình người ở đâu, đến Bali mấy lần rồi, ở lâu chưa, blah blah blah. Xong rồi họ trả lại giấy xe, dặn mình chạy cẩn thận, nhớ đội nón bảo hiểm (lúc nào cũng đội). Rồi thôi.
Nhưng trong giới du lịch ở Indo, mọi người đồn công an giao thông ở đây cũng rất hay làm khó nhưng dễ thông cảm nếu mình biết điều. Tiền uống cà phê cho các anh thông thường khoảng từ 30k – 50k IDR nếu không có bằng lái hoặc không đội mũ bảo hiếm. Và tiền đó để riêng ra ở 1 túi để dễ bề năn nỉ là tui hết tiền rồi hay quên đem tiền gì đó. Khi đưa, nhớ đưa hiên ngang để mấy anh lấy cho nhanh vì mấy anh cũng sợ người khác thấy.
Đây hoàn toàn là tin đồn còn kinh nghiệm bản thân thì chưa trải qua nên không dám khẳng định. Nếu ai có nguồn nào khác thì xin thoải mái chia sẻ để mọi người cùng tham khảo.
VÀI BÀI HỌC KINH NGHIỆM…
Mình chưa bao giờ du lịch kiểu bụi cho đến khi đi chuyến này. Do đó, cách nhìn của mình cũng có nhiều thay đổi so với lúc trước, khi còn ở Việt Nam. Mình chỉ có vài chia sẻ thế này
1. Đừng nổi nóng khi bị ai đó lừa/ ăn gian của bạn vài chục ngàn đồng.
Ngày xưa ở Việt Nam, đi chơi với mấy đứa bạn nước ngoài, mình cũng vài lần nổi điên vì một bà bán cho nó gói xôi giá 80 ngàn; một ổ bánh mì dưa leo đồ chua 10 ngàn; không thối lại 3 ngàn tiền thối; vân vân và vân vân. Rồi quên. Không lấy gì làm quan trọng với cung cách lừa lọc của một bộ phận nhỏ người Việt Nam mình.
Khi đi Campuchia, Thái Lan và Malay, người dân họ rất đàng hoàng. Tính tiền như giá địa phương. Nên khi qua tới Indo tụi mình không bao giờ hỏi giá trước khi ăn uống. Thế là bị chém liên tục. Cứ hy vọng rồi thất vọng. Chắc chỉ có chỗ đó thôi, mấy chỗ này dòm họ đàng hoàng chắc không sao… Lúc đầu cũng tức lắm. Thấy bán mình trái dừa 25 ngàn, chai nước ngọt 20 ngàn là đủ điên rồi. Dĩ nhiên, mình tức không phải vì mất vài ngàn bạc. Thử đi chơi ở mấy nước phát triển đi, ăn ổ bánh mì thịt cả 5 đô mà cũng phải mua. Chai nước uống chút xíu cũng 2 đô chẳng hạn. Mà tức ở đây là tức mình bị lừa. Tức là họ không đàng hoàng. Dù chỉ vài ngàn. Và không ai thích cảm giác bị lừa hết. Dù nhiều hay ít.
Nhưng nghĩ lại. Ở Việt Nam mình cũng bị lừa hoài :). Rồi nhìn cái nhà họ nhỏ xíu cũng là cái quán, chen chúc mấy người ở đó mà trống trơ trống hoác, nghèo nàn, bẩn thỉu. Thì thôi, mình nghĩ, lấy của mình thêm vài ngàn để họ được một bữa chợ. Kể như làm phước :). Rút kinh nghiệm, lần sau hỏi giá cho kỹ trước khi ăn/uống.
2. Nếu gặp chuyện không hài lòng, nhất định phải nói cho người có trách nhiệm biết
Mình có cái thói quen cũ kỹ, dở òm là đi đến đâu có gì đó không vừa lòng là im luôn. Mai mốt không đi tới chỗ đó nữa.
Fraser không có như vậy. Khi gặp chuyện không vừa ý, ảnh không bao giờ nổi giận. Nhưng ảnh cũng không bao giờ bỏ qua như không biết.
Nếu ăn dĩa cơm thấy có con ruồi chết/kim ghim, ảnh sẽ đợi lúc tính tiền, trả tiền đầy đủ rồi đưa con ruồi ra nói cho người ta biết.
Wifi của khách sạn chập chờn, khách ở mấy phòng khác cười giỡn ồn ào thâu đêm suốt sáng, ảnh sẽ nói với bác chủ nhà ngay. (Chứ không như mình, muốn thò mặt ra cho cái lũ trẻ trâu đó một trận!)
Đi đến một nhà hàng ghi là có đồ ăn chay (vegetarian friendly) mà trên thực đơn chỉ có mỗi món xà lách là chay, ảnh cũng sẽ góp ý.
Cứ như vậy, đi đến đâu, sau vài lần ăn chỗ quen, ảnh cũng được giảm giá hoặc tính giá tối thiểu khi mua đồ ăn, thức uống. Đôi khi được tặng thêm đồ tráng miệng miễn phí gọi là đền bù thiệt hại.
-> Mọi chuyện đều sẽ được giải quyết êm đẹp. Mà mình lại cho người ta cơ hội để làm dịch vụ tốt hơn.
3. Luôn cẩn thận tiền bạc khi đi chơi
Ngày xưa, đi ăn uống, chả mấy khi xem bill, chỉ dòm tổng số tiền rồi trả. Có đi cả nhóm chia chác nhau, cũng chả buồn quan tâm, để ý. Nói nhiêu trả nhiêu.
Bây giờ, ăn gì, mua gì, cũng đều tính toán lại cẩn thận. Nhờ đó, mà tránh được vài lần tính nhầm.
2 đứa bạn mình từ Úc qua Bali chơi. Đi ăn quán ăn mình giới thiệu. Lúc tính tiền, tụi nó nhớ trong bài mình viết giá nhiêu đó, mà sao bill tính tiền tới nhiêu đây. Giở lại thực đơn kiểm tra, mỗi món bị tăng lên 5k IDR, gọi phục vụ lại hỏi. Họ nói họ tính nhầm :). Nhờ vậy, không bị mất tiền, dù là món tiền nhỏ. Mà lần sau quán làm ăn cũng cẩn thận hơn. Có muốn lừa khách, cũng sợ không dám.
Rồi đến bây giờ mà mình vẫn nghe có người để tiền trong balô/túi xách gửi ở sân bay hoặc ở gầm xe buýt, bị mất.
Trời ạ. Thời buổi nào rồi mà không biết là tiền và các giấy tờ quan trọng phải luôn luôn mang theo bên người? Cũng như phải luôn có 1 xấp giấy vệ sinh và vài cục kẹo trong túi khi đi chơi xa :). Trước khi đi, 2 đứa tụi mình phải mua luôn 2 cái túi bao tử, đeo như mấy tên việt kiều rởm, để được là của đâu người đó. Dòm hơi gớm, nhưng rất an toàn 🙂
Nhìn chung, Bali/ Indonesia khá ổn. Không thấy có trộm cướp, giết người, giựt dọc gì hết. Người dân cũng thân thiện, vui vẻ, lành tính. Nếu có cơ hội, nên đến Indonesia 1 lần cho biết vì họ miễn visa du lịch cho người Việt. Không cần phải đến Bali. Trung tâm và phía đông đảo Java có rất nhiều địa điểm đẹp để tham quan. Các đảo Lombok, Sumbawa, Komodo,…đều còn hoang sơ, cảnh rất đẹp và chi phí rẻ. Du lịch ở Indonesia chi phí tương đương với Thái Lan, rẻ hơn Malaysia mà dịch vụ lại phát triển hơn Campuchia. Nếu ai đến Bali chơi nhớ hú mình để mình cung cấp cho thêm vài tips nhé!