Thành Trì – Archibald Joseph Cronin
I. THÀNH TRÌ (THE CITADEL)
“Thành Trì” là câu chuyện về một bác sĩ trẻ mới ra trường với đầy nhiệt huyết, đam mê và hoài bão. Anh sẵn sàng hy sinh, dấn thân cho sự nghiệp cứu người bằng cách chấp nhận làm việc ở một vùng mỏ xa xôi, nghèo nàn. Cũng từ đây, anh bắt đầu phải đối mặt với những thiếu thốn về cơ sở vật chất, thuốc men, thiết bị; những phương pháp chữa bệnh lỗi thời; những chống đối của người dân nghèo nàn, ngu dốt và của cả những tên lang băm đồng nghiệp. Tuy vậy, bằng tài năng và sự chân thành của mình, anh đã chiếm được lòng tin và sự tôn trọng của mọi người.
Sự nghiệp của anh dần phát triển cũng là lúc anh nhận ra sự thối nát trong hệ thống y tế hiện diện khắp nơi. Nếu ở những vùng quê nghèo là việc giành giật phiếu khám bệnh nhân với đủ trò chính trị giữa quản lý khu mỏ, hội đồng y tế, thì ở thành phố London xa hoa, mọi việc còn kinh tởm hơn anh nghĩ. Những tên thầy thuốc bất tài nhưng giỏi bịp bợm trở nên giàu có. Những bệnh nhân đi khám dù không có bệnh,…
Không cưỡng lại được cám dỗ của đồng tiền, anh cũng bị cuốn vào những thói trưởng giả. Anh bận rộn khẳng định đẳng cấp của mình trong giới bác sĩ. Giao du với những người có lợi cho sự nghiệp của anh. Với bệnh nhân, anh mất đi sự quan tâm của người thầy thuốc chân chính. Anh cấp cho họ cùng 1 loại thuốc cho bất kỳ bệnh gì,…Anh dần trở nên một con người khác hoàn toàn với lý tưởng ban đầu. Bề ngoài, anh thành công hơn, giàu có hơn, nhiều bằng cấp danh dự hơn nhưng bên trong là sự hỗn loạn, mất phương hướng, bế tắc.
Đến khi anh quyết định từ bỏ tất cả những phù phiếm của cuộc sống hiện tại, làm lại từ đầu theo hướng anh vẫn thường mơ ước thì cuộc đời lại buộc anh rẽ sang một hướng khác.
A.J. Cronin là một bác sĩ, nhà văn và đã có thời gian làm thanh tra y tế ở các vùng mỏ. Sau đó, ông mở phòng mạch ở Harley Street, khu vực nổi tiếng nhất ở London vào thời đó về các phòng mạch tư danh giá. Có thể nói cuốn sách là cuốn tự truyện của tác giả ở nhiều khía cạnh. Đọc “Thành Trì” để thấy cuộc đấu tranh cho sự thật, lẽ phải diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi thời điểm. Để vẫn hy vọng người tốt nhiều hơn kẻ xấu hoặc ranh giới đó đôi khi rất mơ hồ. Và đừng vội thất vọng khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống.
Là quyển truyện yêu thích nhất của Bố mình và mình hồi nhỏ. Đồng thời, là cuốn sách nổi tiếng nhất của A.J.Cronin.
Số trang: 532
Tựa gốc: The Citadel (1937)
– Là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại của nhà xuất bản Gollancz.
– Ở Mỹ, năm 1937, “Thành Trì” đạt giải National Book Award, Favourite Fiction. (Giải thưởng sách quốc gia, Tiểu thuyết được ưa thích nhất)
– Theo cuộc trưng cầu ý kiến của Gallup, năm 1939, “Thành Trì” được bầu là cuốn sách thú vị nhất mọi thời đại.
– “Thành Trì” là nền chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1938 của MGM. Phim đoạt giải Phim hay nhất của cả New York Film Critics Circle và National Board of Review.
– Sau đó cuốn sách tiếp tục được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập cùng tên của Mỹ (1960), của Anh (1960 & 1983), của Ý (1964 & 2003). Làm thành bộ phim Tere Mare Sapne (tiếng Hindi – 1971)). Jiban Haikate (tiếng Bengali – 1972) và phim Madhura Swapnam (tiếng Telugu – 1982) của Ấn Độ.
– Ảnh hưởng của cuốn “Thành Trì”
Câu chuyện về một bác sĩ ở vùng mỏ nghèo phải vật lộn giữa kiến thức y khoa với thực tế xã hội đã giúp hình thành Hệ thống Y tế quốc gia (National Health Service – NHS) ở Anh.
Cuốn sách cho thấy kiến thức giáo khoa và cung cách chữa bệnh thời đó đã quá lạc hậu và không còn phù hợp. Cronin cổ động một hệ thống y tế công cộng miễn phí để chống lại những tên thầy thuốc bất tài chỉ giỏi lừa tiền của bệnh nhân. Bản thân ông và Aneurin Bevan (chính trị gia, bác sĩ và là Bộ trưởng bộ y tế) đã từng cùng làm việc ở Bệnh viện Tredegar Cottage, nền tảng của NHS.
Cronin nhanh chóng có nhiều kẻ thù trong giới y khoa và họ nỗ lực để cấm ban hành cuốn “Thành trì“.
NXB Gollancz đã theo đuổi vụ kiện để tiếp tục ủng hộ cuốn sách. Thực tế, “Thành Trì” xuất bản như một cuốn tiểu thuyết, không phải tự truyện. Và dù cho công chúng thấy mặt trái của ngành y với những nhũng nhiễu trong hệ thống y tế, cuốn sách cũng đề cập đến những bác sĩ làm việc cật lực, cống hiến quên mình như Phillip Denny và nhân vật chính Andrew Mansion ở nhiều giai đoạn.
Bản thân ông đã từng nói: “Trong Thành Trì, tôi viết tất cả những cảm nhận của tôi về nghề y, về những bất công, những quan niệm thủ cựu, lỗi thời thiếu chứng cứ khoa học, những trò bịp bợm,…Những sự thật khủng khiếp và sai trái mà bản thân tôi đã từng chứng kiến. Tôi không tấn công vào cá nhân nào mà chỉ tấn công vào một hệ thống.”
II. TÁC GIẢ – A.J.CRONIN (Scotland)
Archibald Joseph Cronin (19/7/1896 – 06/01/1981) là nhà văn, bác sĩ người Scotland.
Ông không chỉ là một học sinh thông minh, nhận được nhiều giải thưởng viết văn mà còn là một cầu thủ bóng đá và vận động viên thể thao xuất sắc.
Năm 1914, ông được học bổng Carnegie theo học Y khoa ở đại học Glasgow (University of Glasgow). Ông tự nguyện gia nhập Hải quân Hoàng gia vào 1916-1917 (Chiến tranh thế giới thứ nhất). Sau đó, ông tốt nghiệp đại học hạng ưu với bằng danh dự MBChB vào năm 1919. Cùng năm, ông nhận làm bác sĩ trên một con tàu đến Ấn Độ.
Ông tiếp tục nhận được nhiều bằng cấp khác như Sức khỏe cộng đồng (1923), thành viên Hội đồng Y khoa Hoàng Gia Anh (MRCP) (1924). Năm 1925, ông được trao bằng Tiến sỹ Y khoa của Đại Học Glasgow cho công trình “The History of Aneurysm”. (tạm dịch: Lịch sử chứng phình mạch).
Sau chiến tranh, ông làm việc ở nhiều bệnh viện ở Glasgow và Dublin. Ông cũng đến làm việc ở những ngôi làng nhỏ, bao gồm ở vùng mỏ ở South Wales.
Năm 1924, ông được bổ nhiệm làm Thanh tra Y tế vùng mỏ ở toàn nước Anh. Vài năm sau đó, ông công bố bản nghiên cứu về tác hại và mối liên hệ giữa bụi than và các bệnh về phổi. Bản thân ông đã có mặt tại vụ tai nạn 38 người công nhân bị chết đuối trong hầm mỏ. Chỉ có 23 người được cứu sống sau 8 ngày. Kinh nghiệm ám ảnh đó đã làm nền cho cuốn “Thành Trì” và một số tiểu thuyết khác của ông.
Ông về sống và hành nghề ở London trước khi mở phòng mạch ở Notting Hill.
Vợ ông cũng là bác sĩ và phụ giúp ông trong công việc. Họ có 3 con trai, sống ở Anh. Năm 1939, khi tác phẩm của ông được chuyển thể thành các bộ phim Hollywood, gia đình ông qua Mỹ.
25 năm cuối đời, ông sống ở Thụy Sỹ và tiếp tục viết sách cho đến năm 80 tuổi. Bạn bè ông có nhiều người nổi tiếng bao gồm vua hề Charlie Chaplin và diễn viên Audrey Hepburn.
Dù sống ở nước ngoài nhiều năm, ông luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước Scotland. Rất nhiều sách và tài liệu khoa học của ông vẫn còn được lưu trữ ở Thư viện quốc gia Scotland và Đại học Texas.
Ông mất ngày 06/01/1981, thọ 84 tuổi. Vợ ông cũng mất cùng năm.
(Nguồn Wikipedia)
Một số tác phẩm khác của ông đã được dịch ra tiếng Việt: (click vào tên sách để đọc trọn quyển)
– Lâu Đài Người Bán Nón (Hatter’s Castle – 1931)
– Cô Gái và Hoa Cẩm Chướng (Lady with Carnations – 1935)
– Thành Trì (The Citadel – 1937)
– Tình yêu và ước vọng (Vigil in the Night – 1939)
– Những Năm Ảo Mộng (The Valorous Years – 1940)
– Những Ngày Xanh (The Green Years – 1944)
– Thanh Gươm Công Lý (Beyond This Place – 1953)